Sắp thêm 5.600 MW điện gió vận hành vào cuối năm

Đến thời điểm đầu tháng 8/2021, đã có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại. 

Ngày 3/8/2021 là thời hạn cuối cùng để chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện muộn để kịp mốc 90 ngày để được hưởng giá điện gió hiện nay theo Quyết định 39/QĐ-TTg.

Đây là dựa vào Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió: trước 90 ngày trước ngày vận hành thương mại, Bên bán điện có trách nhiệm gửi Bên mua điện Dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của Nhà máy điện phù hợp với các quy địh hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của Nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định Ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của Nhà máy điện.

Như vậy, để có thể đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận Ngày vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 31/10/2021 thì ngày 3/8/2021 là thời hạn cuối cùng.

Đến thời điểm đầu tháng 8/2021, đã có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại. EVN sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió trước thời điểm 31/10/2021.

Như vậy, số còn lại hơn 6.300 MW (trong tổng số quy hoạch khoảng 12.000 MW) sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, và có thể phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá. Hiện Bộ Công Thương vẫn trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.

Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Đại diện các dự án điện gió cho biết dù các nhà thầu đang đẩy nhanh xây dựng các dự án, song dự án vẫn có nguy cơ bị đình trệ bởi COVID-19. Theo các nhà đầu tư, không ít công trường hiện nay phải sử dụng các chuyên gia nước ngoài để quản lý việc lắp đặt, vận hành các trụ điện gió nên diễn biến của COVID-19 hiện khiến các nhà đầu tư hết sức lo lắng. Nếu không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021, các nhà đầu tư sẽ không được hưởng giá bán điện theo quyết định 39, trong khi giá bán điện sau ngày quyết định 39 hết hiệu lực vẫn còn là một ẩn số.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN về dự án điện gió. Số liệu từ Bộ Công thương cho biết, đã có 157 dự án điện gió ngoài khơi với quy mô công suất hơn 61.000 MW được đề nghị khảo sát, phát triển dự án và bổ sung vào quy hoạch toàn quốc. Đơn cử, tại Bình Thuận, các dự án điện gió ngoài khơi đề nghị bổ sung quy hoạch đã lên tới 22.000 MW.