Chiều 11.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) tháng 7 và 7 tháng năm 2021; bàn các nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tình hình KT-XH tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Đó là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Như chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%; thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực, đạt 6,66%; thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 68% dự toán năm; thực hiện vốn FDI tăng 3,8%…
Mặc dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7, nhưng sản xuất, kinh doanh 7 tháng được duy trì với sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm, nhất là cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội… Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng tăng 7,9%.
Tuy nhiên, do diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía nam, khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ; sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; trong đó phải có chiến lược, giải pháp hiệu quả để duy trì, phục hồi, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Cùng với đó, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh. Có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, “vừa sản xuất, vừa chống dịch”. Trong đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là về tình hình dịch bệnh, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, trung thực, chính xác, bám sát thực tế, định hướng, truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, góp phần tạo đồng thuận xã hội.
20.000 tỉ đồng miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp
Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ chiều 11.8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện đề cương dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong quý 3 và quý 4 thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế. Tiền thuê đất cũng dự kiến giảm 30%. Cùng với đó, dự thảo đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh các dịch vụ như vận tải, lưu trú ăn uống, du lịch, giải trí… Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng.
|