Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 28.7.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 6.559 ca Covid-19, 4.511 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.449 bệnh nhân
Bản tin tối 28.7 của Bộ Y tế cho biết tính từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 28.7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.698 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 6.559 ca. Trong bản tin này, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng thông báo có 106 ca tử vong do do Covid-19 từ ngày 19-26.7 tại 6 tỉnh, thành phố. Đồng thời, trong ngày cũng có 4.511 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Thông tin về 6.559 ca mắc mới trong ngày 28.7 gồm:
– 4 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh
– 6.555 ca ghi nhận trong nước; trong đó có 1.184 ca trong cộng đồng. Gồm; TP.HCM (4.449 ca), Bình Dương (631), Đồng Nai (271), Đồng Tháp (244), Khánh Hòa (147), Tây Ninh (120), Trà Vinh (92), Bến Tre (84), Hà Nội (74), Cần Thơ (71), Phú Yên (64), Bà Rịa – Vũng Tàu (56), Đà Nẵng (50), Bình Thuận (32), Tiền Giang (30), Ninh Thuận (25), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Vĩnh Phúc (12), Quảng Nam (11), Hải Dương (6), Hậu Giang (6), Thái Nguyên (5), Gia Lai (4), Ninh Bình (4), Hà Giang (3), Bình Phước (3), Bình Định (2), Thừa Thiên Huế (2), Hà Tĩnh (2), Cà Mau (2)Đắk Nông (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), Thanh Hóa (1).
Tính đến chiều 28.7, Việt Nam có đã ghi nhận tổng cộng 120.819 bệnh nhân Covid-19; trong đó 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước.
– Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 117.042 ca.
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 27.457 ca.
– Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca.
– Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
– Trong tối 28.7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng thông báo về 106 ca tử vong do (từ 525-630) từ ngày 19-26.7 tại 6 tỉnh, thành phố, gồm:
+ Tại TP.HCM từ ngày 19-26.7: 91 ca
+ Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 20.7: 1 ca
+ Tại Đồng Tháp từ ngày 23-24.7: 2 ca
+ Tại Đồng Nai ngày 25.7: 1 ca
+ Tại Kiên Giang ngày 26.7: 2 ca
+ Tại Long An ngày 22-26.7: 9 ca
TP.HCM dự kiến giãn cách xã hội 1-2 tuần trong tháng 8
Chiều 28.7.2021, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về áp lực trước số ca nhiễm tăng hàng ngàn ca mỗi ngày, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, cho biết áp lực cho ngành y rất lớn, gần như đã lấp đầy công suất, nhiều thời điểm bệnh viện gặp tình trạng quá tải. Để khắc phục những khó khăn trên, TP.HCM đã rà soát, sắp xếp lại các tầng điều trị cho khoa học hơn để giảm áp lực cho ngành y; trong đó tiếp tục tăng năng lực các bệnh viện dã chiến để điều trị ca Covid-19 nặng.
Ông Phan Văn Mãi thông tin nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế thành phố hiện nay là nâng cao công tác thu dung, điều trị người mắc Covid-19, bao gồm cả áp dụng phương án cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà. Các số liệu thống kê và ý kiến chuyên gia chỉ rõ khoảng 70 – 80% F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian.
Đợt dịch vừa qua, số F0 tăng cao khiến công tác cách ly, điều trị của thành phố dần quá sức.
Với số ca mắc Covid-19 hiện đã lên tới 70.000 người, ông Phan Văn Mãi đánh giá việc chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nặng và bệnh lý nền là cần thiết. Bên cạnh đó, việc cách ly F0 tại nhà, kết hợp với các phương án giám sát, tư vấn phù hợp, tạo cơ chế phản ứng nhanh sẽ giúp giảm tải áp lực lên cơ sở thu dung.
Về công tác điều trị, các bệnh viện tuyến quận đã có chủ trương áp dụng mô hình chia đôi bệnh viện, chuyển đổi một phần sang điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm “chia lửa” cho các cơ sở điều trị. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị tùy thuộc vào năng lực và cơ sở vật chất. Các bệnh viện dã chiến được tiếp tục xây dựng, chuyển đổi công năng, dự kiến có thêm 1 – 2 bệnh viện trong tuần tới.
Nhằm giảm ca tử vong, Bệnh viện hồi sức Covid-19 đang tiếp tục hoàn thiện để nâng công suất tối đa là 1.000 giường; đồng thời huy động các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân uy tín tham gia điều trị, hồi sức các bệnh nhân rất nặng.
TP.HCM đã bước sang ngày thứ 20 thực hiện giãn cách xã hội Chỉ thị 16 (từ ngày 9.7.2021) nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, các ca bệnh vẫn tiếp tục tăng lên. Trước thực trạng trên, Phó bí thư Phan Văn Mãi cho biết thành phố cần thêm thời gian để đánh giá các kịch bản dịch Covid-19 sau ngày 1.8. Trong những ngày tới, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo tinh thần của Chỉ thị 12 của Thành ủy, Chỉ thị 16 và các chỉ đạo của UBND TPHCM.
Ông Phan Văn Mãi cho biết sau ngày 1.8, TP.HCM sẽ đánh giá lại tình hình và có thể cần thêm thời gian để thực hiện các biện pháp, có thể là 1 – 2 tuần nữa.
TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin cho tài xế công nghệ, shipper
Chiều 27.7.2021, chương trình tiêm vắc-xin cho các đối tác tài xế công nghệ Grab đợt 1 tại TP.HCM bắt đầu từ 13h30, ở 5 điểm tiêm tại quận 7. Việc tiêm vắc-xin cho các đối tác tài xế công nghệ được triển khai giúp cả shipper lẫn khách hàng an tâm hơn trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Bác sĩ, Thạc sĩ Bùi Thị Thu Hương – Bác sĩ chuyên khoa II – Giám đốc bệnh viện mắt Việt Nga TP.HCM, người phụ trách 1 trong 5 điểm tiêm tại quận 7 cho các đối tượng là nhân viên nhà thuốc, nhân viên cửa hàng tiện lợi và các tài xế công nghệ… cho hay, lực lượng shipper, tài xế công nghệ là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Vì vậy, việc tiêm chích vắc xin phòng ngừa Covid-19 ở thời điểm này là nên làm và cần triển khai mạnh.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường để chống dịch Covid-19 khiến người dân cần đến các shipper nhiều hơn để mua hàng hóa thiết yếu. Các bác tài an toàn khỏe mạnh cũng giúp khách hàng, cộng đồng yên tâm hơn.
Trong đợt 5 tiêm vắc xin Covid-19 ở TP.HCM, điểm tiêm ở Nhà thi đấu đa năng quận 7, chương trình tiêm chủng bắt đầu từ 13 giờ 30 phút đến khoảng 16 giờ. Tuy nhiên, cơn mưa lớn đầu giờ chiều đã ảnh hưởng khá nhiều đến lịch trình của các tài xế. Một số tài xế đến muộn cũng được hẹn sang buổi tiêm sáng hôm sau.
Shipper rơi nước mắt vì bị phạt 2 triệu do sau 18 giờ vẫn “nhận đơn”
Tối 27.7.2021, nhiều shipper ra đường sau 18 giờ đã bị lực lượng chức năng phường 9 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) lập biên bản xử phạt với mức phạt 2 triệu đồng vì vi phạm các quy định giãn cách xã hội trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Mặc dù đã hơn 18 giờ ngày 27.7.2021 nhưng một shipper vẫn chở những bịch rau củ đi giao tới đường Nguyễn Trọng Tuyển. Khi đi qua đường Hoàng Minh Giám, anh bị chốt kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 của phường 9 thuộc quận Phú Nhuận ra hiệu lệnh dừng xe.
Mặc dù người này đã đưa thông báo từ ứng dụng và giải thích rằng công ty thông báo người của hãng được phép hoạt động nên mới nhận đơn để chạy. Tuy nhiên, lý do này không được lực lượng chức năng chấp nhận vì anh hoạt động là không đúng với nội dung công văn 2490 của UBND TP.HCM.
Sau khi được giải thích, anh chấp nhận ký biên bản, lực lượng chức năng cũng thông báo việc nộp phạt theo quy định.
Cũng sau 18 giờ cùng ngày, một shipper là đối tác của Ahamove bị lực lượng chức năng ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Anh cũng đưa thông báo được phép hoạt động từ ứng dụng của hãng để giải thích với lực lượng chức năng. Lý do này không được lực lượng chức năng chấp nhận và ra quyết định lập biên bản lỗi ra đường không có lý do cần thiết. Người này đã bật khóc sau khi biết mức lỗi này là 2 triệu đồng.
Trước đó, trong ngày 26.7.2021, lực lượng chức năng tại chốt cũng đã nhắc nhở nhiều người giao hàng chạy sau 18 giờ. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai thì lực lượng chức năng kiên quyết xử phạt chứ không nhắc nhở.
Theo quy định mới đây từ UBND TP.HCM, từ 26.7, TP.HCM yêu cầu người dân không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để phòng chống dịch Covid-19. Các chốt kiểm soát của Q.Phú Nhuận sẽ hoạt động 24/24 để kiểm soát người dân ra đường không lý do. Sau 19 giờ, chỉ có 5 nhóm đối tượng được phép hoạt động, trong đó không có người giao hàng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất duy trì đội ngũ shipper trong dịch Covid-19
Tại buổi làm việc với Bộ Công thương chiều 27.7.2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chóng ở các tỉnh, thành phố. Đại dịch đã tác động, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu…
Do vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khâu lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn đưa ra 4 đề xuất. Cụ thể:
– Thứ nhất, đề nghị duy trì đội ngũ giao hàng (shipper), để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.
– Thứ hai, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính tham gia sâu hơn vào khâu lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là trong việc ưu tiên, tạo “luồng xanh” cho lưu thông hàng hóa thiết yếu.
– Thứ ba, đề xuất phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
– Thứ tư, cùng phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền để có những chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, chính xác và kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đảm bảo việc cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của người dân và đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ cho khâu lưu thông. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, tại một số địa phương, việc áp dụng Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa thống nhất, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chưa đúng với nội dung tinh thần của chỉ thị.
Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh Bộ Công thương nhất trí cao với đề xuất duy trì đội ngũ shipper. Tuy nhiên, để duy trì đội ngũ này, cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc thống kê nhân lực giao hàng của từng đơn vị. Từ đó tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ này, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Liên quan đến đề xuất “phối hợp cùng hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc tăng cường mua – bán hàng trực tuyến là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh, góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm đầu mối, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng làm việc với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất các phương án cung ứng hàng hóa cho các địa phương vùng dịch, hỗ trợ các hộ nông dân phân phối hàng hóa lên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, phải phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tạo “luồng xanh” để các sàn thương mại điện tử cũng được đưa hàng hóa ngay vào tâm dịch, các địa phương đang triển khai Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Người Hà Nội bắt đầu cầm “phiếu đi chợ” để mua sắm
Nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và siết chặt công tác phòng chống dịch Covid-19, từng ngày 27.7.2021, nhiều phường tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã áp dụng việc kiểm soát người dân đi chợ, đi làm tại các vườn đào theo phiếu.
Tại phường Nhật Tân, trước đó, lực lượng chức năng đã đến từng hộ dân để phát phiếu đi chợ, phân luồng người đi theo ngày chẵn, lẻ để đảm bảo giãn cách, tránh chen lấn.
Trong tuần, mỗi hộ dân có thể đi chợ 4 lần, luân phiên trong khung giờ nhất định theo ngày được chia trên phiếu. Buổi sáng từ 5 giờ 30 phút đến 6 giờ 30 phút và buổi chiều từ 15 giờ 30 đến 17 giờ.
Trong ngày đầu triển khai, phường Nhật Tân đã huy động nhiều lực lượng kiểm soát tại cách điểm chợ và khu vực áp dụng thẻ đi chợ, đi làm để hướng dẫn người dân thực hiện đúng cách.
Tại cuộc họp với lãnh đạo các quận, huyện sau 4 ngày triển khai Chỉ thị 17/CT-UBND chiều tối nay, 27.7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị tại quận Tây Hồ là cần thiết để bảo đảm giãn cách, yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai ngay. Ngành công thương nghiên cứu ban hành một mẫu phiếu thống nhất áp dụng chung trên toàn thành phố.
300 công nhân mắc kẹt ở Long An đã được cho “thông chốt”
Ngày 28.7.2021,ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An, cho biết vào rạng sáng 28.7, lực lượng chức năng đã huy động xe tải, xe buýt để đưa hơn 300 lao động người Miền Tây bị kẹt lại trên Quốc lộ 1 tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở huyện Bến Lức (giáp ranh TP.HCM – Long An) rời khỏi địa bàn tỉnh.
Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, từ chiều đến 22 giờ đêm 27.7, hơn 300 lao động miền Tây được các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương test nhanh kháng nguyên Covid-19 và có kết quả âm tính nên họ đã lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe máy theo Quốc lộ 1 về quê tránh dịch Covid-19. Thế nhưng, tới Trạm kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Long An đặt tại ranh giới giáp với huyện Bình Chánh (TP.HCM) thì bị chặn lại.
Hàng trăm người cố gắng thuyết phục, chứng minh mình không nhiễm Covid-19 với lực lượng chức năng để “thông chốt”. Nhưng lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Long An vẫn kiên quyết không cho qua.
Sau 22 giờ, lực lượng trực chốt của tỉnh Long An thông báo yêu cầu họ vào nghỉ tạm qua đêm trong một trường học gần đó, đồng thời phát nước uống và thức ăn nhanh. Rạng sáng hôm sau, lực lượng chức năng tỉnh Long An đã huy động động nhiều xe buýt, xe tải để chở cả người và xe của họ qua địa bàn tỉnh Long An.
Trong số hơn 300 người bị kẹt ngoài Quốc lộ 1 tại Bến Lức có 11 người dân Long An và họ đã được đưa đi cách ly tại Long An theo quy định. Những người còn lại được tỉnh Long An phối hợp với các tỉnh đưa họ về để cách ly.
Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Long An, từ 24.7, ngoài các phương tiện vận tải cho phép theo quy định, Long An đã chặn xe máy, ô tô con ra vào địa phận tỉnh, kể cả đi ngang qua Quốc lộ 1 để về miền Tây. Trong khi đó, liền kề với Long An là tỉnh Tiền Giang vẫn cho phép xe máy quá cảnh qua địa bàn bằng các tuyến lộ lớn, với điều kiện người di chuyển qua phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính không quá 3 ngày.
Đôi bạn bị phạt bạc triệu vì rủ nhau đi mua thức ăn ngày giãn cách
Sáng 28.7.2021, lực lượng chức năng thành phố Biên Hòa tiếp tục ra quân xử lý các vi phạm về giãn cách xã hội phòng dịch khi tỉnh Đồng Nai đang thực hiện Chỉ thị 16 chống Covid-19.
Tại chốt kiểm sát trên đường Ba Mươi Tháng Tư gần vòng xoay Biên Hùng, lực lượng công an đã dừng nhiều phương tiện để kiểm tra hành chính, kiểm tra nguyên nhân ra đường của người dân.
Nhiều người trình bày được lý do chính đáng như ra đường mua đồ ăn, mua thuốc và các hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị xử lý vì không trình bày được lý do chính đáng.
Theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, trong đợt dịch thứ tư này, tỉnh đã ghi nhận tới hơn 3.000 ca mắc Covid-19. Đáng chú ý nhiều ca nằm trong các khu nhà trọ, theo Sở Y tế dù đã phát hiện ổ dịch và xét nghiệm tầm soát nhưng không giãn cách người ở trọ được nên vẫn tiếp tục lây nhiễm hàng loạt.
Người cha chở bình ô xy để cứu con được tặng máy thở và 500 triệu đồng
Là nhân vật trong phóng sự “Ra đường sau 18 giờ, người bố khiến CSGT lặng người khi đưa ô xy về cứu con” đăng tải trên Báo Thanh Niên tối 26.7, anh Lê Đình Vân – sau bài báo, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ độc giả, khán giả và cộng đồng mạng trên khắp cả nước. Tính đến ngày 27.7, anh đã nhận được 500 triệu đồng chuyển khoản của các nhà hảo tâm, đồng thời được liên hệ tặng máy thở để anh đỡ vất vả chạy ra đường mua bình oxy về cho con trai.
‘Kẹt’ lại Sài Gòn ngày dịch bệnh, bác tài U50 nghẹn ngào
Suốt cả buổi sáng, bác tài Ngọc Phương (45 tuổi) mới chỉ “nổ” một đơn giao hàng được 20.000 đồng, tâm sự với phóng viên, ông nghẹn ngào nói: “Kẹt 3 tháng rồi không được về thăm con, tôi nhớ con tôi quá. Bao giờ hết dịch hả chú?”
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 28.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.