Đang thiếu nhân lực thực hiện việc thu gom rác thải của các trường hợp F0, F1 đang cách ly tại nhà.
TP.HCM đang triển khai thí điểm cách ly y tế đối với các trường hợp F0, F1 tại nhà. Theo đó, một trong những vấn đề đáng quan tâm là việc quản lý chất thải rắn đối với các hộ gia đình có người cách ly. Bởi nếu nguồn rác thải này không được xử lý chặt chẽ rất có thể sẽ làm lây lan dịch bệnh.
Rác thải từ các hộ gia đình có người cách ly cần đảm bảo được xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế TP. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Thiếu nhân lực thực hiện thu gom rác thải
Chị BXA (cư ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thuộc diện F1 cách ly tại nhà. Ngoài những hướng dẫn để phòng chống dịch, việc thực hiện phân loại rác cũng được cơ quan chức năng hướng dẫn khá kỹ lưỡng. Cụ thể, khi bắt đầu cách ly, cơ sở y tế hướng dẫn những loại rác nào dính tới ăn uống như khẩu trang, khăn giấy, bao tay… thì cho riêng một túi, sau đó cho vào thùng rác y tế”.
Hiện nay, việc thực hiện thu gom tại nguồn những loại chất thải phát sinh ở khu vực phong tỏa, tại nhà/nơi lưu trú của các trường hợp F0, F1 được nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo hướng dẫn của ngành y tế. Một trong những khó khăn là hiện nay lực lượng xử lý rác thải còn hạn chế.
Ông Lê Huỳnh Thanh, Chủ tịch UBND phường 8, quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết: Địa bàn phường cũng đang có trường hợp F0 cách ly tại nhà. Phường cũng đã hướng dẫn việc thu gom rác thải ở điểm cách ly tại nhà theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay phía phường đang thiếu nhân lực để thực hiện.
“Chúng tôi có liên hệ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) để lấy rác thải ở những hộ có người cách ly tại nhà. Công ty này yêu cầu phải tập kết rác về hai nơi trong địa bàn quận để được thu gom, xử lý nhưng phía phường đang thiếu nhân lực làm khâu này. Do đó, phường đề xuất đơn vị có chuyên môn thu gom, xử lý loại rác thải này hỗ trợ thêm cho phường” – ông Thanh cho hay.
Theo ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp: Hiện nay, rác thải của những trường hợp F0, F1 cách ly tại nhà trên địa bàn quận do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận thu gom. Địa phương có hướng dẫn những trường hợp cách ly tại nhà tự phân loại rác. Hiện nay, địa bàn quận Gò Vấp vẫn xử lý tốt việc thu gom những loại rác thải này.
“Phía quận chúng tôi thực hiện thu gom rác thải theo quy trình, tách riêng rác thải y tế và rác thải sinh hoạt để xử lý. Phía phường có cung cấp dung dịch khử khuẩn, túi rác màu vàng để người cách ly sử dụng và phân loại rác. Những loại rác thải này được xử lý như rác thải y tế. Địa phương sẽ tập trung đến các điểm như trung tâm y tế dự phòng để được thu gom và xử lý theo quy định” – ông Khang cho hay.
Ông Khang cho biết thêm, người lao động của các đơn vị thu gom rác dân lập và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích của quận đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
“Ngoài ra, chúng tôi tính toán, bố trí nhân lực thu gom rác phù hợp. Điển hình, những trường hợp thu gom rác ở những khu cách ly, khu phong tỏa thì không thực hiện thu gom ở những nơi khác. Những trường hợp này cũng tự cách ly với gia đình để phòng chống dịch” ông Khang nói.
Kiến nghị nhiều công ty môi trường cùng thực hiện
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO, cho biết: Theo chỉ đạo của TP, CITENCO sẽ là đơn vị thu gom rác thải y tế phát sinh tại các khu vực phong tỏa, tại nhà/nơi lưu trú của các hộ gia đình có thành viên là F0, F1. Tuy nhiên, hiện nay nhân viên của công ty phải thu gom rác thải ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến nên nhân lực không đủ để thực hiện.
“Do vậy, chúng tôi có đề nghị Sở TN&MT báo cáo với TP để chỉ đạo các công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích các quận, huyện cùng tham gia phối hợp thu gom rác ở những nơi cách ly tại nhà. Sau đó tập trung ở một địa điểm của quận để chúng tôi đến thu gom, xử lý theo quy định” – ông Nhựt cho biết.
Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC), rác thải phát sinh của những trường hợp F0, F1 cách ly tại nhà cần được thu gom, xử lý theo đúng quy định như rác thải y tế. Nếu chúng ta không xử lý, khử trùng đúng theo quy định thì những loại rác thải này có thể là nguồn lây nhiễm rất lớn cho cộng đồng.
“Biến thể Delta hiện nay lây nhiễm rất nhanh và rất mạnh. Do đó, tất cả những người tiếp xúc với nguồn rác thải của những người nhiễm và nghi nhiễm phải được bảo hộ đúng cách. Ngoài ra, những loại rác thải này phải được xử lý và khử trùng theo đúng quy định để đây không phải là nguồn lây nhiễm” – ông Sỹ chia sẻ.•
Đảm bảo phòng hộ cho người thu gom rác Để ngăn chặn nguồn lây bệnh từ rác thải của các trường hợp F0, F1 cách ly tại nhà, Sở TN&MT đã đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải theo quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND TP và Sở Y tế. Cụ thể, Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan ký hợp đồng với CITENCO để tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh tại các khu vực phong tỏa, tại nhà/nơi lưu trú của các hộ gia đình có thành viên là F0, F1. Từ đó đảm bảo các loại chất thải này được quản lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế TP. Trong quá trình tổ chức cần trang bị cho lực lượng tác nghiệp liên quan đến công tác thu gom rác tại những địa điểm nói trên các loại phương tiện phòng hộ cá nhân như quần áo, mũ, găng tay, khẩu trang, kính đeo… để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. |
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.