Điểm nhấn làm nên sức hấp dẫn của đề thi ngữ văn đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 nằm ở phần đọc hiểu, khi văn bản bàn vấn đề có tính đại đồng thế giới: kêu gọi mọi người bảo vệ mái nhà chung của nhân loại (trích từ Món quà cuộc sống của tác giả Dr. Bernie S.Siegel).
Luôn ở nhà mình ngay cả khi bạn đang đứng ở nơi nào trên hành tinh
Theo đó, phần đọc hiểu (3,0 điểm) cũng có 4 câu hỏi với mức tăng dần độ khó. Câu 1 (Theo đoạn trích…) và câu 2 (Chỉ ra…) là những câu hỏi nhận biết, thí sinh chỉ cần đọc kỹ văn bản, viết lại đáp án trả lời là đạt điểm tối đa (0,75 điểm/1 câu). Với câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về nhận định “Thật ra, bạn vẫn luôn ở nhà mình ngay cả khi bạn đang đứng ở bất kỳ vị trí nào trên hành tinh này” là một câu hỏi khá hay, yêu cầu thí sinh sử dụng thao tác giải thích để làm rõ 2 lớp nghĩa: nghĩa hẹp, ở phạm vi bản thân, gia đình; và nghĩa rộng, ở phạm vi thế giới, nhân loại).
Nếu câu 4 của đề thi lần 1 yêu cầu “rút ra những bài học về lẽ sống”, thì câu 4 của đề thi lần này yêu cầu đưa ra ý kiến về nhận định: “Đã đến lúc thôi để ý đến những khác biệt bề ngoài, hãy nhận ra rằng tất cả chúng ta đều chung dòng máu đỏ”. Để đạt điểm tối đa câu này, thí sinh cần có quan điểm rõ ràng (đồng ý hoặc không) và có lý giải thuyết phục. Tốt nhất cần thấy tính hai mặt của nó, nên vừa đồng ý và vừa chưa đồng ý hoàn toàn và lý giải sẽ thuyết phục hơn.
Đề thi môn ngữ văn đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
|
Sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống
Câu nghị luận xã hội (viết đoạn văn khoảng 200 chữ, 2,0 điểm) bàn về “sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống” là câu hỏi rất hay, có ý nghĩa giáo dục và tính thời sự rất cao, nhất là trong bối cảnh cả nước, cả thế giới cùng chung tay chống “giặc” Covid-19. Để đạt từ 1,75 đến trọn 2,0 điểm, thí sinh cần đảm bảo được yêu cầu về hình thức, cách triển khai đoạn văn; làm rõ tinh thần hợp tác cần thiết cho cuộc sống như thế nào. Bài làm cần có sự liên hệ thực tiễn và rút ra các bài học cho xã hội, cho bản thân.
“Gặp” Tây Tiến của Quang Dũng
Câu nghị luận văn học (5,0 điểm) yêu cầu cảm nhận về khổ thơ thứ 2, gồm 8 câu, trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Đây là khổ thơ có phần khó phân tích hơn 2 khổ thơ kia trong bài. Tuy vậy, câu hỏi này không quá khó, vì đây bài thơ trọng tâm của chương trình, nhiều học trò yêu thích, đoạn thơ cũng không quá dài, rối rắm. Vì vậy đa số thí sinh sẽ dễ dàng đạt được từ 2,5 điểm trở lên.
Điểm phân loại thí sinh rõ nhất trong nghị luận văn học đề thi môn văn tốt nghiệp THPT đợt 2 là ở vế 2 của yêu cầu đề “nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ”. Thí sinh muốn có 0,5 điểm phần này cần thấy được phong cách Quang Dũng thể hiện qua hồn thơ “phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa…”.