Dù trong bối cảnh giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 nhưng TP Hà Nội vẫn cấp tốc triển khai chi trả gói hỗ trợ đến tay người dân.
Sau TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh thành phía Nam, những ngày này, dù trong bối cảnh giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, nhưng TP Hà Nội vẫn cấp tốc triển khai chi trả gói hỗ trợ đến tay người dân với tinh thần quyết liệt bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Lần hỗ trợ này sẽ có khoảng 130.000 lao động tự do được thụ hưởng với số tiền dự kiến hơn 200 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, các nhóm lao động tự do được hỗ trợ thuộc các ngành nghề kinh doanh không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động được cụ thể hóa trong 7 văn bản chống dịch ban hành từ 30/4 – 18/7.
Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: dangcongsan)
Các nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ gồm: nhân viên quán karaoke, bar, vũ trường, game; phục vụ quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; nhân viên nhà hàng, quán bia, bia hơi; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống khu vực bị phong tỏa, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc khi thành phố chỉ cho bán hàng ăn uống mang về; nhân viên cắt tóc, gội đầu, spa..; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng theo công điện 15 hôm 18/7…
Ngoài ra, Hà Nội cũng bố trí thêm ngân sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng như: hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội mỗi hộ 1,5 triệu đồng, tổng cộng gần 3.200 hộ với kinh phí dự kiến trên 3 tỷ đồng.
Quan điểm của Hà Nội là càng khó khăn, chính sách hỗ trợ càng phải khẩn trương, quyết liệt. Từ hôm nay (30/7), các quận, huyện của Hà Nội sẽ đồng loạt chi tiền hỗ trợ trực tiếp tại nhà dân hoặc qua trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp.
“Rà soát các đối tượng lao động tự do, mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19 và quán triệt tất cả các tổ dân phố ra soát cụ thể, hướng dẫn các đối tượng hoàn thiện hồ sơ và cấp cho các đối tượng theo kinh phí của nhà nước đã chi trả”, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng (Hà Đông, TP Hà Nội) Nguyễn Duy Mạnh cho biết.
“Chúng tôi vừa tuyên truyền, vừa ban hành kế hoạch, vừa thu hồ sơ. Thứ hai là rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đối với lao động tự do. Theo quy định, toàn bộ quy trình từ lúc tiếp nhận đến lúc chi trả là 8 ngày thì quận Hà Đông rút xuống còn 6 ngày. Đối với lao động tạm hoãn, quy trình tối đa là 4 ngày, chúng tôi đã giảm xuống còn 3 ngày”, Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hà Đông, Hà Nội, Đỗ Minh Loan cho hay.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.