Với Cây táo nở hoa – bộ phim truyền hình đang thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả, tạo được hiệu ứng tốt khi kể một câu chuyện đầy đủ cung bậc cảm xúc về tình cảm 5 anh em trong một gia đình. Nhưng đến tập 40 trong số 70 tập, khán giả đã “than trời” rằng: “Đến khi nào cây táo mới chịu… nở hoa?”, vì tình tiết của phim càng lúc càng trở nên rối rắm đến mức khó chịu. Đây là bộ phim được Việt hóa từ kịch bản gốc What’s wrong Poong Sang của Hàn Quốc vốn chỉ có 20 tập, mỗi tập 60 phút; khi về Việt Nam, bộ phim đã được kéo ra tới 70 tập (45 phút/tập).
Do cố tình kéo ra nên kịch bản lòng vòng, không có tình tiết biến cố quan trọng để tạo điểm nhấn cho từng tập phim, còn nhân vật tính cách không nhất quán khiến khán giả “ức chế”, không biết khi nào các nhân vật tìm được lối ra giữa mê hồn trận, dù phim đã chiếu được 2/3.
Trước đó, nhiều phim khác cũng kéo dài thời lượng đến mức khó hiểu. Chẳng hạn Gạo nếp gạo tẻ dài tới 109 tập, trong khi kịch bản gốc Hàn Quốc chỉ có 50 tập. Được remake từ kịch bản Hàn Quốc chỉ 45 tập, nhưng phim Vua bánh mì phiên bản Việt “hô biến” thành 81 tập, thêm thắt nhiều chi tiết dẫn đến phim có nhiều phân đoạn thiếu logic, nhiều chi tiết phi thực tế khiến người xem hụt hẫng. Phim Hướng dương ngược nắng phần 2 dự kiến kết thúc ở tập 36, nhưng đã kéo dài thêm 4 tập (cả 2 phần dự kiến 60 tập, sau đó “dôi” ra thành 70 tập).
Nhiều đạo diễn cho rằng việc kéo dài là vì “cần thêm thắt tình tiết, nhân vật cho phù hợp văn hóa, cuộc sống trong nước (nếu mua kịch bản ngoại); hoặc đã lỡ quay nhiều cảnh, phim lại đang thu hút, bỏ rất tiếc”. Bệnh chung này khiến phim truyền hình Việt dễ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, đuối sức ở nửa sau, dẫn đến cái kết khó được người xem hài lòng.
Nói đi cũng nói lại, trong số các phim kéo dài tập ra, có phim thành công, gây tiếng vang như Về nhà đi con; và đúng như khán giả Ngọc Nhi nêu ý kiến: “Phim ngắn hay dài không quan trọng bằng phải có nội dung hay, đáng xem. Đội ngũ biên kịch, đạo diễn nên xây dựng kịch bản hấp dẫn để giữ chân khán giả với thời lượng vừa đủ, cô đọng”.
Có thể dễ hiểu vì sao đã biết dựng lê thê ra như vậy sẽ khiến khán giả ngán, nhưng nhà sản xuất, đạo diễn vẫn quyết làm, là vì việc tăng số tập đem lại nhiều cái lợi về quảng cáo! Phim càng hút khán giả thì giá mỗi spot quảng cáo càng cao và càng nhiều, chưa kể những quảng cáo được chèn vào nội dung. Nhưng khi phim đã dài và dở rồi mà quảng cáo cứ phát ngắt quãng dày đặc thì chỉ khiến người xem “bội thực”.
Điều này quả thật gây nhiều tiếc nuối về chất lượng một sản phẩm đáng ra đã phải chỉn chu, trọn vẹn hơn nếu không kéo quá dài.