Đối với đơn vị quản lý chợ, có kế hoạch/phương án phòng, chống dịch (PCD); công khai thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối phụ trách công tác PCD; ký cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện, tuân thủ các quy định, khuyến cáo về PCD; tổ chức mua hàng theo một chiều; cung cấp đầy đủ khẩu trang, yêu cầu khai báo y tế hàng ngày (mã QR điểm kiểm dịch/Bluezone/giấy), thực hiện 5k; đo thân nhiệt tại cửa chợ, bố trí biển báo quy định PCD, nước sát khuẩn tay, khu vực xếp hàng có kẻ vạch giãn cách, thu, kiểm soát và quản lý thẻ vào chợ, kiểm soát mật độ người vào chợ;
Bố trí phòng/khu vực cách ly theo quy định; khu vực giao nhận hàng hoá, khử khuẩn phương tiện giao nhận nếu cần thiết, hạn chế tiếp xúc giữa người giao và nhận hàng; không bố trí làm việc và yêu cầu không đi làm đối với người có một trong các triệu chứng: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và người thuộc đối tượng F1, F2, yêu cầu mọi người tự theo dõi sức khoẻ tại nhà và báo cho đơn vị quản lý, y tế khi có một trong cac triệu chứng nghi ngờ; tại các cửa hàng, gian hàng, hướng dẫn thực hiện giãn cách, bố trí vách ngăn, giảm số người làm việc;
Bố trí thùng đựng chất thải có nắp đậy, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh có đủ nước sạch, xà phòng/dung dịch sát khuẩn tay, thực hiện vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn.
Yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các qui định, hướng dẫn về PCD; giảm số lượng người tại chợ; xử trí khi có người có các triệu chứng; truyền thông về việc thực hiện các biện pháp PCD và thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
Đối với hộ kinh doanh, đại diện Bộ Y tế đưa ra 8 nội dung cần thực hiện. Cụ thể, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, qui định về an toàn, vệ sinh thực phẩm; ký cam kết thực hiện tuân thủ các qui định, hướng dẫn về PCD và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý thông tin người lao động/làm việc, người bán hàng, yêu cầu thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1;
Ông Trần Anh Dũng – Trưởng phòng Quản lý Sức khoẻ môi trường và hoá chất (Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế) nhấn mạnh việc hướng dẫn này được thực hiện theo Công văn 5858 của Bộ Y tế, chỉ áp dụng tại các địa phương theo Chỉ thị 16. Đối với thẻ đi chợ, tùy theo thực tế địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp 1 thẻ có thể đi nhiều chợ. Về kinh phí test nhanh, theo Công văn 5858, tùy theo địa phương để áp dụng. Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 thì áp dụng kinh phí nhà nước là phù hợp.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý, các địa phương thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành cần có sự linh hoạt theo tình hình thực tế từng địa phương, không nên cứng nhắc để công tác phòng chống dịch tại địa bàn nói chung, phòng chống dịch tại chợ nói riêng đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp hiện nay.