Cung cấp phù sa, tưới tiêu đất nông nghiệp và là một tuyến đường vận chuyển, sông Nile rất quan trọng không chỉ đối với nền văn minh của Ai Cập cổ đại, mà cả hiện đại. Hiện nước sông Nile đang là nguồn cơn gây tranh cãi gay gắt trong khu vực.
Sông Nile quan trọng đối với Ai Cập cổ đại
Tên hiện đại của sông Nile bắt nguồn từ chữ Nelios, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là thung lũng sông. Nhưng người Ai Cập cổ đại gọi nó là Ar hoặc Aur, có nghĩa là “đen”, ám chỉ lượng trầm tích sẫm màu mà nước sông Nile mang từ vùng Sừng châu Phi về phía bắc và lắng đọng ở Ai Cập khi con sông này tràn bờ mỗi năm vào cuối mùa hè. Lượng nước và chất dinh dưỡng tăng vọt đó đã biến thung lũng sông Nile thành vùng đất nông nghiệp trù phú, màu mỡ, và tạo điều kiện cho nền văn minh Ai Cập đơm hoa kết trái giữa sa mạc.
Sông Nile dài 4.160 dặm, chảy về phía bắc – từ Đông-Trung Phi đến Địa Trung Hải, cung cấp cho Ai Cập cổ đại đất và nước phì nhiêu để tưới tiêu, cũng như tuyến đường vận chuyển vật liệu cho các công trình xây dựng. Sông Nile được coi là “một huyết mạch quan trọng mang lại sự sống cho sa mạc theo đúng nghĩa đen”, “không có sông Nile, không có Ai Cập”.
Để được hưởng lợi từ sông Nile, những người sống dọc theo bờ sông phải tìm cách đối phó với lũ lụt hàng năm, chế ngự nước, phát triển các kỹ năng và công nghệ mới, từ nông nghiệp đến đóng tàu, thuyền.
Sông Nile còn đóng một vai trò trong việc xây dựng các kim tự tháp, tạo ra các lăng mộ hoành tráng như Đại kim tự tháp Giza – kỳ quan đồ sộ dễ nhận biết nhất về nền văn minh của người Ai Cập cổ. Người ta vận chuyển những khối đá vôi khổng lồ trên những chiếc thuyền gỗ dọc sông Nile, rồi chuyển các khối đá này qua một hệ thống kênh đào đến địa điểm xây dựng.
Ngoài những vấn đề thiết thực, dòng sông rộng lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm của người Ai Cập cổ đại về bản thân và thế giới quan, định hình tôn giáo và văn hóa của họ.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, nông dân Ai Cập cổ đại là một trong những nhóm đầu tiên thực hành canh tác trên quy mô lớn, trồng cây lương thực như lúa mì và lúa mạch, cây công nghiệp như lanh – để làm quần áo. Để tận dụng tối đa nguồn nước sông Nile, những người nông dân Ai Cập cổ đại đã phát triển một hệ thống gọi là tưới tiêu lưu vực. Họ xây dựng mạng lưới các bờ đất để tạo thành các lưu vực và đào các kênh dẫn nước lũ vào các lưu vực. Nước sẽ nằm ở đó trong một tháng cho đến khi đất bão hòa và sẵn sàng để trồng trọt.
Sông Nile ảnh hưởng đến cách người Ai Cập nghĩ về vùng đất mà họ sinh sống, họ gọi thế giới của mình là Kemet, “vùng đất đen” của thung lũng sông Nile, nơi có đủ nước và lương thực cho các thành phố phát triển mạnh mẽ; ngược lại, những vùng sa mạc khô nóng – Deshret, “vùng đất đỏ”. Họ liên kết thung lũng sông Nile và các ốc đảo trên vùng sa mạc với sự sống và sự phong phú, trong khi các sa mạc gắn liền với chết chóc và hỗn loạn…
Siêu đập của Ethiopia làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột
Trung Đông là một trong những khu vực khô hạn nhất trên thế giới. Tình trạng khan hiếm nước thường được coi là nguồn gốc của các cuộc tranh chấp giữa các nước và giữa các tiểu bang trong khu vực. Một số học giả đã dự đoán về khả năng xảy ra các cuộc xung đột chết người và các cuộc xung đột khu vực về việc phân bổ tài nguyên nước. Mặc dù chưa có cuộc chiến toàn diện nào nổ ra, nhưng hiện tại, các cuộc biểu tình công khai ở tỉnh Khuzestan của Iran và mối bất hòa ngày càng tăng giữa Ethiopia, Ai Cập và Sudan về việc sử dụng nước sông Nile.
Mặc dù Iran không có khả năng xảy ra chiến tranh về nguồn nước với bất kỳ quốc gia láng giềng nào của họ, nhưng điều tương tự không thể được khẳng định chắc chắn đối với các nước ở hạ lưu sông Nile. Ethiopia đang tiến gần hơn đến tranh chấp nghiêm trọng với Ai Cập và Sudan kể từ khi Addis Ababa quyết định xây dựng Đập Thủy điện Đại Phục Hưng (Grand Ethiopian Renaissance Dam – GERD) với kinh phí gần 5 tỷ USD, có sức chứa đến 74 tỷ m3 nước, cho các mục đích phát triển của mình.
Coi sông Nile là “huyết mạch”, Ai Cập và Sudan, lo ngại về an ninh nguồn cung của mình, đã phản đối gay gắt việc Addis Ababa đơn phương bắt đầu giai đoạn hai của dự án. Việc lấp đầy hồ chứa của giai đoạn hai trong khoảng thời gian hai năm sẽ ảnh hưởng đến lượng nước mà Ai Cập được hưởng. Theo thỏa thuận song phương Ai Cập – Sudan năm 1959, hai bên đồng ý tăng phần của Ai Cập lên 55,5 tỷ mét khối và của Sudan lên 18,5 tỷ, nhưng thỏa thuận không được Ethiopia công nhận. Nước này đã từ chối hoãn giai đoạn hai, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Cairo và Khartoum.
Các nỗ lực hòa giải của Mỹ vào năm 2020 và Liên minh châu Phi hiện nay đã không mang lại kết quả nào. Đầu tháng 7/2021, vấn đề này đã được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để tìm ra giải pháp, nhưng không có kết luận hay nghị quyết nào được đưa ra. Một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an cho rằng, cơ quan này không có đủ chuyên môn để giải quyết vấn đề. Toàn thể hội đồng kêu gọi 3 bên tránh hành động đơn phương và đạt được một thỏa thuận thông qua đàm phán.
Trong một bài báo gần đây, Nabil Fahmy – cựu Ngoại trưởng và cựu Đại sứ Ai Cập tại Mỹ – cảnh báo rằng, “sớm hay muộn, đối đầu dường như là điều không thể tránh khỏi, trừ khi có sự thay đổi đột ngột và bất ngờ trong quan điểm của Ethiopia”. Đồng quan điểm với một số học giả đưa ra trước đây, ông Fahmy xác nhận, khả năng xảy ra chiến tranh ở Trung Đông trong tương lai “vì nước hơn là vì dầu”./.
Nguồn: vov.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.