Nếu dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng vaccine được triển khai, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức 4,5-5,1%.
Sáng 29/7, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh Tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu”.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho hay, cùng với đà suy giảm năng suất, tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu trong những năm gần đây, cú sốc Covid-19 đã làm bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2020 phủ một màu xám.
Toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển song có những xu hướng trái ngược, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng cả ở cấp độ và quy mô. Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài.
PGS. TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, so với một năm trước đây, tương lai nền kinh tế thế giới đã bớt bất định hơn nhờ kinh nghiệm ứng phó với bệnh dịch và việc triển khai tiêm phòng vaccine ở nhiều nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh dịch trên quy mô toàn cầu mà điều này khó có thể xảy trong vòng một năm tới.
Về phía Việt Nam, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong khi đó, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do hạn hẹp về nguồn lực tài khóa.
PGS TS Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh: “Các đợt tái bùng phát của bệnh dịch có thể khiến nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng bị ngưng trệ. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, chúng tôi cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào: Tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước”.
Theo đó, báo cáo đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Ở kịch bản cơ sở (nhiều khả năng xảy ra nhất), PGS TS Nguyễn Anh Thu cho biết, nếu dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng vaccine được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5-5,1%.
Kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được giả định được kiểm soát nhanh hơn, ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4-6,1%.
Kịch bản xấu nhất, dịch bệnh được giả định chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV/2021, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung cũng như năng lực của hệ thống y tế; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.
Tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, cần xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho 6 tháng cuối năm 2021 phù hợp với tình hình hiện nay, dự báo kịp thời, linh hoạt, thống nhất, phù hợp với từng vùng, miền đối phó với các tình huống khác nhau.
Các Đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” trong khi điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp, tác động của dịch bệnh rất lớn, các doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất nhiều.
Theo đó, kịch bản tăng trưởng cần phải bảo đảm 5 yếu tố: ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn nợ công, bội chi ngân sách nhà nước ở mức cho phép, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò quan trọng của ngân sách trung ương. Đồng thời nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Kỳ 2: Chiến lược định vị lại nền kinh tế
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.