Đại dịch COVID-19 bùng phát liên tục khiến cho hoạt động cảng biển đối diện nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải biển đã sẵn sàng cho phương án phục hồi sau đại dịch.
Trong “khó” vẫn ló “sáng”
Tuyến đường biển Quảng Ninh được xác định đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách; chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến số lượng tàu biển, hàng hóa thông qua các cảng giảm so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh chỉ đón được 51.619 lượt tàu biển, sản lượng hàng hóa đạt gần 46 triệu tấn, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn tại Hải Phòng, theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng hóa qua các cảng biển đạt 46,876 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng hóa qua cảng bằng tàu biển đạt hơn 39,187 triệu tấn, lượng hàng hóa qua cảng bằng phương tiện thủy nội địa đạt hơn 7,688 triệu tấn. Con số này đã đưa tổng lượng hàng hóa qua các cảng và bến thủy Hải Phòng đạt 70,15 triệu tấn, bằng 44% kế hoạch năm 2021.
Cũng theo Cảng vụ Hải Phòng, số tàu đến cảng biển trong thời gian này là hơn 8.900 lượt chiếc, tăng 5,04% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng tàu biển đến cảng mặc dù tăng không nhiều, nhưng số lượng tàu lớn đến cảng lại tăng cao, nhất là các tàu có trọng tải lớn chở container.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT công ty CP sao Á DC cho biết, trong tháng 6/2021, tình hình chung các cảng đều bị ảnh hưởng về số lượng, lượt tàu vào cảng. Một số cảng tiêu biểu thì giảm đến 30%, 70% số lượng tàu còn lại vào cảng đều ảnh hưởng về mặt sản lượng.
Cũng theo ông Dũng, các hãng tàu vừa phục hồi hoạt động sau sự cố con tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez thì lại tiếp tục gặp làn sóng COVID-19 bùng phát tại miền nam Trung Quốc. Sự cố này đã làm gián đoạn hoạt động của các cảng biển xung quanh và gây chậm trễ trong việc giao hàng. Cụ thể, sau sự cố trên, có rất nhiều tàu phải chờ đến 5 ngày mới có thể vào được cảng Hồng Kông và Thẩm Quyến, dẫn đến tình trạng rất nhiều tàu có lịch vào cảng Hải Phòng trong tháng 6 nhưng đã không vào kịp. Còn nhiều tàu khác, để đảm bảo được lịch trình, họ đành phải cắt cảng chuyển tải Hồng Kông để chạy thẳng từ Hải Phòng và kết nối với các cảng khác ở Bắc Trung Quốc, cũng như là Đài Loan hay Nhật Bản. Như vậy, lượng hàng trên mỗi một tàu cũng không được đầy như trước.
“Trong tháng 6/2021, Hải Phòng mất 3 tuyến vận tải đường dài xuyên Thái Bình Dương đi Mỹ của 3 hãng tàu lớn cập cảng HICT. Đây cũng là một khó khăn nữa làm cho sản lượng hàng hoá giảm sút ở khu vực phía Bắc, Việt Nam”, ông Dũng cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thành – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến một số quốc gia thực hiện việc cấm di chuyển qua lại giữa các khu vực. Đồng thời, để giảm sự lây lan dịch bệnh, các quốc gia buộc phải tạm dừng các tuyến hàng hải quốc tế. Ngoài ra, những tháng đầu năm là thời điểm hàng hoá kém sôi động, ngành than gặp khó khăn nên sản lượng hàng hoá cũng bị ảnh hưởng.
Sau “nguy” là “cơ”
Những tháng cuối năm được dự báo là thời điểm các chuỗi sản xuất được đẩy mạnh. Vì thế, cùng với công tác phòng chống dịch, các địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường thu hút nguồn hàng.
Cụ thể, như TP Hải Phòng, địa phương có đến 44 bến cảng với 42 doanh nghiệp khai thác bến cảng. Để hỗ trợ tối đa cho tàu vào cảng, hiện các tuyến luồng cảng biển vẫn đang được địa phương tích cực nạo vét.
Theo đại diện Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc, để các doanh nghiệp cảng biển Hải Phòng hoàn thành kế hoạch trong năm 2021, lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 159 triệu tấn cũng như tạo điều kiện cho những con tàu lớn vào cảng HICT, luồng Lạch Huyện sẽ tiếp tục được nạo vét bảo đảm độ sâu chuẩn tắc (âm 16m đến âm 14m).
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, địa phương luôn ưu tiên, tạo mọi điều kiện để hàng hoá thông qua các cảng Hải Phòng được nhanh và thuận lợi. Để làm được điều đó, Hải Phòng sẽ tiếp tục đầu tư, thúc đẩy các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển với các KCN và địa phương lân cận.
Còn tại Quảng Ninh, song song với công tác phòng chống dịch, địa phương đã đổi mới cơ chế chính sách, tối ưu hóa các hoạt động khai thác cảng, tối ưu hóa cầu bến, hỗ trợ cho các hoạt động cảng từ vùng neo.
Theo đại diện cảng container quốc tế Cái Lân (CICT), để hàng hoá cập cảng được thuận lợi, đơn vị đã thực hiện giảm tải cho các tàu có trọng tải lớn từ ngoài tuyến khơi; nâng công suất kho chứa và năng suất bốc xếp, vận chuyển hàng hoá. Đồng thời phát triển thêm các loại hình dịch vụ logisitics…
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, dự báo 6 tháng cuối năm 2021, các cảng của Quảng Ninh sẽ đón một lượng tàu chuyên chở hàng rời gồm: nguyên liệu thô phục vụ cho các ngành nông nghiệp, vật liệu xây dựng và hàng nông sản đến. Do vậy, để tạo thuận tiện cho các tàu, thuyền không phải chờ đợi kiểm dịch quá lâu tại khu vực trạm hoa tiêu cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên trên tàu trong mùa dịch, phía cơ quan Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam thiết lập khu neo đậu tạm thời tại đảo Hòn Miều và khu vực hòn Soi Đèn đối với các tàu đang chờ làm hàng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.