Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 1) Sản xuất công nghiệp gặp khó

Việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.

Trong 7 tháng năm 2021, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong nước, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh, thành phía Nam đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 ước tính tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 8,6%; khai thác than cứng và than non giảm 2,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 1,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,1%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 0,3%.

Do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, từ đó gây ra sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.

Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 1) Sản xuất công nghiệp gặp khó

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, thời gian tới cần xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng.

Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình. Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics… và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan. Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Vì vậy, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, thời gian tới nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp công nghiệp, cần xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng (tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động).

Điều này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp khi giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp…

Còn nữa…