Đến ngày 1.8, đồng loạt 19 tỉnh, thành phía nam sẽ hết thời hiệu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng do tình hình dịch vẫn còn phức tạp nên một số tỉnh, thành đề xuất sẽ tăng thêm thời gian thực hiện Chỉ thị 16, đặc biệt TP.HCM dùng biện pháp mạnh hơn để dập dịch.
Dịch phức tạp, khó lường
Sáng 30.7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày ghi nhận hơn 3.300 ca mắc, phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa; gần 25.200 bệnh nhân (BN) khỏi bệnh, hiện đang điều trị hơn 36.700 BN, trong đó có 875 BN thở máy và 8 BN đang can thiệp ECMO. Hiện số ca mắc hằng ngày vẫn cao, do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng, nên để kiểm soát dịch bệnh có thể mất hàng tháng. Do đó, ông Phong cho rằng TP.HCM có thể sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, kể từ sau ngày 1.8.
Trong ngày 30.7, Bình Dương ghi nhận 1.920 ca Covid-19 cao nhất từ trước đến nay. Tính lũy kế từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 12.604 ca Covid-19, trong đó có 932 người được chữa khỏi bệnh và 62 ca tử vong. Hiện Bình Dương đang cách ly tập trung 18.969 người, cách ly tại nhà 34.978 người.
TP.HCM sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16
|
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho rằng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh này sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường thêm 2 tuần nữa, từ 1 – 15.8.
Sáng cùng ngày, Đồng Nai ghi nhận 367 ca dương tính với Covid-19, lũy kế từ đợt dịch thứ 4 đến nay toàn tỉnh đã vượt mốc 4.000 ca dương tính, trong đó có 215 ca được chữa khỏi, 17 bệnh nhân tử vong. Do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày nữa, tức đến ngày 15.8.
Tại ĐBSCL, Đồng Tháp được xem là một trong những điểm nóng dịch Covid-19. Tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 14.7 đến nay, nhưng số ca mắc vẫn liên tục tăng cao. Đến 12 giờ ngày 30.7, tỉnh ghi nhận 2.987 ca mắc Covid-19, đã có 46 ca tử vong do có bệnh nền. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 1.8.
Trong khi đó, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cũng dự kiến kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 1 – 2 tuần để địa phương có thêm thời gian dập dịch. Tương tự, ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng thông tin sau 13 ngày thực hiện Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh của tỉnh cơ bản kiểm soát được, nhưng Cà Mau vẫn đề nghị thực hiện Chỉ thị 16 thêm 1 tuần bởi người Đồng Tháp từ vùng dịch về liên tục.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thì cho biết dù số ca mắc có xu hướng giảm, nhưng số ca mắc ngoài cộng đồng vẫn ở mức cao nên Long An đã đề xuất Chính phủ gia hạn thêm 2 tuần áp dụng Chỉ thị 16.
Đồng loạt triển khai nhiều biện pháp dập dịch
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên các mặt như lấy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực khu cách ly tập trung, chuyển hướng sang điều trị… theo mô hình tháp 5 tầng; đồng thời thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển BN nặng, nguy kịch cũng như huy động bệnh viện (BV) tư nhân tham gia điều trị Covid-19.
Về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, TP.HCM sẽ thực thi triệt để các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm. Công tác điều trị được tập trung vào những F0 nặng có bệnh nền, đưa hệ thống ô xy dòng cao vào sử dụng sớm; sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực để hạn chế tử vong… Riêng việc tiêm vắc xin, TP.HCM sẽ tổ chức nhận, mua và tiêm chủng nhanh nhất, đơn giản hóa quy trình, mở rộng khung giờ tiêm cho người dân. Đáng chú ý, TP.HCM sẽ nhân rộng các mô hình tự quản, bảo vệ vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh), chăm lo cho người khó khăn, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.
Để dập dịch, theo ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, tỉnh này đã thành lập và đưa vào hoạt động 7 BV dã chiến với 4.000 giường. Hiện đang gấp rút thành lập thêm 4 BV dã chiến với tổng quy mô 5.000 giường để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 trong thời gian tới. Đồng Nai cũng đã tổ chức 3 đợt tiêm vắc xin với tổng số 75.000 liều, hiện đang tổ chức tiêm đợt 4 với 311.000 liều, dự kiến kết thúc vào 15.8.
Để đáp ứng nhu cầu điều trị số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai 20 cơ sở y tế với tổng công suất 4.501 giường. Qua tiếp nhận, tỉnh còn gần 2.000 giường điều trị Covid-19 dự phòng. Thông qua sự hỗ trợ của Bộ Y tế, BV đa khoa Sa Đéc đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với công suất tối đa 75 giường để điều trị các ca mắc Covid-19 nặng, nâng tổng công suất tiếp nhận và điều trị ca bệnh Covid-19 nặng lên 100 giường. Để giảm thiểu F0 tử vong và điều trị hiệu quả các ca Covid-19, Đồng Tháp triển khai phân thành 4 tầng tiếp nhận và điều trị F0, tăng thêm 1 tầng điều trị F0 so với trước…
Tăng cường nhân lực hỗ trợ 12 tỉnh Tây Nam bộ chống dịch
Ngày 30.7, Bộ Y tế có quyết định thành lập 2 tổ công tác của Bộ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Cần Thơ. Mỗi tổ công tác gồm 12 -16 thành viên, là những chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm của các đơn vị trực thuộc bộ này. Tổ công tác thường trực tại tỉnh Bạc Liêu sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch tại tỉnh này và các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau. Tổ công tác thường trực tại TP.Cần Thơ sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại TP này và các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang.
Bộ Y tế cũng có 2 quyết định bổ sung thành viên tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại Đồng Tháp và Tiền Giang. Mỗi đoàn bổ sung 7 – 8 thành viên. Trong đó, tổ công tác thường trực tại Đồng Tháp triển khai hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch tại tỉnh này và các tỉnh An Giang, Vĩnh Long. Tổ công tác thường trực tại Tiền Giang triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và Bến Tre, Trà Vinh.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã có Công văn hỏa tốc số 6140/BYT- KCB do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ký ban hành về việc huy động các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Bộ này đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành căn cứ diễn biến dịch tại địa phương, chỉ đạo sở y tế huy động các cơ sở KCB tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19; tham gia tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh Covid-19 phù hợp với năng lực chuyên môn. UBND các tỉnh, thành cần quan tâm và có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở KCB tư nhân tham gia phòng chống dịch như đối với các cơ sở KCB công lập; hỗ trợ các thiết bị phòng chống dịch, ưu tiên tiêm vắc xin và thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên của cơ sở KCB tư nhân theo quy định hiện hành.
Liên Châu
|
Ông Nguyễn Văn Út cho biết nhiệm vụ hàng đầu của Long An là giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Ông Út yêu cầu các địa phương, ngành y tế đôn đốc, chỉ đạo chặt chẽ các BV dã chiến và BV điều trị F0 có sự phối hợp trong tiếp nhận bệnh nhân để điều trị kịp thời, nỗ lực cứu sống bệnh nhân.
Một nhiệm vụ quan trọng khác đối với các địa phương trong tỉnh là chú trọng công tác chăm sóc các ca nghi nhiễm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR… Các địa phương “vùng đỏ” về dịch bệnh (gồm TP.Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc) phải sẵn sàng có danh sách các xã tâm dịch và danh sách tất cả hộ dân tại các khu vực này để khi có vắc xin thì tổ chức tiêm ngay.