Cả nước vẫn thêm hàng ngàn bệnh nhân mới
Bản tin của Bộ Y tế thông báo tính từ 6 giờ đến 18 giờ 30 ngày 2.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.254 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 7.455 ca. Có 3.808 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh trong ngày 2.8.
Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo bổ sung 389 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại 4 tỉnh, thành phố từ ngày 17.7 đến ngày 2.8; nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 1.695 ca.
Thông tin về 7.455 ca Covid-19 được cống bố trong ngày 2.8 gồm:
– 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
– 7.445 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 2.344 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4,264), Bình Dương (949), Long An (445), Đồng Nai (380), Khánh Hòa (286), Cần Thơ (221), Hà Nội (159), Bà Rịa-Vũng Tàu (132), Tiền Giang (79), Đồng Tháp (77), Đà Nẵng (76), Vĩnh Long (50), Bình Thuận (46), Trà Vinh (31), Phú Yên (25), Bình Định (21), Nghệ An (21), Ninh Thuận (19), Quảng Nam (19), Kiên Giang (18), An Giang (17), Đắk Lắk (14), Ninh Bình (13), Đắk Nông (12), Hậu Giang (11), Hà Tĩnh (10), Thanh Hóa (9), Bình Phước (8 ), Gia Lai (7), Sơn La (6), Thừa Thiên-Huế (4), Vĩnh Phúc (3), Lạng Sơn (3), Quảng Ngãi (3), Lâm Đồng (2), Hà Nam (2), Quảng Bình (2), Hưng Yên (1).
Tính đến chiều 2.8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 161.761 ca Covid-19 trong đó có 2.272 ca nhập cảnh và 159.489 ca nhiễm trong nước.
– Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 157.919 ca.
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 46.965 ca.
– Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 436 ca.
– Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 14 ca.
– Ngày 2.8, Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo bổ sung 389 ca bệnh Covid-19 tử vong (từ thứ 1.307 đến thứ 1.695) tại 4 tỉnh, thành phố như sau:
+ Tại TP.HCM từ ngày 17.7 – 2.8: 354 ca
+ Tại Bình Dương từ ngày 17 – 24.7: 25 ca
+ Tại Đồng Nai từ ngày 29.7 – 2.8: 6 ca
+ Tại Long An từ ngày 31.7 – 2.8: 4 ca
TP.HCM đề nghị cung cấp vắc xin Covid-19 liên tục trong tháng 8
Chiều 2.8, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị được cấp vắc xin Covid-19 liên tục cho thành phố để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
UBND TP.HCM cho biết qua 16 đợt phân bổ vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế, TP.HCM đã tổ chức tiêm hơn 1,7 triệu liều; riêng đợt 5 đã triển khai gần 800.000 liều đến các nhóm đối tượng ưu tiên.
TP.HCM dự kiến trong tháng 8.2021 tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và tổ chức tiêm hơn 4 triệu liều vắc xin để đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho người dân cũng như tính chất cấp bách của công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Do đó, TP.HCM đề nghị Bộ Y tế quan tâm, xem xét phân bổ vắc xin liên tục cho thành phố để thực hiện mục tiêu đến cuối tháng 8 có 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc xin.
500.000 lọ thuốc điều trị Covid-19
Chiều nay, 2.8, Tập đoàn Vingroup thông báo, với sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup vừa đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt – 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị Covid-19 được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép.
Toàn bộ số thuốc sẽ được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8.2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân Covid-19
Remdesivir là thuốc kháng virus được FDA phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 22.10.2020.
Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Thông qua nhiều nỗ lực đàm phán, Tập đoàn Vingroup đã ký kết thành công đơn hàng 500.000 lọ Remdesivir do Công ty dược phẩm Cipla (Ấn Độ) sản xuất, dưới sự cho phép của Công ty Gilead Sciences, Hoa Kỳ.
Remdesivir được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng theo hướng dẫn trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Với 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.
100% đơn hàng sẽ được chuyển về Việt Nam ngay trong đầu tháng 8.2021, dự kiến để kịp thời trao tặng cho Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm định và cấp phép lưu hành cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 trên toàn quốc.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Việc đàm phán và nhập khẩu thành công 500.000 lọ thuốc điều trị Covid-19 đóng góp kịp thời, góp phần hỗ trợ ngành y điều trị, đặc biệt là ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền.
Hiện, Tập đoàn Vingroup đang đàm phán để thuê chuyên cơ chuyển thuốc về Việt Nam, dự kiến, lô thuốc đầu tiên với số lượng 105.000 lọ sẽ về đến TP.HCM trước ngày 5.8 để kịp thời phục vụ công tác chữa trị khẩn cấp.
Hai bệnh viện tư nhân nhận điều trị bệnh nhân Covid-19
Sáng 2.8, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ) đưa vào hoạt động tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 (tạm đổi tên thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức).
Hiện nay có nhiều bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP.HCM đã tham gia chuyển đổi bệnh viện để điều trị Covid-19 với tâm thế hết sức chủ động.
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, trong giai đoạn đầu, bệnh viện đưa vào hoạt động 100 giường (trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu) bố trí tại tầng 2, 3, 4 của tòa nhà và nâng tổng số lên 200 giường (trong đó có 20 giường Hồi sức cấp cứu) vào giai đoạn 2.
Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho người bệnh Covid-19 tầng 3, theo mô hình tháp 5 tầng trong điều trị Covid-19. Đối với những người bệnh Covid-19 cần điều trị ở cấp độ tầng 4 và 5, bệnh viện đã kiến nghị Sở Y tế TP.HCM hỗ trợ công tác tư vấn, hội chẩn liên viện, đồng thời có cơ chế đặc biệt trong việc chuyển viện đối với những trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch. Sáng nay, đã có 55 bệnh nhân, 2 ca thở máy.
Để chi viện nguồn nhân lực cho Bệnh viện điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ đã huy động đội ngũ tình nguyện viên từ lực lượng hơn 3.000 y bác sĩ , nhân viên y tế tại 15 bệnh viện và 6 phòng khám trong cùng hệ thống Hoàn Mỹ, giúp đảm bảo cho hoạt động điều trị người bệnh Covid-19 ở đây.
Cùng ngày, Bệnh viện quốc tế City cho biết cũng bắt đầu nhận bệnh hồi sức Covid-19 (từ ngày 2.8), theo dự kiến ban đầu là ca 50 ca. Về chuyên môn, quản lý và chuyên gia hồi sức… Bộ Y tế giao Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chịu trách nhiệm. Bệnh viện tiếp tục mở rộng quy mô giường bệnh thời gian tới.
3 bệnh viện tư nhân còn lại sắp hoạt động là Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Triều An và Bệnh viện Nam Sài Gòn.
Công bố gói viễn thông 10.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân
Chiều nay, 2.8, Bộ TT-TT và các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỉ đồng.
Theo đó, gói hỗ trợ viễn thông sẽ được triển khai từ ngày 5.8 và kéo dài trong 3 tháng.
Đối với khách hàng trên toàn quốc, tiếp tục tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ internet cáp quang với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà.
Miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone.
Tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với giá không đổi.
Giảm giá tới 50% đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể: gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng, gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng.
Viettel, VNPT, MobiFone cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 từ việc trích 5.000 đồng với mỗi gói cước VX3/VX7 được đăng ký, gia hạn thành công.
Đối với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, tặng 50 phút gọi nội mạng, bên cạnh các hỗ trợ về dịch vụ viễn thông nói trên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Viettel, VNPT, FPT, CMC sẽ chung tay cùng Bộ TT-TT ra mắt 17 nền tảng mới hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch, với giá trị ước tính gần 2.000 tỉ đồng.
TP.Thủ Đức triển khai xe tiêm vắc xin đến từng nhà dân
Hai ngày qua, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã triển khai các đội lưu động, phản ứng nhanh đến từng hẻm, từng hộ gia đình trên địa bàn để tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân trong điều kiện giãn cách xã hội.
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, đối với những người dân trên 65 tuổi, có bệnh nền, nhóm cán bộ thực hiện công tác phòng chống dịch tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin nên địa phương đã triển khai đội hình xe tiêm chủng lưu động đến từng khu phố để tiêm cho người dân.
Trong thời gian đầu, TP.Thủ Đức sẽ tập trung tiêm cho các khu vực có nguy cơ cao. Sau khi đánh giá lại các khu vực phong tỏa sẽ thực hiện tiêm chủng, biến khu vực này thành vùng xanh, đồng thời để người dân tham gia tự quản các khu vực này, duy trì vùng xanh trong thời gian tới.
Trong hoạt động tiêm vắc xin lưu động của TP.Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh là đơn vị hỗ trợ về nhân lực để thực hiện tiêm cũng như theo dõi sau tiêm và xử lý các tình huống cấp thiết. Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, có 2 đội tiêm vắc xin bố trí trên 2 ô tô chuyên dụng, mỗi đội có 5 người gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng. Trên xe có đầy đủ các dụng cụ tiêm vắc xin và cấp cứu như bình oxy, thuốc chống sốc, thuốc huyết áp.
Ngoài ra còn có các đội tiêm đi xe máy đến các phường, trong đó sẽ ưu tiên cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly, phong tỏa, người già, bệnh, người không thể tự đi đến điểm tiêm, người khó khăn.
Cascadeur Lữ Đắc Long mắc Covid-19 hồi phục kỳ diệu sau 6 lần bất tỉnh
Anh Lữ Đắc Long, một cascadeur (tức diễn viên đóng thế) nổi tiếng nhiễm Covid-19 từng diễn tiến nặng rất nhanh sau gần 20 ngày được đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy tích cực chăm sóc, điều trị đã có những hồi phục ngoạn mục.
Hiện tại, gần như anh đã hồi phục hoàn toàn và có thể được xuất viện trong một vài ngày tới.
Rạng sáng 2.8.2021, ngồi trên giường bệnh tại khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy với tinh thần thoải mái, vui vẻ sau khi sức khỏe đã hồi phục. Anh Long đã tự mình thực hiện các bài tập thể dục, bài tập hít thở để nâng cao sức khỏe.
Anh Long cho biết ngày 22.6.2021, anh cùng 3 thành viên trong gia đình được phát hiện nhiễm Covid-19. Đến ngày 13.7, bệnh tình của anh diễn tiến nặng, phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.
Tại đây, anh được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình chăm sóc, hướng dẫn các biện pháp rèn luyện sức khỏe. Sau gần 20 ngày nhập viện, sức khỏe của anh đã dần hồi phục và sắp được xuất viện về nhà.
Có được sự hồi phục kỳ diệu sau thời gian điều trị, anh Long đã dành những lời cảm ơn các bác sĩ vì đã tạo cho anh một phép màu, hồi sinh anh từ lưỡi hái tử thần.
SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi tạo nên các biến chủng lây lan nhanh hơn
Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19” (Ban hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30.7).
Theo Bộ Y tế, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A, do SARS-CoV-2 gây ra. Vi rút này thường xuyên biến đổi tạo nên các biến chủng với khả năng lây lan nhanh hơn.
Đến tháng 7.2021, tại Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2 gồm các chủng phổ biến tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ.
Riêng trong đợt dịch từ ngày 27.4 đến nay, nước ta đã ghi nhận 2 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh).
Trong đó, biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh, được WHO xếp vào nhóm “biến chủng gây quan ngại” có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha.
Bệnh Covid-19 lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Phần lớn (hơn 60%) người nhiễm SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng.
Đối với người mắc bệnh có triệu chứng thì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng như: sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, người có bệnh lý mạn tính, người cao tuổi.
Đến nay, bệnh đã có vắc xin phòng bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Đồng Nai trưng dụng nhà giáo lý làm khu cách ly tập trung
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 H.Thống Nhất (Đồng Nai) vừa phối hợp với Giáo xứ Dốc Mơ, trưng dụng nhà giáo lý làm khu cách ly tập trung các trường hợp F1 trên địa bàn
Theo đó, khu cách ly tập trung Giáo xứ Dốc Mơ có hơn 23 phòng (40 m2/phòng) vừa đưa vào sử dụng khoảng 1 tuần nay. Trước mắt, khu cách ly sử dụng 9 phòng, cách ly tập trung cho 18 ca F1 là người dân trên địa bàn xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất).
Ông Đặng Cầu, Trưởng ban hành giáo Giáo xứ Dốc Mơ (xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) cho biết, sau khi chính quyền địa phương đến trao đổi về việc xin trưng dụng khu nhà giáo lý để làm nơi cách ly tập trung, cha chánh xứ và ban hành giáo đã đồng ý ngay. Giáo xứ cũng cử 3 người tham gia công tác trong khu cách ly.
Hiện UBND xã Gia Tân 1 tiếp tục liên hệ, trao đổi với Giáo xứ Đức Huy, trưng dụng nhà giáo lý để làm nơi cách ly ly tập trung cho các trường hợp F1.
Ước mơ của 4 thợ hồ kẹt lại Sài Gòn, 2 tuần ăn mì tôm
Cắn răng ở yên vì nghĩ rằng “dăm ba bữa rồi hết dịch” nhưng không ngờ dịch bệnh kéo dài khiến 4 người thợ hồ là ông Nguyễn Khắc Bính (57 tuổi), ông Lê Duy Kỳ (47 tuổi), ông Trần Đăng Gấm (50 tuổi), và con trai 18 tuổi của ông Gấm “mắc kẹt” tại Sài Gòn khi công trình tạm dừng hoạt động, không có xe để về quê.
Dịch Covid-19 khiến công việc của họ phải tạm dừng, nhà trọ không có mà cũng chẳng có chuyến xe nào để về quê, nhiều ngày qua, 4 người thợ hồ quê Thanh Hóa đã phải bám trụ lại trong căn lán lụp xụp ở công trình, ăn mì gói sống qua ngày.
Ước mơ lúc này của họ có lẽ cũng chỉ đơn giản như bao người khác đang lâm vào cảnh khốn cùng vì dịch bệnh, đó là có một chuyến xe đưa họ về với quê hương. Và rồi những nhà hảo tâm đã biết được thông tin về họ, cũng từ đây, tình người đã được lan tỏa và 4 người thợ hồ đã có thể cầm cự, bám trụ lại nơi đất khách những ngày khó khăn.
Xúc động ở Siêu thị mini 0 đồng ở Hà Nội
Ngày 1.8, sân trụ sở UBND P.Đức Thắng, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội bỗng “mọc” lên một siêu thị mini 0 đồng. Ở đây không mua bán bằng tiền. Người dân chỉ cần cầm phiếu quà tặng với mệnh giá 400.000 đồng đến, tự tay lựa chọn những sản phẩm thiết yếu cho gia đình.
Dù là siêu thị mini nhưng mặt hàng rất phong phú tới 60 sản phẩm thiết yếu như: gạo, mì, sữa, rau củ quả, trứng, xà phòng, khẩu trang y tế… Trong đó có nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội với giá thấp hơn ở các siêu thị thương mại.
Cầm phiếu quà tặng đến siêu thị mua hàng, người dân còn được các thanh niên tình nguyện hướng dẫn tận tình xách giúp đồ, từ lúc mua đến lúc thanh toán, thậm chí mang vác đến tận nhà. Vì thế ai đến đây cũng vỡ òa cảm xúc.