Vắng lặng chưa từng thấy
Theo chân các tình nguyện viên được trang bị bảo hộ kỹ càng, PV Thanh Niên vào phía bên trong khu vực phong tỏa tại đường Vườn Chuối – Nguyễn Thượng Hiền thuộc P.4, Q.3. Khu vực này có 760 nhà với hơn 2.750 người dân sinh sống, vào ngày 1.7 đã phong tỏa do thông qua lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, phát hiện 37 ca nhiễm Covid-19.
Trước đây, khu vực này do gần chợ Vườn Chuối, Bệnh viện Bình Dân… nên tấp nập người mua kẻ bán, nhưng bây giờ khi bước chân qua hàng rào phong tỏa, chỉ thấy những cánh cửa đóng kín, im lìm và cứ cách chừng vài mét lại thấy một hàng rào kẽm gai ngăn cách giữa các lối đi. Người dân dường như đã quen dần cuộc sống trong khu phong tỏa, nên đóng cửa ở yên trong nhà, phía bên ngoài chỉ có lực lượng tình nguyện viên đến từng nhà để thông báo lấy mẫu xét nghiệm, phân phát thực phẩm cho người dân.
Trong khu phong tỏa, người dân đều ở yên trong nhà, chỉ có tình nguyện viên đến từng nhà để phân phát thực phẩm
|
Tại một con hẻm nhỏ được xem là “vùng đỏ” nằm bên trong đường Vườn Chuối, xung quanh lối đi của con hẻm được rào chắn kỹ, bà Võ Thị Hoa (61 tuổi) hé cánh cửa ra nhận gạo và ít khoai lang được các tình nguyện viên để trước nhà. Do có liên quan ca nhiễm Covid-19, bà cùng 5 người thân được đưa đi cách ly, đến 28.7 sau 4 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, bà mới được về nhà.
“Tôi đã sống ở đây gần 40 năm. Trước đây, từ 3 giờ sáng tôi đã nghe tiếng xe máy chở hàng hóa ra chợ bán rồi. Đến sáng thì bà con lối xóm đi chợ, để xe chật kín hai bên đường. Dọc hai bên đường Vườn Chuối, Nguyễn Thượng Hiền thì bán nhiều món ăn lắm, nào là hủ tiếu, cơm tấm, bún bò… đủ thứ hết”, bà Hoa đưa mắt nhìn xung quanh rồi nói tiếp: “Còn bây giờ cũng không dám bước chân ra ngoài. Đường thì vắng tanh, chỉ có mấy người mặc áo xanh giống vầy thôi (tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ y tế – PV), vắng vẻ đến mức tôi cảm thấy sợ ma luôn nên không dám ra ngoài”.
Trước dịch, bà Hoa phụ bán quán hủ tiếu ở chợ Vườn Chuối, đến khi dịch bùng phát, bà cũng mất đi việc làm. “Hôm đi cách ly không có đồng bạc nào trong người, đến nỗi thèm ly cà phê mà không có tiền để gửi mua uống. Giờ chỉ mong mau hết dịch, để tôi còn đi phụ quán, kiếm ít tiền xoay xở. Chứ tôi giờ thèm không khí chợ, nhớ mấy mối quen hay đến ăn hủ tiếu lắm rồi”, bà Hoa nói.
Cách đó chừng vài căn nhà, ông Hồ Văn Trường (44 tuổi) đang gọi điện thoại hỏi thăm vợ và con trai 10 tuổi đang điều trị Covid-19 ở bệnh viện dã chiến. Ông Trường cùng vợ dọn đến khu vực Vườn Chuối sinh sống được hơn 16 năm, do khu vực này gần chợ nên ông và vợ mở tiệm bán đồ ăn sáng tại nhà. “Mọi năm tết đến cũng chưa thấy vắng đến mức này. Từ lúc dịch tôi cũng nghỉ bán luôn, nên không có thu nhập gì, tôi ở nhà cách ly toàn nhận gạo, rau củ ở phường ăn đỡ. Tháng này chủ nhà biết tin tôi bị phong tỏa nên thương tình không lấy 8 triệu tiền nhà. Ai cũng từng phút giây mong mau hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường, buôn bán chứ giờ khó khăn quá”, ông Trường nói.
Bà Võ Thị Hoa (61 tuổi) đứng trước nhà nhìn ra bên ngoài cho biết đây là lần đầu tiên hẻm chỗ bà ở vắng vẻ đến như vậy
|
Lúc các tình nguyện viên mang hàng hóa đến gửi, ông Nguyễn Ngọc Chánh (64 tuổi) vội cầm bình xịt để khử khuẩn. Ông Chánh đang là F1, còn anh trai của ông, năm nay 70 tuổi, là F0 đã được đưa đi điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 2 (Q.12, TP.HCM). Bản thân là F1, nhưng ông Chánh vẫn lựa chọn cách ly tại nhà vì còn phải chăm sóc cho mẹ già hơn 90 tuổi không thể tự ăn, sinh hoạt được. “Tôi có gọi vào hỏi thăm anh trai nhưng giờ anh ấy sức khỏe yếu đi, chỉ uống sữa và phải thở ô xy. Cứ canh chừng vài hôm thì gọi lên thăm, đôi lúc nghe ảnh nói ngồi dậy tập đi, tập thể dục được thì mình cũng mừng rồi”, ông Chánh nói.
Không bỏ ai lại phía sau
Trong khu phong tỏa hơn 2.750 người dân sinh sống, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân ở khu phong tỏa cũng chung tay góp sức, đùm bọc hàng xóm của mình, động viên nhau qua cơn đại dịch kéo dài. Từ những ngày đầu khu vực này bị phong tỏa, chị Huỳnh Thị Hoàng Mỹ (34 tuổi) đã đăng bài viết vào các hội nhóm trên mạng xã hội để kêu gọi hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn trong khu phong tỏa.
Sau khi nhận được rau củ, nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm, chị Mỹ sẽ đăng lên các hội nhóm thông báo, người dân khó khăn cần gì sẽ nhắn tin qua cho chị Mỹ kèm địa chỉ giao hàng. Sau khi chốt đơn, chị Mỹ sẽ soạn các đơn hàng, để ở bàn phía trước nhà cho các tình nguyện viên đến lấy giao tới nhà cho người dân, ngày cao điểm lên đến 200 đơn hàng.
Vào rạng sáng 11.7, tại khu vực phong tỏa trên đường Nguyễn Thượng Hiền bất ngờ xảy ra hỏa hoạn, khiến 2 căn nhà bị thiêu rụi. Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (31 tuổi) và gia đình bà Nguyễn Thị Son (52 tuổi) lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Chị Nhung làm nhân viên dọn phòng ở khách sạn, nhưng từ khi dịch Covid-19, khách sạn đóng cửa, chị cũng mất việc làm. “Con tôi bị tật từ nhỏ, đi làm dành dụm được mười mấy triệu để dành cho cháu đi khám bệnh, nhưng giờ tiền của cháy hết rồi”, chị Nhung nói. Còn gia đình bà Son, căn nhà của bà chỉ rộng 6 m2 đủ bày một tiệm tạp hóa nhỏ để bán kiếm chút tiền sinh hoạt, nhưng cũng bị lửa thiêu rụi, trắng tay.
Biết được hoàn cảnh của gia đình chị Nhung và bà Son, anh Nguyễn Văn Quý (29 tuổi) đã cho họ ở tạm trong 2 căn nhà anh đang thuê để mở quán ốc, cho đến khi gỡ phong tỏa. “Tôi sống ở đây từ nhỏ, cả chị Nhung và cô Son đều là hàng xóm thân thiết, hoạn nạn thì đùm bọc nhau. Chỉ mong sớm gỡ phong tỏa để chính quyền hỗ trợ họ xây lại nhà mới”, anh Quý chia sẻ.
Ngày trở về trong hạnh phúc
Khoảng 11 giờ ngày 30.7, bên ngoài khu phong tỏa, chiếc xe 16 chỗ đưa chị N.T.K.Đ (27 tuổi) cùng 6 thành viên trong gia đình chị từ bệnh viện dã chiến trở về nhà, theo dõi thêm 14 ngày. Chị Đ. cho biết sau khi bị phong tỏa, đến 16.7 cả 6 thành viên trong gia đình chị nhận kết quả thông báo dương tính Covid-19. “Vì cả nhà đi cùng nhau, nên khi vào bệnh viện được sắp xếp ở cùng một chỗ. Những ngày trong bệnh viện mọi người theo dõi chăm sóc, trấn an lẫn nhau. May mắn là không ai trong gia đình tôi bệnh trở nặng và tất cả đều khỏi bệnh để trở về cùng nhau”.
Sau khi về lại nhà, chị Đ. hạnh phúc khi nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi thăm từ hàng xóm, nhưng vì đang phong tỏa, không thể gặp nhau được, nên chị chỉ chia sẻ qua cuộc gọi, tin nhắn để động viên tinh thần mọi người, giữ gìn sức khỏe để vượt qua đại dịch.
Liên quan vụ hỏa hoạn trên đường Nguyễn Thượng Hiền vào rạng sáng 11.7, Công an Q.3 đã làm việc với Nguyễn Văn T. (36 tuổi, ngụ Q.3) để điều tra hành vi phóng hỏa đốt nhà. Tại cơ quan công an, T. thừa nhận do nhậu xỉn và cự cãi với người thân nên đốt quần áo trong tủ dẫn đến hỏa hoạn.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND P.4 (Q.3), cho biết đã hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng và thuê công ty xây dựng đến tháo dỡ phần nhà bị cháy hư hỏng. Phường cũng đã làm công văn gửi lên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM xin hỗ trợ một phần để các hộ dân xây lại nhà mới.
|