Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiêp về việc Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô cho giai đoạn sau năm 2022.

Bộ Công Thương: Ưu đãi thuế cho sản xuất, lắp ráp ô tô là cần thiết

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).

 

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình ưu đãi thuế cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tiếp tục phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu.

Việc áp dụng chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu, linh kiện lắp ráp ô tô trong nước chưa sản xuất được là một chính sách hợp lý của Chính phủ để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, đặc biệt là sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Ngay sau Nghị định số 57/2020/NĐ-CP được ban hành, một số hãng xe đã lên kế hoạch lắp ráp nhiều mẫu xe hơi mới tại Việt Nam, trong đó phải kể đến Xpander của Mitsubishi, CR-V của Honda, Ranger của Ford… Do đó, Bộ Công Thương thống nhất và ủng hộ các đề xuất của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế.

– 

So với các mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014 (Chiến lược), với sự hỗ trợ từ Chương trình ưu đãi thuế, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, : Chiến lược xác định đến năm 2020, tổng sản lượng xe đạt khoảng 227.500 chiếc. Tuy nhiên, trên thực tế tổng sản lượng xe sản xuất trong nước năm 2020 đã đạt 323.892 chiếc, gấp 1,42 lần so với mục tiêu Chiến lược đề ra.

Chiến lược xác định đến năm 2020, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 67% nhu cầu nội địa. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm khoảng 65-70% tổng thị trường, cơ bản đạt mục tiêu đề ra tại Chiến lược.

: Chiến lược xác định đến năm 2020, tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với xe đến 9 chỗ đạt 30-40%, từ 10 chỗ trở lên đạt 35-45%, xe tải đạt 30-40%. Đến nay, giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với xe buýt đã đạt 60%, xe tải đạt 35-40%, xe con có tỷ lệ bình quân 25%.

Như vậy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cơ bản đã đạt mục tiêu về tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đề ra tại Chiến lược đối với xe buýt và xe tải. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với xe đến 9 chỗ chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô năm 2020 đạt 5,71 tỷ USD, gấp 1,42 lần mục tiêu 4 tỷ USD đề ra tại Chiến lược. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2020 tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 20.000 chiếc đề ra tại Chiến lược chưa đạt được. 

Bộ Công Thương: Ưu đãi thuế cho sản xuất, lắp ráp ô tô là cần thiết

Việc áp dụng chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu, linh kiện lắp ráp ô tô trong nước chưa sản xuất được xem là một chính sách hợp lý .

Về cơ bản, cùng với các chính sách hỗ trợ khác, Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô trong nước đã có những tác động rất tích cực đến thực tế phát triển của ngành trong thời gian vừa qua. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu). Ngành ô tô đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

 

Thông thường, các nhà sản xuất ô tô cần một khoảng thời gian nhất định từ 3-5 năm để lập kế hoạch và chuẩn bị sản xuất các mẫu xe mới. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang phải chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất những sản phẩm của những năm tiếp theo từ 2023 trở đi.

Việc có đưa vào hay không thuế nhập khẩu linh kiện cho các dòng xe mới ảnh hưởng rất lớn đến quyết định cuối cùng của các nhà sản xuất. Theo một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nếu không được miễn thuế nhập khẩu linh kiện trong 5 năm tiếp theo của vòng đời sản phẩm, doanh nghiệp không thể đưa ra được đề án kinh doanh để có được phê duyệt của Tập đoàn cho việc nội địa hóa các mẫu xe mới này tại Việt Nam.

Do đó, việc tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế là hết sức cần thiết để giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo.

– 

Theo quy định của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, các mức sản lượng tối thiểu được đưa ra theo từng nhóm xe đã không còn phù hợp với sự sụt giảm của thị trường. Đặc biệt đối với phân khúc xe buýt, xe khách, nhất là trong bối cảnh diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, kéo theo sự biến động liên tục của thị trường, giao thương giữa các quốc gia bị hạn chế dẫn tới chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sản xuất đình trệ.

Nếu đặt trong bối cảnh thị trường và toàn ngành trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, điều kiện về sản lượng theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, hiện tại thị trường đã liên tục biến động ngoài dự báo nên việc giữ nguyên mức sản lượng cố định như quy định hiện nay là không còn phù hợp.

Do đó, theo quan điểm của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần xem xét điều chỉnh tiêu chí về sản lượng tối thiểu, bao gồm cả sản lượng chung và sản lượng riêng cho phù hợp với dung lượng thị trường và sản lượng trung bình của ngành, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.