Giải quyết nguồn cung
Theo ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, cần phải xử lý “phần gốc” của vấn đề là việc lưu thông hàng hóa vẫn còn nhiều bất cập. Chính phủ đã có văn bản quy định từ ngày 30.7, xe chở hàng hóa có mã QR sẽ không bị kiểm tra nhưng thực tế nhiều trạm vẫn siết chặt. Do vậy, các tỉnh thành cần thông suốt việc tạo điều kiện để hàng hóa được lưu thông. Thậm chí việc yêu cầu tài xế có giấy xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ cũng cần xem xét gỡ bỏ vì không có nhiều tác dụng nhưng lại khiến tài xế nhiều nơi bị thiếu hụt, dẫn đến thiếu xe vận chuyển thực phẩm từ các tỉnh thành về TP.HCM. Các xe vận tải đã có QR code thì Sở Giao thông vận tải có thể giám sát và quy định cho tài xế đưa xe vào một điểm giao hàng xong quay đầu ra khỏi thành phố ngay, giảm tiếp xúc.
Hiện TP.HCM đã cho phép người giao – nhận hàng hóa (shipper) thực hiện liên quận, Bộ Công thương cũng ủng hộ việc cho phép shipper hoạt động, ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng này nên các tỉnh, thành cần đẩy nhanh tiến độ hơn. “Giải quyết được bài toán lưu thông hàng hóa là đảm bảo đầu vào cho thành phố đông dân như TP.HCM và cũng khiến nông sản của nông dân ở nhiều tỉnh thành khác được tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc cho phép shipper hoạt động bình thường cùng với việc đăng ký theo quy định sẽ giúp lưu thông, phân phối hàng hóa nhanh chóng đến tay người dân. Tôi tin rằng nhiều người sẽ không cần phải ra đường đi xếp hàng để mua thực phẩm vì họ ngồi nhà cũng đặt mua hàng được. Khi đó việc phát phiếu đi mua thực phẩm theo ngày cũng mang lại hiệu quả hơn”, ông Lê Hải Bình nói.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), nhận định việc phát phiếu đi siêu thị, đi chợ theo từng quận, huyện nhằm hạn chế người dân đi lại, phòng chống dịch Covid-19 tốt hơn. Nhưng do đi lại khó khăn nên tâm lý khách hàng trong thời điểm này là sẽ mua nhiều đồ, tích trữ nhiều gấp 2 – 3 lần. Khách hàng vào mua mà thấy hàng ít thì càng có tâm lý tích trữ tăng lên nhiều hơn nữa. Vấn đề là siêu thị, cửa hàng có đáp ứng được nguồn cung hay không. Tốc độ tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng tăng lên nhiều lần thì việc trữ hàng cũng như đưa hàng lên kệ của phía siêu thị, cửa hàng cũng phải tăng lên tương xứng. Khi dịch mới bùng phát tại TP.HCM, người dân ùn ùn đi mua đồ tích trữ, các cửa hàng, siêu thị không còn đồ để phục vụ người dân là do không lường hết được.
Thế nhưng đến nay đã gần 3 tháng chống dịch mà người dân đi mua hàng hóa vẫn khó khăn thì vấn đề nằm ở khâu tổ chức cung ứng hàng. Cơ quan chức năng cứ nói đầy đủ hàng mà khi dân vào siêu thị mua đồ không còn gì trên kệ khiến tâm lý họ hoang mang thêm. Vì vậy, đáp ứng nguồn cung hàng đầy đủ là giải pháp quan trọng nhất hiện nay. Để làm được điều này, cần có những giải pháp liên thông ở khâu vận chuyển hàng từ các tỉnh thành lân cận vào thành phố tiêu thụ. Do hạn chế người dân ra khỏi nhà thì nên cho phép đội ngũ shipper được dễ dàng thực hiện việc đi lại, đi chợ, siêu thị thay người dân. Việc tắc khâu vận chuyển giữa các quận nội thành cũng là yếu tố hạn chế trong việc mua bán hàng online hiện nay.
Tổ chức lại hệ thống phân phối
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, dù trong bất kỳ thời điểm nào thì thị trường hàng hóa vẫn cần phải đảm bảo được 4 nguyên tắc cơ bản. Đầu tiên là lưu thông hàng hóa và vấn đề này cần phải được thực hiện nhanh hơn nữa vì đang trong giai đoạn quan trọng. Lưu thông giữa các tỉnh, thành phố và trong cùng một thành phố cũng cần phải được “luồng xanh”, nhất là với thực phẩm cho người dân.
Thứ hai là phải tổ chức lại hệ thống phân phối. Trong khi việc mở lại chợ truyền thống bị “tắc nghẽn” vì dịch dễ bùng phát thì giải pháp cần thiết vẫn là cho bán ở những địa điểm rộng, thông thoáng có kẻ ô, chia giờ và thậm chí bán cả vỉa hè. Cần cho tiểu thương đăng ký bán thực phẩm với phường để bán tại chỗ ở các điểm thông thoáng như đã thực hiện và vẫn đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch. Sở Công thương TP.HCM cho biết đã chỉ đạo trong trường hợp chợ không tổ chức lại được phải bổ sung các điểm bán hàng trong địa bàn quận, tìm những khu vực trống kẻ ô cho người dân, tiểu thương bán, giới hạn 3 – 6 người… nhưng thực tế vẫn có nhiều phường, quận chưa cho phép bán lại càng khiến áp lực lên các điểm đang bán.
Thứ ba là lập thêm các kho dã chiến để lưu trữ hàng hóa thay cho các chợ đầu mối đã bị ngừng hoạt động để nhanh chóng tăng nguồn cung, đảm bảo có hàng hóa cho người dân. Cuối cùng, tăng cường việc kiểm tra giám sát của quản lý thị trường để ngăn chặn ngay tình trạng tăng giá bất thường tại các điểm bán được phép, xử phạt nghiêm để răn đe những kẻ trục lợi trong khi cả nước căng mình phòng chống dịch bệnh.
Đối với siêu thị phát phiếu mua hàng, kinh nghiệm của một số nơi như Đài Loan quy định số thứ tự đến mua hàng và hạn chế số giờ mua 1 tiếng để tránh ùn ứ khách bên ngoài xếp hàng, bên trong mua đến 3 giờ vẫn chưa ra. Ngoài ra, một giải pháp khác vừa đảm bảo được việc chống dịch và đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân là đẩy mạnh lực lượng bán hàng online và giao hàng tại nhà.
TS Nguyễn Hoàng Bảo
|
TS Nguyễn Hoàng Bảo, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định nhu cầu của người tiêu dùng tại thành phố rất lớn. Đây là thời điểm vàng chống dịch Covid-19 nên người dân cần tuân thủ những quy định mà nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, do người dân ở nhà, không mua được thực phẩm có sẵn từ hàng quán bên ngoài nên nhu cầu mua về nhà nấu ăn tăng lên nhiều. Để giải quyết những bất cập hiện nay, cơ quan chức năng các quận huyện địa phương có thể bố trí những điểm bán hàng tuân thủ khoảng cách 2 m như một số nước đang làm để giảm áp lực cho phía hệ thống siêu thị.