Dù đã tiến hành phong tỏa và thực hiện giãn cách sớm ngay sau khi phát hiện những ca cộng đồng đầu tiên, song đến nay số bệnh nhân (BN) nhiễm mới vẫn gia tăng mỗi ngày.
Hiện tại, TP.Cần Thơ đã có 12 bệnh viện (BV) tiếp nhận điều trị BN Covid-19 như BV đa khoa T.Ư Cần Thơ, BV đa khoa TP.Cần Thơ, BV Lao và Bệnh phổi, BV Nhi đồng và 8 BV dã chiến tại trung tâm y tế Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai, Phong Điền; BV Quân dân y, BV đa khoa Q.Thốt Nốt, BV Y học cổ truyền, BV dã chiến số 1.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch ở ĐBSCL, Bộ Y tế đã cho thành lập một trung tâm hồi sức tích cực (ICU) cho BN nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch tại BV đa khoa T.Ư Cần Thơ. Đây là một trong 12 trung tâm hồi sức tích cực quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước.
Chiều 8.8, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BV đa khoa T.Ư Cần Thơ, cho biết Trung tâm ICU trên có quy mô 200 giường, đang được thi công cả ngày lẫn đêm để kịp đưa vào hoạt động ngay giữa tuần sau. Hiện tại, với gói tài trợ trên 50 tỉ đồng của Ngân hàng Techcombank, toàn bộ máy móc, trang thiết bị cho trung tâm đã được tập kết về TP.Cần Thơ. Trong đó, có 40 máy thở chức năng cao, 30 máy thở lưu lượng cao qua đường mũi, 106 máy theo dõi BN 5 thông số, 1 máy phá rung tim tạo nhịp, 2 máy đo khí máu, 2 máy siêu âm Doppler màu, 5 máy X-quang di động, 300 bơm tiêm điện, 150 máy truyền dịch…
“Nhân lực cũng như tất cả trang thiết bị từ kỹ thuật chuyên sâu như ECMO lọc máu liên tục, máy thở… đều đã sẵn sàng. Chỉ trong vài ngày nữa chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền tây và sẵn sàng đón các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch từ các tuyến trong khu vực ĐBSCL chuyển đến”, bác sĩ Phong nói.
Hiện nay, ở BV đa khoa T.Ư Cần Thơ cũng đang có 14 BN Covid-19 nặng được chuyển đến từ Đồng Tháp, Tiền Giang và tại địa bàn TP.Cần Thơ; trong đó có 9 BN đang thở máy, 3 trường hợp lọc máu liên tục, 1 BN áp dụng kỹ thuật tim, phổi nhân tạo (ECMO).