Từ ngày 2.7, khu vực Nguyễn Thượng Hiền – Vườn Chuối (thuộc P.4, Q.3) phong tỏa do có 37 ca nhiễm Covid-19 và khoảng 2.750 người dân bị “mắc kẹt” trong khu phong tỏa. Được sự vận động của chính quyền địa phương, người dân trong khu phong tỏa lập nhóm tình nguyện viên để vận chuyển hàng hóa vào bên trong cho các hàng xóm của mình.
Những ‘người vận chuyển’ đặc biệt
Tại chốt trực ở khu vực phong tỏa tại ngã ba đường Vườn Chuối – Điện Biên Phủ (thuộc P.4, Q.3), lực lượng tình nguyện viên trong trang phục bảo hộ vừa nhận hàng từ các shipper và người dân đến gửi vào bên trong, vừa liên tục phun khử khuẩn, nhắc nhở người đến gửi hàng phải giữ khoảng cách an toàn và chờ đến lượt gửi hàng.
Hàng được gửi đến sẽ ghi lại thông tin địa chỉ nhà người nhận hàng, họ tên, số điện thoại rồi chuyển cho các tình nguyện viên. Sau khi nhận hàng xong, các tình nguyện viên sẽ để lên xe máy chở vào giao cho người dân trong khu phong tỏa.
Khi người dân đến gửi hàng sẽ cung cấp các thông tin, gồm: địa chỉ nhà người nhận hàng, họ tên, số điện thoại
|
Bà Huỳnh Thị Hồng Nga (48 tuổi, ngụ Q.3) đến chốt giao nhận hàng hóa để gửi một ít thực phẩm cho em trai mình ở trong khu phong tỏa, cho biết: “Mấy bạn tình nguyện viên ở đây nhiệt tình lắm, hướng dẫn cho tôi gửi hàng từng tí một. Nhờ có nhóm tình nguyện này mà người dân không phải đi ra, đi vào, tiếp xúc với nhau, hạn chế việc lây nhiễm chéo”.
Anh Phạm Duy Quang (26 tuổi, tình nguyện viên) cho biết nhóm tình nguyện viên vận chuyển hàng hóa hoạt động theo 3 khung giờ cố định vào sáng từ 6 giờ 30 – 8 giờ 30, trưa từ 10 giờ 30 – 12 giờ 30 và chiều từ 17 giờ – 19 giờ.
Trước khi vận chuyển các đơn hàng sẽ được dán thông tin đầy đủ, tránh việc giao nhầm hàng khi vận chuyển
|
“Từ khi có quy định 18 giờ không người dân không ra khỏi nhà thì đến 18 giờ là mình hết nhận hàng gửi vào rồi, nhưng ở bên trong khu phong tỏa thì vẫn tiếp tục chở đi giao hàng cho người dân. Thật ra quy định giờ giấc vậy thôi, chứ trong trường hợp cấp bách, có người gửi thuốc gửi vào cho F1 cách ly tại nhà thì mình nhận sẽ gửi vào ngay lập tức, không kể giờ giấc”, anh Quang chia sẻ.
Bảng thông báo thời gian giao nhận hàng treo trước hàng rào phong tỏa. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp bách, có người gửi thuốc gửi vào cho F1 cách ly tại nhà thì các tình nguyện viên sẽ gửi vào ngay lập tức.
ẢNH: SONG MAI
|
Theo ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND P.4 (Q.3), khu vực phong tỏa Nguyễn Thượng Hiền – Vườn Chuối là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nên ngay từ những ngày đầu phong tỏa để thực hiện việc đảm bảo không lây nhiễm chéo. Phường đã huy động các tình nguyện viên là người dân trong khu phong tỏa, thành lập nhóm phụ trách công việc nhận hàng từ bên ngoài chuyển vào cho các hộ dân đang bị cách ly và nhận quà của các nhà hảo tâm để phân phối cho từng hộ dân.
Mỗi ca trực, các bạn tình nguyện viên sẽ chia nhau ra để làm nhiệm vụ, người giao nhận hàng hóa, người sẽ đứng tại chốt để hướng dẫn người dân đến gửi hàng, tuân thủ quy tắc 5K
|
“Nhóm tình nguyện viên hiện tại đã có 36 thành viên thay phiên nhau chia ca để nhận hàng hóa từ bên ngoài của các nhân viên giao hàng và người dân gửi vào cho người thân đang cách ly rồi chở vào bên trong để giao hàng cho từng người dân. Quá trình giao nhận hàng hóa đều tuấn thủ 5K, người dân chỉ việc ở yên trong nhà, tình nguyện viên sẽ đảm bảo việc vận chuyển đến từng nhà”, ông Đức thông tin thêm.
Gõ cửa giao hàng từng nhà
Sau khi chất hàng hóa lên xe, anh Võ Đức Duy (33 tuổi, tình nguyện viên) vội chụp lại thông tin hàng hóa rồi chở vào bên trong để giao cho người dân. Anh Duy cho biết từ những ngày đầu phong tỏa, khi thấy người dân ra ngoài nhận hàng rất đông dễ tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh nên anh đã đăng kí để làm tình nguyện viên vận chuyển hàng hóa giúp người dân.
Do sống ở nơi đây từ nhỏ nên anh Duy rất rành đường đi tại khu vực này, nhờ vậy việc giao nhận hàng hóa dễ dàng hơn. Sau khi chở hàng hóa vào bên trong, anh Duy sẽ theo địa chỉ, đến đặt hàng trước cửa nhà rồi gõ cửa để “ra ám hiệu” thông báo cho người dân ra nhận hàng.
Sau khi nhận hàng hóa, các tình nguyện viên sẽ để lên xe chở vào bên trong giao hàng
|
Khi nghe tiếng gõ cửa, bà Huỳnh Lâm (63 tuổi) một người dân trong khu phong tỏa vội hé cánh cửa sắt một khoảng chỉ vừa đủ đưa tay ra bên ngoài lấy hàng. Bà Lâm cho biết gần cả tháng nay bà phải ở trong nhà cách ly vì khu vực của bà ở “cứ cách vào hôm lại có ca nhiễm Covid-19” nên phải tiếp tục tính thời gian cách ly lại từ đầu.
“Ngày đầu phong tỏa, tôi nhờ người thân ở bên ngoài mua nhu yếu phẩm mang đến rồi tôi ra hàng rào phong tỏa để lấy. Nhưng số ca nhiễm cứ tăng, nhà chỉ có tôi và chị gái, cả hai đều lớn tuổi nên không dám ra ngoài nữa, phải nhờ đội tình nguyện viên giao hàng vào. Giờ chỉ ở yên trong nhà đợi ngày gỡ phong tỏa”, bà Lâm nói.
Người dân trong khu phong tỏa ra nhận hàng hóa được các tình nguyện viên giao đến
|
Sau mỗi lần giao hàng khu vực phong tỏa, các tình nguyện viên khi lấy các đơn hàng tiếp theo đều phải phun khử khuẩn
|
Cũng giống như các tình nguyện viên khác, anh Lương Vũ Sơn Toàn (29 tuổi, tình nguyện viên) vừa nhận hàng hóa tại hàng rào phong tỏa vừa phụ trách chở hàng vào bên trong, chia sẻ: “Mình cứ chất hàng lên xe rồi chở vào giao thôi chứ không đếm nổi một ngày bao nhiêu chuyến. Cố gắng chuyển được nhiều nhất có thể thôi, để hàng hóa nhanh đến tay người dân vì ở trong khu cách ly mọi người cũng thiếu thốn nhiều thứ”.
Các tình nguyện viên ngoài việc vận chuyển hàng hóa, còn vận chuyển các túi rau, củ của các nhà hảo tâm để để chở vào gửi cho các hộ dân
|
Ngoài việc nhận vận chuyển hàng hóa, phía bên trong khu vực phong tỏa còn có một “kho dã chiến” để tiếp nhận rau củ và các phần quà của các nhà hảo tâm gửi vào. Theo bà Phạm Thị Bích Phượng, Phó chủ tịch UBND P.4 (Q.3) và cũng là tình nguyện viên vận chuyển hàng trong khu phong tỏa, hằng ngày, khi rau củ được chuyển đến, các tình nguyện viên ngoài việc vận chuyển hàng hóa sẽ nhặt rau, củ rồi chia đều vào các túi, để chở vào gửi cho người dân.
“Các hẻm nhỏ thì các bạn sẽ chất hàng lên xe máy để chở vào, còn các đường lớn thì sẽ để hàng lên xe kéo và đẩy đi gửi đến từng nhà. Làm sao để đảm bảo cho người dân được nhận đầy đủ lương thực, thực phẩm”, bà Phượng chia sẻ.
Lực lượng tình nguyện viên đẩy xe đi phân phối rau củ của các nhà hảo tâm đến từng người dân trong khu phong tỏa
|
Ngày 23.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành văn bản về việc tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM.
Trong đó, tăng cường kiểm soát các khu phong tỏa, khu cách ly, “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”. Thành lập Tổ công tác quản lý, Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa. Chính quyền địa phương phối hợp lực lượng công an, quân sự thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát việc thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách…
|
Chia khu vực phong tỏa thành 7 tiểu khu phong tỏa
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND P.4 (Q.3) cho biết không những triển khai việc vận chuyển hàng cho từng hộ dân, phường đã phân khu vực phong tỏa Nguyễn Thượng Hiền – Vườn Chuối thành 7 tiểu khu phong tỏa, cho lực lượng chức năng canh gác và thành lập tổ để đi kiểm tra, nhắc nhở người dân ở yên trong nhà.
Đồng thời, cuối mỗi ngày, phường sẽ làm bản tin Covid-19 của khu vực phong tỏa, cập nhật tình hình cho người dân về số ca nhiễm, các điểm dịch mới… Tại các ngã tư đường trong khu phong tỏa đều được lắp camera giám sát, nếu phát hiện người dân đi ra ngoài với lí do không chính đáng sẽ xử phạt ngay. Tính từ khi thực hiện Chỉ thị 16 đến hiện tại, phường đã xử phạt 45 trường hợp với số tiền 90 triệu đồng.
|