Hàng loạt câu hỏi về điện gió
Tại cuộc họp báo, có tới 10 phóng viên đặt câu hỏi, chất vấn liên quan đến hoạt động xây dựng các dự án điện gió ở miền tây Quảng Trị. Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết liên quan đến 29 dự án điện gió đang triển khai đồng thời lúc này ở Quảng Trị, tỉnh đã chuyển đổi 148 ha rừng (không có diện tích rừng tự nhiên) để lấy đất xây dựng.
Cuộc họp báo có sự tham gia của đầy đủ Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo các sở ngành và nhiều cơ quan truyền thông
|
Tuy nhiên, ông Hòe khẳng định đến nay Sở vẫn đang làm tốt nhiệm vụ tham mưu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng điện gió và xin chịu trách nhiệm rằng việc tham mưu là hoàn toàn đúng pháp luật, không hề có chuyện phá rừng làm điện gió.
Ông Hòe chỉ lo ngại, trong quá trình triển khai, các chủ đầu tư thực hiện không đúng với phạm vi chuyển đổi rừng. Vì thế, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã thành lập các đoàn kiểm tra việc tuân thủ luật lâm nghiệp với các dự án điện gió trong các tháng 4,5,6. “Kết quả, qua kiểm tra hàng chục vị trí, vi phạm của các dự án điện gió là có, nhưng diện tích vi phạm không đáng kể, chúng tôi đã cho chấn chỉnh”, ông Hòe nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hòe, nhận định sẽ có những nguy cơ về sạt lở đất, lũ quét do hệ lụy của việc xây dựng điện gió gây nên, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh, khoanh vùng 7 xã thuộc H.Hướng Hóa và Đakrông có nguy cơ, lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Ví dụ như ở xã Húc (H.Hướng Hóa), đã có phương án di dời 65 hộ dân.
Một dự án điện gió ở Quảng Trị
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
|
Trong khi đó, liên quan đến vấn để thủ tục giao đất cũng như môi trường của các dự án điện gió, ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị cho biết diện tích đất dành cho năng lượng của Quảng Trị được quy hoạch là 1.800 ha, riêng đối với điện gió là 439 ha, diện tích này rất nhỏ so với nhiều tỉnh thành khác. “Có một số dự án điện gió thi công ồ ạt, khi chưa xong thủ tục cấp đất là do một số nguyên nhân khách quan, đặc biệt là áp lực phải hoàn thành trước ngày 31.10 để hưởng ưu đãi của Chính phủ”, ông Khoa nói.
Cũng theo ông Khoa, Sở này đang chủ trì để thực hiện đề án đánh giá sự tác động của các dự án năng lượng tái tạo đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế xã hội trên địa bàn từ 2021 đến 2025. “Từng dự án điện gió đều đã có đánh giá tác động môi trường, nhưng tổng thể thì chưa nên mới có đề án này. Dự kiến cuối 2021 đầu 2022, chúng tôi sẽ có báo cáo với UBND tỉnh. Chúng tôi rất mong được đầu tư thêm nguồn lực để có những đánh giá chính xác về mặt địa chất, môi sinh và nhiều yếu tố khác để hoàn thiện đề án này, làm cơ sở hoạch định về điện gió cho tỉnh trong tương lai”, ông Khoa nói.
Trong khi đó, về vấn đề an ninh trật tự, trung tá Kiều Đức Tính, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị thừa nhận các “điểm nóng” tại các công trường điện gió là có thật. Hiện, Công an tỉnh Quảng Trị đã phân công 1 phó giám đốc theo dõi, đôn đốc tình hình với phương châm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền; trong đó đề cao lợi ích của người dân.
Việc vận chuyển thiết bị siêu trường cho các dự án điện gió là không hề đơn giản.
|
Phát triển điện gió “được nhiều hơn mất”
Đó là quan điểm thống nhất trong phát biểu của ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực).
Theo ông Đồng, năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió là năng lượng sạch, được các nước tiên tiến sử dụng. Quảng Trị được Chính phủ đồng ý quy hoạch là trung tâm năng lượng của bắc miền Trung thể hiện kỳ vọng lớn, kỳ vọng chính đáng để Quảng Trị thoát khỏi tỉnh nghèo. Trong thời gian ngắn, hiệu quả của việc phát triển điện gió đến rất rõ với nền kinh tế Quảng Trị, dù đâu đó vẫn còn đôi chút hệ lụy nhưng xét cho cùng “cái được nhiều hơn cái mất”.
Theo ông Đồng, việc phá đá mở đường để chở thiết bị điện gió lúc này sẽ có gây hệ lụy, nhưng khi xong, Quảng Trị sẽ có hơn 80 km đường dân sinh, nối thôn bản miền núi với nhau.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết tỉnh này sẽ kiên định với khát vọng điện gió
|
Trong kết luận của mình, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định phát triển điện gió ở miền tây Quảng Trị là chủ trương đúng, đưa lại lợi ích về kinh tế xã hội, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, ít tác động đến môi trường.
“1MW điện gió chỉ chiếm hơn 0,6 ha nhưng đưa lại 700 triệu đồng/năm cho ngân sách. Vùng phía tây Quảng Trị chưa phát triển thì đây là cơ hội. Riêng về các tác động xấu về môi trường, trong thời gian qua, tỉnh vẫn chỉ đạo sát sao và ngay trong tuần tới UBND tỉnh sẽ có 1 hội nghị bàn giải pháp chống sạt lở đất cho các dự án điện gió tại H.Hướng Hóa”, ông Hưng nói.
Bên cạnh vấn đề điện gió, cuộc họp báo còn công bố nhiều thông tin về tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Trị. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, dù bị ảnh hưởng bởi tình hình Covid-19, nhưng địa phương này đã có rất nhiều kết quả đáng khen trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đạt 10.127 tỉ đồng (tăng 6,1% so với cùng kỳ); tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 31.7 đạt 3.128 tỉ đồng (đạt 90,7 % dự toán địa phương và 109,3 dự toán T.Ư)…
|