Tồn đọng hàng triệu con gà công nghiệp
Ngày 28.7, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai thông tin, giá gà công nghiệp lông trắng theo các báo cáo của doanh nghiệp và địa phương trong buổi làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT là 9.000 – 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến sáng 28.7, bán giá 6.000 – 7.000 đồng/kg cũng không ai mua trong khi chi phí nuôi loại gà này đến nay là 28.000 – 29.000 đồng/kg. “Giá bán chỉ bằng 1/5 giá vốn. Nói rõ ra là giờ bán cho được 2 con gà may ra mua được bó rau muống”, ông Quyết so sánh.
Cũng trong ngày 28.7, nhà máy giết mổ gia cầm Phạm Tôn ở Bình Dương cũng tạm ngưng hoạt động do có ca F0 trong nhà máy. Nhà máy này khi chưa ngưng hoạt động, công suất giết mổ gia cầm mỗi đêm cũng khoảng 40.000 con.
Tại Long An, theo Sở NN-PTNT tỉnh này, 9/10 cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa. Chỉ còn lại cơ sở của Công ty TNHH San Hà hoạt động nhưng công suất cũng giảm khoảng 2/3 so với trước. Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ lợn, trâu bò đều giảm công suất xuống chỉ còn 10-20% so với trước dịch. Ở thời điểm bình thường, phần lớn công suất của các cơ sở giết mổ này để cung ứng cho thị trường TP.HCM thông qua chợ đầu mối và các chợ truyền thống. Việc đóng cửa các chợ đầu mối và hàng loạt chợ truyền thống khiến đầu ra của các cơ sở giết mổ tại Long An bị thu hẹp mạnh. Một số cơ sở không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”, cũng buộc phải tạm đóng cửa phòng chống dịch khiến lượng cơ sở giết mổ gia cầm, gia súc còn rất ít.
Trước đó, làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, Công ty San Hà – một trong những cơ sở giết mổ lớn tại khu vực phía nam cho biết, trước thời điểm giãn cách, công ty cung cấp cho TP.HCM mỗi ngày 80.000 con gà đã giết mổ, nay giảm xuống còn một nửa bởi nhu cầu giảm mạnh do hàng quán đóng cửa, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp hạn chế hoạt động. Theo ông Lê Văn Quyết, hiện lượng gà tồn đọng tại khu vực miền Đông Nam bộ rất lớn, ước tính lên đến hàng triệu con.
“Kích hoạt” các cơ sở giết mổ nhỏ, siêu nhỏ để cứu thị trường
Theo các trại chăn nuôi, gà trắng hiện tại chỉ nuôi khoảng 32 ngày xuất chuồng, gà màu 45 ngày xuất chuồng. Trong khi đó, các nhà máy lớn có công suất giết mổ từ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn con mỗi đêm lại đang tạm đóng. Dẫn đến nghịch lý thị trường người dân không có gà để ăn, hoặc mua với giá cao, nhưng gà trong các trang trại không ai mua vì không có chỗ giết mổ.
Chỉ đơn cử một nhà máy của An Nhơn, nhà máy giết mổ gia cầm duy nhất tại TPHCM với trung bình công suất mỗi đêm khoảng 100.000 con, đã bị đóng cửa 3 tuần nay. Như vậy, số gà không được đưa ra thị trường từ nhà máy này trong 3 tuần qua lên đến 2 triệu con. Nhà máy Phạm Tôn mới bị đóng ngày 28.7 cũng có công suất hơn 40.000 con/đêm.
Ông Quyết cho biết, Hiệp hội đang soạn kiến nghị lên các cơ quan quản lý cho “kích hoạt” trở lại các nhà máy giết mổ gia cầm từ nhỏ cho đến siêu nhỏ khắp các vùng miền để cứu thị trường. “Lượng gà lớn đến kỳ phải xuất chuồng lại không có nơi giết mổ, trong khi gà con lại lớn lên rất nhanh, hơn một tháng lại tiếp tục xuất chuồng. Tình hình cứ đóng cửa các nhà máy hiện đại thì việc cho kích hoạt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, là hành động “đánh du kích”, “đánh lẻ” là cần thiết để người dân có thực phẩm tốt giả rẻ để ăn, các trang trại lại không bị lỗ chồng lỗ và phá sản”- ông Quyết đề xuất.
Thực tế tại các địa phương mấy ngày trước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thừa nhận, các cơ sở giết mổ, chế biến gặp nhiều khó khăn hơn so với một số ngành sản xuất khác vì do mặt bằng nhỏ, thường xuyên ẩm ướt, không đủ điều kiện vệ sinh để cho người lao động ăn, ngủ, sinh hoạt tại cơ sở. BộNN-PTNT cho biết sẽ mở diễn đàn kết nối cung – cầu giữa các tỉnh miền Nam và miền Bắc để giải quyết tình trạng hiện nay.