Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi gia súc, gia cầm… rớt giá thê thảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nông dân như “ngồi trên đống lửa”.
Ông Ngô Văn Đón (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết, hơn 2 năm trước ông đã xây dựng 3.500m2 bể và 2.000m2 ao nuôi tôm theo công nghệ cao Israel và đầu tư vào đó gần 20 tỷ đồng nhưng từ năm trước đến năm nay đã lỗ mất 1,3 – 1,4 tỷ đồng.
Ông Đón cho biết thêm, có thời điểm thức ăn chăn nuôi ghi nhận tăng tới 5-6%. Không chỉ thức ăn chăn nuôi tăng, tất cả các chế phẩm sinh học đều tăng, như: men tiêu hoá, sản phẩm tăng kiềm cho tôm cứng vỏ… đều tăng trong khi giá tôm thương phẩm thì giảm sâu, giảm đến 100 nghìn đồng/kg. Tôm loại 30 con/kg giá bán chỉ còn 120.000 đồng – 130.000 đồng/kg (trước kia là 220.000 – 250.000 đồng/kg).
“Đợt vừa rồi gia đình tôi nuôi được mớ tôm lớn nhưng 6 tấn tôm bán lỗ gần 40 triệu đồng. Miền Bắc không có nổi một nhà máy mua tôm chế biến, xuất khẩu, người nông dân đành phải bán cho thương lái, bị ép giá xuống rất thấp. Biết rằng càng nuôi càng lỗ nhưng đã đầu tư số tiền lớn giờ cũng không thể bỏ không nuôi. Người nông dân quá khó khăn” – ông Đón ngậm ngùi.
Không chỉ riêng nuôi tôm, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá… giai đoạn hiện nay cũng đang phải chịu rất nhiều áp lực.
Ông Đỗ Văn Đích – chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại Thuỷ Nguyên cho biết, từ tháng 11/2020, giá cám chăn nuôi bắt đầu tăng, đến nay đã tăng 9 lần giá, trong đó tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 6/2021. So với thời điểm tháng 7/2020, hiện nay giá mỗi bao cám tăng từ 50.000 – 70.000 đồng.
Hiện, lợn siêu nạc từ 90.000 đồng/kg giờ còn 57.000 – 58.000 đồng/kg; lợn lai chỉ bán được 50.000 đồng/kg, thấp nhất trong hơn một năm qua. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay các đại lý cung cấp cám liên tục tăng giá, trước đây mỗi bao cám (25kg) giá 270.000 đồng, giờ tăng lên 330.000 đồng. Tính ra, chi phí cho một con lợn đến ngày xuất chuồng (110kg) khoảng 6.650.000 đồng, trong đó: giống 2.850.000 đồng; cám 3.300.000 đồng; nhân công, điện, nước, thuốc thú y… 500.000 đồng. Nếu bán với giá 58.000 đồng/kg, mỗi con lợn người dân lỗ tới 270.000 đồng.
Gia đình ông Vũ Văn Chính – Đông Hưng cho biết, hiện gia đình ông đang nuôi 50 con lợn nái, 150 lợn thịt và 50 con lợn sữa. Trung bình mỗi tháng gia đình ông tiêu thụ trên 800 bao cám. So với thời điểm tháng 7/2020, hiện nay giá mỗi bao cám tăng từ 50.000 – 70.000 đồng, chi phí cho chăn nuôi của gia đình ông tăng thêm khoảng 50 triệu đồng/tháng. Với tình hình như hiện nay, những trang trại chăn nuôi tự cung cấp được con giống thì còn có lãi chút ít, những hộ phải đi mua lợn giống ở ngoài thì sẽ bị lỗ nếu giá lợn hơi duy trì hoặc giảm nữa.
Ông Đặng Quang Hào cho biết, hiện đang có trang trại nuôi gà 3.000 con, chuyên cung cấp gà sạch cho Đông Hưng, TP Thái Bình và các địa phương lân cận. Đã từng có thời điểm gia đình ông phất lên bằng việc nuôi gà nhưng gần đây lại đang phải chịu áp lực rất lớn về vấn đề giải quyết thức ăn cho chúng. Thay vì nuôi từ 5-6 tháng là xuất bán, đến nay nhiều con gà nhà ông Hào đã phải nuôi tới 10 tháng. Để duy trì đàn gà, ông phải cắt giảm thức ăn cám, thay vào đó là cho ăn rau, cây chuối, bèo…
Ông Hào cho biết, những năm trước vào thời điểm mùa cưới hỏi, thương lái đến thu mua chục ngày là hết mấy nghìn con gà. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng tiêu thụ giảm, thương lái cũng chẳng thấy tới, mang ra chợ thì cũng chỉ bán cầm chừng với số lượng rất ít, mà giá lại rẻ, giảm mỗi ngày (hôm trước 70.000 đồng/kg, hôm sau đã xuống 60.000 đồng/kg). Hiện, nhà tôi còn hơn 2.000 con đã quá kỳ xuất bán nhưng không có người mua. Trong khi đó, mỗi ngày gia đình vẫn phải chi hàng triệu tiền thức ăn.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Đình – Hưng Hà, nuôi 30 lồng cá, chủ yếu là cá diêu hồng, chép, trắm, lăng, rô phi, mỗi năm xuất bán gần 100 tấn cá. Anh Đình cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều cửa hàng, quán ăn, trường học, điểm tham quan du lịch đều dừng hoạt động khiến sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh. So với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, giá cá các loại giảm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, cá trắm hiện có giá 45.000 đồng/kg, cá rô phi 31.000 đồng/kg, cá chép 42.000 đồng/kg, cá diêu hồng 36.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cám lại tăng gần 100.000 đồng/bao 25kg. Hiện tại tôi đang phải bù lỗ từ 4.000 – 5.000 đồng/kg cá.
Theo ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, xu hướng giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng 2 đợt với khoảng 5% trong thời gian tới. 6 tháng cuối năm, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với không ít khó khăn, giá thức ăn nguyên liệu vẫn sẽ duy trì ở mức ổn định và chưa giảm nhanh được.
Rõ ràng, nông dân đang phải chịu cảnh “một cổ ba tròng” gia súc, gia cầm, thuỷ sản quá tuổi nhưng không xuất bán được nhưng vẫn phải nuôi để cầm cự, tốn chi phí, vốn ứ đọng, lại không thể vào lứa mới. Trước tình hình chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra khó tiêu thụ, nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là ưu đãi về vốn, lãi xuất vay, gỡ khó trong tiêu thụ sản phẩm để người nông dân tiếp tục sản xuất.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.