Sáng 7.8, PV Thanh Niên đến tổng đài dã chiến của Trung tâm cấp cứu 115 đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung (Q.12, TP.HCM). Khâu vào kiểm soát khá kỹ, sau khi khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, PV phải thông qua lãnh đạo Công viên phần mềm Quang Trung mới có thể vào trong “đầu não 115”, nhằm tránh F0 xâm nhập khu vực quan trọng này.
Tổng đài dã chiến 115 nằm trên tầng 2 của một tòa nhà.
40 tổng đài viên chia thành 4 hàng dọc, ngồi giãn cách. Mỗi người đều đeo tai nghe hoặc cầm điện thoại, một tay cầm bút viết. Căn phòng khá rộng nhưng tiếng tổng đài viên rộn ràng, tiếng điện thoại reng liên tục, công việc điều phối cứu người vô cùng gấp gáp.
Tình nguyện viên tổng đài dã chiến 115 đang trao đổi, ghi nhận thông tin, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà
|
“Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe”, cuộc gọi lúc 8 giờ 14 từ người dân ở P.7, Q.8 được tổng đài viên tiếp nhận. Người dân báo có nữ bệnh nhân (BN) nhiễm Covid-19 khó thở, tím tái và đề nghị chuyển đến bệnh viện (BV), trạm y tế phường đã liên hệ được xe chuyển. Tổng đài viên điều phối xe gọi ngay cho trực lãnh đạo một BV ở Q.10, và nơi này đồng ý nhận bệnh. Xe chuyển BN đến khu vực cấp cứu nhưng rồi tài xế chở BN quay đầu về lại Q.8, lý do BV này không nhận. Tuy nhiên, tài xế không thông báo tổng đài 115 để gọi trực lãnh đạo BV này tiếp nhận. Dù không hài lòng nhưng tổng đài viên vẫn gọi BV Q.8 để tài xế đưa BN đến nhanh nhất có thể. Một cuộc dàn xếp cấp cứu BN ổn thỏa. Tuy nhiên, trong khi BN chờ bác sĩ BV Q.8 khám, đánh giá, do nóng ruột nên người nhà BN gọi liên tục tổng đài 115 khiến tổng đài viên nhắc người này là còn nhiều cuộc gọi khác đang cần.
“Có BN nữ ngất xỉu, tím tái, không nói chuyện được, bị nhiễm Covid-19 nhưng không có nhân viên y tế hỗ trợ”, cuộc gọi lúc 9 giờ 50, một giọng nữ gấp gáp qua điện thoại với tổng đài viên Phan Minh Khoa, nhân viên tổng đài nhà xe Phương Trang hiện là tình nguyện viên tăng cường cho Trung tâm cấp cứu 115. Đã quá quen với tâm trạng người gọi lúc này, anh Khoa trấn an và “buộc” người gọi phải bình tĩnh để trả lời rành rọt về BN, tình trạng, địa chỉ, điện thoại… Đó là một BN ở P.4, Q.10 cần cấp cứu. Anh Khoa liền chuyển thông tin đến bộ phận điều phối xe cạnh đó. Tuy nhiên thời điểm này, các xe cấp cứu đều bận, tổng đài viên điều phối liên hệ để người nhà chuyển BN đến trạm y tế. Ngay lúc đó, tổng đài viên điều phối cung cấp số bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 để hướng dẫn cho nhân viên trạm y tế hỗ trợ BN trong khi chờ xe cấp cứu đến chuyển đi BV.
Anh Khoa dập máy và bảo, việc người dân lo lắng, khóc qua điện thoại là thường xuyên, nhưng công việc trực tổng đài anh đã quen thuộc, vừa trấn an thân nhân người bệnh, vừa phải làm sao hỏi thông tin chính xác nhất để chuyển hỗ trợ kịp thời. Vừa dứt câu, line 5533 của anh tiếp tục reng lên.
Lúc 11 giờ, 2 BN, 1 nam 40 tuổi và 1 nữ 37 tuổi, nhiễm Covid-19 gọi tổng đài 115 nhờ cho xe đưa đến BV Nhân dân 115. Ngay lập tức, tổng đài viên điều phối liên hệ taxi cấp cứu đến đón 2 BN. Bất ngờ, BN nói mình đổi ý không muốn đi nữa. Tổng đài viên phải gọi cho taxi cấp cứu… xin lỗi.
Tìm chỗ cho bệnh nhân
Lúc 11 giờ 15, tổng đài viên phụ trách điều phối xe cấp cứu Châu Ngọc Thạch nhận phiếu chuyển từ tổng đài viên là sinh viên y khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – line 5538. Đó là nữ BN 74 tuổi (ngụ P.Phước Long A, TP.Thủ Đức). Anh Thạch đã liên hệ số điện thoại ghi trên phiếu chuyển, là số của cán bộ ở trạm y tế. Vị cán bộ này báo BN bị cao huyết áp, tai biến, nhiễm Covid-19. Hiện BN đang khó thở, SpO2 86%, đang thở ô xy tại trạm. Trạm y tế xin được xe và cũng đã chuyển BN đi vài BV nhưng không nơi nào nhận, nên chuyển lại về trạm và xin hỗ trợ 115 chuyển đi BV. Anh Thạch đề nghị trạm y tế tiếp tục theo dõi BN, đồng thời vừa liên hệ trạm Trung tâm cấp cứu 115 TP.Thủ Đức, vừa liên hệ tìm BV để chuyển BN đến. Tuy nhiên, khi đó chưa có BV nào nhận. Anh Thạch lại tiếp tục tìm BV cho BN.
Tương tự, người nhà một BN Covid-19 65 tuổi đang nằm ở BV Q.8 muốn chuyển viện qua bất cứ BV nào cũng được vì nơi này quá tải. BN còn bị tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch… đã có xe hỗ trợ chuyển. Tức tốc, tổng đài viên mở danh sách điện thoại tìm BV và gọi cho 3 BV: Gia An 115, Quốc tế City, Nguyễn Tri Phương nhưng lần lượt đều lắc đầu. “Chúng tôi vừa tiếp nhận thông tin nữ BN 55 tuổi ngụ Q.Bình Thạnh. Qua test nhanh, BN nhiễm Covid-19, hiện đang mệt, khó thở và cần chạy thận. Gia đình đã liên hệ với một BV tư nhân có chạy thận nhưng họ không nhận. Chúng tôi gọi cho một BV tuyến thành phố, nhưng họ đòi phải có xét nghiệm RT-PCR thì mới nhận”, một điều phối viên nói. Anh cho biết thêm hiện hầu hết các BV đều rất đông…
Trong gần 8 giờ ngồi ở tổng đài 115 dã chiến, chúng tôi ghi nhận có hàng chục chuyến xe cấp cứu tiếp cận BN Covid-19 chuyển BV thành công, nhưng cũng có chuyến trở về vì BN không còn nhu cầu cấp cứu, hoặc đã được hướng dẫn xử lý tại nhà. Hàng chục chuyến taxi cấp cứu được thực hiện.
“3 tại chỗ”
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng phòng Điều hành, Chỉ huy trưởng tổng đài dã chiến 115 đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung, cho biết trước dịch Trung tâm cấp cứu 115 có 4 line điện thoại tiếp nhận cấp cứu, mỗi ngày tiếp nhận từ 1.000 – 1.200 cuộc gọi. Nhưng trong đợt dịch này, số cuộc gọi cấp cứu tăng từ 5.000 lên 6.000 nên lãnh đạo thành phố và Sở Y tế tăng lên 40 line với sự trực chiến của các tình nguyện viên. Tất cả đều phải làm việc “3 tại chỗ” ở Công viên phần mềm Quang Trung để tạo vùng xanh cho khu vực.
Theo ông Hiển, lưu đồ xử lý cuộc gọi vào tổng đài 115 được quy định cụ thể. Khi người dân gọi vào có dấu hiệu không cần cấp cứu, hướng dẫn liên hệ y tế địa phương hoặc 1022. Nếu có dấu hiệu cấp cứu nhưng không nguy kịch thì sẽ chuyển sang tổ điều phối xe taxi cấp cứu; nếu nguy kịch thì chuyển tổ điều phối xe cấp cứu, đồng thời liên hệ BV tiếp nhận hoặc liên hệ tổ điều phối BN nặng. Trường hợp không có xe thì tổ chăm sóc khách hàng liên hệ BN, thân nhân để nắm tình trạng, tiếp tục điều xe cấp cứu…
Xử lý thông tin ban đầu
Bác sĩ Võ Hoàng Nhân, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đặc phái viên của Sở Y tế phụ trách đội hình tình nguyện viên của tổng đài 115, taxi cấp cứu và các trạm cấp cứu vệ tinh Q.10, Q.12, TP.Thủ Đức, Q.Bình Tân và H.Bình Chánh cũng có mặt tại tổng đài dã chiến 115. Bác sĩ Nhân cho biết hiện tổng đài 115 với 120 sinh viên y khoa đã được tập huấn về quy trình xử lý thông tin ban đầu. Đội hình taxi cấp cứu vận chuyển F0 từ nhà đến y tế địa phương gần nhất. Gắn với 200 chiếc taxi Mai Linh có 400 y bác sĩ và sinh viên y khoa năm 4, 5, 6 vì liên quan chuyển bệnh, cấp cứu ban đầu, đánh giá BN. Trên mỗi taxi được trang bị một số thiết bị cấp cứu.
Taxi cấp cứu chuyển bệnh nằm ở quận, huyện và TP.Thủ Đức, mỗi địa bàn có 2 – 5 điểm tập kết, như: trung tâm y tế, trạm y tế có ca nhiễm cao, cơ sở cách ly.
Theo bác sĩ Nhân, một số tổng đài viên bị stress vì có những cuộc gọi mang tính bi thương, nôn nóng, la ó nên một số bạn nữ không kiềm chế được cảm xúc để bình tĩnh xử lý; nhưng các bạn đã được tập huấn và hiện nay đã xử lý tốt.
|
“Ban đầu cuộc gọi tăng cao, nhưng giờ người dân hiểu nhiệm vụ của 115 nên cuộc gọi giảm xuống còn 4.000 cuộc/ngày. Hiện nay 100% cuộc gọi được tiếp nhận (giai đoạn đầu 30 – 40%). Nhưng dịch rất phức tạp hiện nay làm cho người dân lo lắng, sợ hãi nên gọi 115 nhiều lần, chờ lâu không có xe cấp cứu thì cũng tiếp tục gọi, gây nên tình trạng quá tải cho 115”, ông Hiển nói và quả quyết phải giải quyết chu đáo cho BN, nếu một taxi chuyển BN đến BV không nhận thì phải chờ để 115 điều phối tiếp. Nếu BV không nhận, 115 sẽ chuyển Sở Y tế TP.HCM xử lý.