Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra, xử lý nhưng tình trạng buôn bán hàng rong, tụ tập tụ buôn bán tự phát trên một số con đường ở vùng ven TP.HCM có chiều hướng gia tăng những ngày qua, trong bối cảnh thành phố đang giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Người dân bày hàng hóa dưới lòng đường Liên Khu 5-6 P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân
|
Sợ bị phạt nhưng vẫn bán
Sáng 12.8, chúng tôi ghi nhận trên nhiều tuyến đường như Liên Khu 5-6, đường số 2 khu dân cư Vĩnh Lộc, đường Tây Lân, Nguyễn Thị Tú, Tỉnh lộ 10, Trương Phước Phan (thuộc Q.Bình Tân); Liên ấp 1-2-3, Võ Văn Vân (H.Bình Chánh)… có một số người tập trung buôn bán hai bên đường.
Cụ thể, tại đường số 2 khu dân cư Vĩnh Lộc (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), đoạn đường khoảng 100 mét có hàng chục người bày bán các loại từ thịt, cá, tôm đến rau củ quả… Theo người bán hàng, việc buôn bán tại đây không cố định giờ giấc, nếu phát hiện lực lượng chức năng đến đẩy đuổi, người bán sẽ rời đi, nhiều giờ sau quay lại bán tiếp.
Từ rất sớm, trên đường Liên Khu 5-6 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), khi tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh, Co.op Food nhân viên đang chuẩn bị mở cửa thì bên ngoài, dọc theo tuyến đường này đã tấp nập cảnh người bán, người mua.
Hơn 7 giờ, một bảo vệ dân phố và dân phòng xuất hiện, đi dọc theo tuyến đường Liên khu 5-6 nhắc nhở thì việc buôn bán tạm ngưng. “Trước đó chỉ vài điểm bán lén lút thôi, những ngày gần đây người ta bày bán như một cái chợ dù đang còn giãn cách. Có lực lượng chức năng thì họ dẹp, không thì bán đầy ra đó”, một người dân cho biết.
Bán hàng rong trên đường Liên Khu 5-6 (Q.Bình Tân)
|
Khu vực đường Liên Ấp 1-2-3 (H.Bình Chánh) gần đường Võ Văn Vân, dù có nhiều điểm bị phong tỏa và có chốt chặn của lực lượng chức năng kiểm soát người ra vào, nhưng bên trong các hẻm gần đó, người dân vẫn lén lút buôn bán.
Cuối đường Liên Ấp ra đến đường Tây Lân (Q.Bình Tân), có nhiều người buôn bán hàng rong dọc theo hai bên đường. Anh T., người bán tôm tại đây cho hay dù biết vi phạm quy định giãn cách xã hội nhưng cả gia đình đang thuê trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày buộc anh phải ra đường kiếm sống. “Nhà hảo tâm có giúp gạo, mì nhưng đã ăn hết rồi. Ra đây bán kiếm tiền nuôi con nhỏ mà sợ bị phạt quá”, anh T. lo lắng.
Kiên quyết xử lý vi phạm, đồng thời chăm lo cho người dân
Tại đường Tỉnh lộ 10 gần giao lộ đường Bình Trị Đông (Q. Bình Tân), phát hiện nhiều người buôn bán hàng rong, tổ công tác gồm cán bộ P.Bình Trị Đông, công an, trật tự đô thị đến làm việc.
Phát hiện tổ công tác, nhiều người bê hàng hóa lên xe máy bỏ chạy. Có người bị lập biên bản xử lý thì xin bỏ qua nhưng không được chấp nhận.
Người dân buôn bán trên đường số 2, khu dân cư Vĩnh Lộc
|
Trên đường Trương Phước Phan (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) cũng diễn ra tình trạng người dân buôn bán hàng rong. Lực lượng chức năng sau đó đã đến xử lý.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các tuyến đường có hàng rong buôn bán, khi cơ quan chức năng đến xử lý rồi đi, thì người dân lại tập trung buôn bán.
Trao đổi về việc này, ông Võ Văn An – Chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân (TP.HCM) cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng phường thường xuyên tuần tra địa bàn, kiên quyết xử lý người vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của TP.HCM. Từ đầu tháng 6 đến nay, lực lượng chức năng của phường này đã xử phạt 218 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 436 triệu đồng, phạt 150 triệu đồng với 10 trường hợp không tạm ngừng kinh doanh để phòng dịch. Trong đó, chỉ hơn 1 tháng nay, lực lượng chức năng lập biên bản 193 trường hợp vi phạm Chỉ thị 12, xử phạt tổng số tiền 386 triệu đồng.
Bán hàng rong trên đường Tây Lân (Q.Bình Tân), hai thanh niên cảnh giác vì lo sợ bị phạt
|
Theo ông An, mặc dù lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tuy nhiên người vi phạm, nhất là bán hàng rong trên địa bàn vẫn còn và có chiều hướng tăng lên những ngày gần đây. “Việc kéo dài giãn cách xã hội, khiến cuộc sống người dân rất khó khăn. Ngoài việc xử phạt, chính quyền cũng đã chăm lo đời sống người dân. Hiện nay, phường có 80.000 dân, phần lớn là dân nhập cư, lao động có thu nhập thấp, đó cũng là khó khăn của địa phương”, ông An chia sẻ.