Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM mở rộng lần thứ 7 diễn ra tối 25.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông tin về các lĩnh vực được phép hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng, trong đó có hoạt động giao hàng (shipper).
Theo đó, các công ty quản lý shipper phải điều chỉnh số lượng shipper được hoạt động đến mức tối thiểu theo hướng giảm ít nhất từ 10% so với ngày 22.7 (ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy).
Các shipper phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch Covid-19 và chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP.Thủ Đức. Cụ thể, người giao hàng phải có thẻ đeo, có dấu hiệu nhận diện… thể hiện thông tin cá nhân, công ty và địa bàn hoạt động để xuất trình thông tin cho cơ quan chức năng khi kiểm tra.
TP.HCM yêu cầu các công ty phải đăng ký danh sách shipper và địa bàn hoạt động cho Sở Công thương và Sở GTVT, danh sách này sẽ được các cơ quan chức năng truy xuất khi kiểm tra.
Riêng các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị…) thì phải thực hiện đăng ký và được xác nhận thẻ cho từng shipper tại các xã, phường, thị trấn, phạm vi hoạt động cũng chỉ trong địa bàn quận huyện cụ thể.
Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin nhiều hoạt động thiết yếu vẫn được hoạt động trong thời gian tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội
|
“Trong chiều 25.7, Giám đốc Sở Công thương cùng đại diện lãnh đạo Công an TP.HCM làm việc với các nhà phân phối, thống nhất phương án triển khai trong thời gian tới đối với shipper”, ông Phong thông tin.
An toàn mới được hoạt động
Về các lĩnh vực khác, ông Phong cho biết phải định kỳ đánh giá nguy cơ dịch bệnh, tuân thủ nghiêm các Bộ tiêu chí an toàn và tuyệt đối không tập trung đông người; khuyến khích phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm”.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước phải giảm tối đa người làm việc tại công sở; nghiên cứu tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế đảm bảo 100% quân số.
Một số lĩnh vực khác được hoạt động, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán; các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu; các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp dịch vụ logistic; các doanh nghiệp sản xuất…
Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn – lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác. TP.HCM cũng cho phép các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách hoạt động, các đơn vị duy trì chế độ trực để đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ, duy trì các hệ thống thông tin.
Kể từ chiều tối ngày 26.7, người dân TP.HCM không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; tất cả hoạt động trên địa bàn tạm dừng trừ trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh; shipper chỉ được hoạt động theo địa bàn quận, huyện, TP.Thủ Đức.