Hằng năm Bộ GD-ĐT đều công bố đề thi tham khảo cho học sinh (HS) lớp 12. Đây là động thái cần thiết. Tuy nhiên, hậu quả của nó là đã tạo ra tâm lý trông chờ, phụ thuộc, khiến thầy và trò thiếu sự chủ động, linh hoạt trong việc ôn tập. Cứ máy móc theo đề mẫu, rồi dự đoán, loại suy đề, nội dung ôn. Các trang mạng cũng tràn lan các đề thi minh họa, HS cứ thế mà máy móc ôn luyện.
Tệ trạng “thi gì học nấy” tồn tại suốt từ bậc THCS đến THPT. Nó là rào cản rất lớn của “học thật, thi thật…”. Nhìn vào đề thi của bất cứ cấp học nào hiện nay chúng ta đều thấy kiến thức đóng khung trong chương trình học. Các câu hỏi đều được giáo viên thông báo trước cho HS. Thậm chí nhiều câu hỏi trong đề giống y chang các bài luyện tập đã học, chỉ thay số liệu. Các môn đều có đề cương do giáo viên soạn sẵn từng câu hỏi và câu trả lời, đề và bài làm mẫu. Hệ lụy là HS cứ học thuộc tài liệu là có điểm cao. Lối học “vẹt”, nạn giáo viên khảo bài môn văn, tình trạng bài văn mẫu tràn lan là xuất phát từ đây.
Những năm qua ngành giáo dục đã đổi mới rất nhiều về cách kiểm tra đánh giá theo hướng tích cực, chú trọng đến việc phát huy kỹ năng, sáng tạo của người học. Tuy nhiên, thực tế “pháp lệnh” của Bộ chưa được các trường “quán triệt” thấu đáo. Trong đó có những bất cập trong việc kiểm tra, đánh giá ở nhà trường phổ thông.
Giáo viên không dám mạnh dạn đổi mới cách dạy, cách ra đề. Để an toàn, họ chọn cách dạy học vì điểm số hơn là chú trọng rèn luyện kỹ năng cho HS.
Nói về việc đổi mới ra đề thi môn văn, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống (chủ biên môn ngữ văn của chương trình phổ thông mới) cho rằng đề thi môn văn THPT nên cho những tác phẩm ngoài chương trình học. Điều này đã từng được Báo Thanh Niên nêu ra rất lâu trước đây. Đây là ý kiến rất đúng vì đem đến sự chủ động, sáng tạo cho HS trong quá trình học tập và thi cử, tránh được những hệ lụy nói trên, nhất là khi chương trình phổ thông mới sắp áp dụng tới đây.