Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, làm việc ở nhà là giải pháp tình thế tạm thời. Và bất kỳ người Việt nào cũng mong muốn Việt Nam sớm dập được dịch để nhịp sống thường nhật quay trở lại.
Nhớ mùa dịch lần thứ nhất, xã hội giãn cách, ai ở đâu ở yên chỗ đó, các cơ quan công sở cho nhân viên làm việc online. Cái gì cũng có lần đầu bỡ ngỡ mà. Gần 1 tháng ở trong nhà, chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội mới thấy dân tình sáng tạo đến dường nào. Facebook tràn ngập đồ ăn, chị em và kể cả anh em thi nhau vào bếp trổ tài. Người thì viết những dòng rất mùi mẫn nào là “được sống chậm”, “được thực hiện sở thích riêng”, “gia đình quây quần bên nhau chia sẻ, tâm sự nhiều hơn, hiểu nhau hơn”, …vv. Một loạt các trang fanpage như “Nhà đẹp”, “Nghiện nhà”, “Yêu nhà”, “Yêu vợ”…ra đời và số lượng thành viên tăng chóng mặt.
Rồi, đến mùa dịch thứ 2, thứ 3 và giờ là thứ 4, lại một lần nữa nhiều cơ quan, đơn vị cho nhân viên làm việc tại nhà. Không còn thấy những bài viết chia sẻ về những thú vui khi ở nhà nữa. Nhiều người thấy thực sự mệt mỏi, khi phải ở nhà làm việc online. Ở nhà làm việc sẽ xảy ra rất nhiều tình huống. Vừa làm việc cơ quan, vừa làm việc nhà như lau nhà, nấu cơm, don dẹp. Nhất là nhà nào có con nhỏ thì làm việc ở nhà sẽ không mấy hiệu quả. Chị Cẩm Lai hiện đang công tác tại 1 Đài truyền hình chia sẻ, làm việc online tại nhà cũng là lúc tôi có thể tranh thủ nấu nướng, chăm sóc con cái cùng với ông bà. Sau nhiều lần bùng dịch thì việc làm online đã trở nên quen thuộc và dễ thích nghi. Tuy nhiên, cũng nảy sinh một số điều bất tiện. Đó là sự thiếu tập trung vào công việc. “Gia đình tôi có con nhỏ 23 tháng, thấy có ba mẹ ở nhà là bạn nhỏ sẽ thường xuyên mè nheo, đòi bố mẹ chơi cùng thậm chí buổi trưa phải cho bạn ấy ăn trưa, ngủ trưa, việc này khiến tôi mất thời gian và đứt quãng mạch tư duy trong công việc. Dù làm việc trong phòng riêng nhưng vẫn bị tác động bởi em bé. Thêm vào đó, làm việc tại nhà sẽ không thể tuân thủ theo thơi gian biểu một cách chặt chẽ như tại cơ quan. Giờ nghỉ ngơi hay giải lao cũng không theo qui định bởi nghề chúng tôi là viết, tư duy ngôn ngữ và chắt lọc thông tin nên nếu sự tập trung không cao độ sẽ dẫn đến hiệu quả không cao. Chúng tôi chỉ mong sao, khống chế được dịch bệnh, trẻ em được tới trường, chúng tôi được trở lại nhịp làm việc như bình thường”, chị Cẩm Lai cho hay.
Còn với chị Kim Hoa hiện nay đang công tác tại một Công ty Đầu tư tài chính của Nhật thì cho rằng, với mô hình công việc của đơn vị chị thì làm ở nhà có rất nhiều bất tiện. Thứ nhất là sự thiếu tương tác, khó khăn trong việc thảo luận các vấn đề của công việc vì liên quan đến nhiều thành viên trong công ty. Hơn nữa, một mình ngồi trước máy tính cùng với 4 bức tường cả ngày cũng thấy không thoải mái bằng việc ở công ty có nhiều đồng nghiệp xung quanh, đôi lúc ngoài công việc ra thì còn vài câu chuyện vui, phiếm khi giải lao cũng khiến mình bớt mệt mỏi.
Mặc dù là làm việc online nhưng nhân viên của công ty chị Hoa cũng như bản thân chị lại bị giám sát và quản lý chặt chẽ hơn và mất nhiều thời gian cho việc báo cáo, kê khai chi tiết những hoạt động trong ngày, kế hoạch làm việc cũng phải chi tiết hơn.
Không chỉ có vậy, làm việc ở nhà bị ảnh hưởng rất nhiều tới công việc của gia đình. “Dù không muốn thì ngồi làm việc ở nhà cũng sẽ bị mất tập trung, nhất là nhà có con nhỏ hay hàng xóm sửa chữa, sơn sửa nội thất. Nhất là khi họp online mà có những âm thanh “ở nhà” xen lẫn vào như trẻ con kêu khóc, giúp việc gọi….Rồi trang thiết bị, cơ sở vật chất không đầy đủ, không gian làm việc không chuyên nghiệp cũng ảnh hưởng đến tâm lý làm việc. Làm việc ở nhà có cảm giác không trong “tâm thế” đi làm: vì ở nhà, có thể là ăn mặc trang phục ở nhà, có thể dậy buổi sáng trễ hơn… nên không có cảm giác hoàn toàn là đang làm việc”, chị Kim Hoa tâm sự.
Cụm từ “làm việc ở nhà” không còn mới mẻ nhưng để làm việc hiệu quả, tinh thần phấn chấn thì chắc khó. Trong giờ làm việc, nếu mệt mỏi có thể nằm ườn trên giường hoặc ghế sofa. Đói bụng có thể quen tay, quen mồm ăn vặt trong giờ làm rồi lại tranh thủ làm cái này, làm cái kia. Nhiều chị em thì than phiền làm việc ở nhà dể bị tăng cân. Ở nhà, nhiều đồ ăn dự trữ nên dễ rơi vào trạng thái ăn vặt, và đồ ăn các bữa chính cũng nhiều hơn.
Làm việc ở nhà hầu hết chi phí điện, nước, sinh hoạt của các gia đình đều tăng mạnh trong đại dịch. Và nhiều người phải vừa làm việc, vừa chăm sóc người già, trẻ nhỏ trong nhà, không tránh khỏi căng thẳng. Làm việc ở nhà kéo dài, chúng ta có lúc bị kém tập trung trong không gian gia đình, bị trì trệ và mất hứng do thiếu tương tác trực tiếp với đồng nghiệp, đối tác và thiếu hoạt động nhóm.
Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, làm việc ở nhà là giải pháp tình thế tạm thời. Tuy nhiên ai ai cũng mong muốn Việt Nam sớm dập được dịch để cuộc sống thường nhật quay trở lại. Giờ đây ai cũng nhớ cảnh kẹt xe, tiếng động đường phố inh ỏi, riếng rao bán hàng trên phố, hàng quán vỉa hè nhộn nhịp….Những hình ảnh “rất đỗi bình thường hàng ngày đó” giờ trở nên đáng nhớ đến lạ kỳ và nhiều người đều mong muốn “bao giờ hết dịch để được đi làm” ./.
Nguồn: vov.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.