Nỗi lo chấn thương tái hiện
Trước những đối thủ mạnh mẽ về thể chất, đá áp sát đeo bám, cầu thủ tuyển Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, gần như không thể khai triển được lối đá pressing tầm cao. Một vài nhân tố thể trạng vốn đã không được khỏe, khi bị đối phương sẵn sàng tranh chấp quyết liệt ở mức cao nhất rất dễ bị chấn thương. Như trường hợp của Tuấn Anh, khi cơ thể của cầu thủ này từng phải chịu rất nhiều loại chấn thương khác nhau: chấn thương cơ thẳng bụng, cơ chéo bụng, cơ đáy chậu; riêng chân phải bị giãn gân khoeo, viêm cơ nhị đầu đùi, sụn chêm gối; còn chân trái chấn thương đầu gân cơ lược, cơ khép lớn, cơ đùi, rách 25% sụn chêm, đứt dây chằng chéo trước đầu gối.
Ở thời điểm tập luyện với mức độ vừa phải khi quay lại CLB, không đấu đối kháng, Tuấn Anh cũng bị dính chấn thương (mấy ngày gần đây khi được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam, Tuấn Anh phải tập riêng). Điều này rất đáng quan ngại vì trong quá khứ, bản thân Tuấn Anh hay một số đồng đội cũng bị chấn thương trong tập luyện. Đơn cử như Xuân Trường vào tháng 9.2019, bị đứt dây chằng ở buổi tập của tuyển Việt Nam, phải sang Hàn Quốc phẫu thuật. Thực tế này đặt ra cho ban huấn luyện tuyển Việt Nam một thử thách không hề nhỏ, trong việc thiết lập giáo án phù hợp, điều tiết được cường độ cao – thấp cho toàn đội và cho một số cá nhân cụ thể.
Quay trở lại vòng loại thứ 2 World Cup tại UAE, cần phải nhắc đến một nhân vật khác, luôn được đánh giá là có sức khỏe vô địch – tiền vệ Trọng Hoàng. Nhưng ở tuổi 33, có vẻ như Hoàng có dấu hiệu xuống sức mà bằng chứng là trong rất nhiều pha leo biên ở trận gặp đội Malaysia và nhất là trận gặp đội UAE, anh đã không thể theo kịp đối thủ, thậm chí còn hay mất bóng từ giữa sân. Trước giai đoạn thi đấu nói trên, Hoàng cũng đã bị chấn thương và phải tập riêng một thời gian. Kết thúc vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Hoàng cùng một số tuyển thủ của đội Viettel sang Thái Lan dự AFC Champions League. Nhưng anh (thêm Ngọc Hải) đã không thể theo hết các bài tập chung với đội và phải nghỉ trận đầu vì chưa thể phục hồi 100% thể lực. Cũng vì quá tải khi thi đấu cho đội tuyển mà tại AFC Champions League, ngoài Hoàng còn có cả Tiến Dũng và Ngọc Hải đều dính chấn thương nên không thể chơi trọn vẹn được hết các trận. Tại vòng loại thứ 3, tuyển Việt Nam thi đấu gần như 1 tháng 2 trận, mỗi trận cách nhau 4 ngày nhưng thực chất, thời gian chuẩn bị chỉ 3 ngày là tối đa vì nhiều lượt trận còn phải mất công di chuyển từ nước này sang nước khác. Nên nếu không có thể lực tốt, khó lòng thi đấu với phong độ cao được.
“Xương sống” của tuyển Việt Nam sẽ là ai ?
HLV Park Hang-seo từng nhấn mạnh: “Với bóng đá đỉnh cao, sự quyết tâm là không thể đủ. Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam gặp những đội mà trình độ không giống với hầu hết những đội ở vòng 2. Nên sự chuẩn bị kỹ càng về thể lực, đội hình là vô cùng quan trọng”.
Tuy nhiên, ông Park tạo ra sự băn khoăn nhất định khi triệu tập một số tân binh không được đánh giá cao về sức bền, sức mạnh thể chất. Chưa biết ông tạo bất ngờ gì cho đối thủ với những quân bài mới nhưng hiện tại, vấn đề lớn khác của đội tuyển dường như nằm ở tuyến giữa. Như đã phân tích ở trên, khi Tuấn Anh bị chấn thương ở trận đầu tiên gặp Indonesia, hai trận sau không có anh, “xương sống” của tuyển Việt Nam yếu đi thấy rõ. Ở các trận tại vòng loại thứ 2 thi đấu năm 2019, tuyến giữa Việt Nam rất mạnh bởi có cả Hùng Dũng và Tuấn Anh. Nay ông Park vẫn thiếu Hùng Dũng mà thể trạng của Tuấn Anh lại không tốt (có thể anh sẽ chỉ chơi được khoảng 70 phút hoặc 80 phút/trận) nên việc chọn lựa cặp tiền vệ trung tâm vừa khỏe vừa đảm đương được nhiệm vụ chia bài, tổ chức tấn công, hỗ trợ phòng ngự chắc chắn sẽ khiến ông Park đau đầu.
HLV Đoàn Minh Xương phân tích: “Tại vòng loại thứ 3, các đối thủ của đội Việt Nam không chỉ giỏi về chiến thuật mà còn có thể lực rất tốt. Nếu đánh mất hoàn toàn tuyến giữa vào tay đối phương, đội tuyển của chúng ta sẽ mất hoàn toàn quyền kiểm soát bóng. Dĩ nhiên, ông Park vẫn giữ phương thức quen thuộc là phòng ngự, phản công nhưng phải cố giữ được khu trung tuyến. Muốn thế phải có những cầu thủ có khả năng đánh chặn tốt, tranh chấp tốt. Tôi cho rằng ông Park có thể lựa chọn tùy từng trận, tùy từng thời điểm mà sử dụng cặp tiền vệ trung tâm sau đây: Tuấn Anh – Đức Huy (trong đó, Đức Huy đóng vai trò mỏ neo), Tuấn Anh – Xuân Trường hoặc Tuấn Anh – Quang Hải. Nhưng Đức Huy phong độ không cao, Xuân Trường khả năng tranh chấp yếu. Ông Park cũng khó sử dụng Tiến Anh bởi cậu ấy chưa va đập các trận đấu quốc tế đỉnh cao bao giờ. Vì thế, khi quay trở lại đội tuyển sau 2 tuần cách ly, kể từ ngày 11.8, ông Park sẽ bắt đầu tập kỹ chiến thuật, thử nghiệm đội hình và giải được nhiều bài toán khó. Hy vọng, ông Park cùng cộng sự sẽ cho ra được những đáp án đúng”.
Tiến Linh bị quá tải cơ, Văn Hậu được tiêm huyết tương
Trong buổi tập chiều qua (7.8), do có dấu hiệu quá tải cơ nên tiền đạo Tiến Linh được bác sĩ cho tập phục hồi. Nếu không tập đúng cách, tình trạng quá tải cơ dễ dẫn đến chấn thương rách cơ khi thi đấu (Quang Hải đã từng bị rách cơ do quá tải tại vòng bảng SEA Games 30 trận đấu U.22+2 Việt Nam gặp đội U.22+2 Singapore nên không thi đấu các trận còn lại của đại hội).
Còn Văn Toàn và Tuấn Anh tiếp tục tập riêng. Trong khi đó, Văn Hậu vẫn tập gym kết hợp vật lý trị liệu theo đúng tiến trình điều trị tại tuyển Việt Nam. Văn Hậu bị lỏng dây chằng đầu gối và phải tiêm huyết tương vài ngày nay. Tiêm huyết tương giúp vùng chấn thương tăng thêm dinh dưỡng và hồi phục tốt hơn.
|