Ở bậc đại học, học phí và các chính sách tài chính hỗ trợ sinh viên trong năm học mới 2021 – 2022 sẽ ra sao?
Giảm học phí hoặc không tăng theo lộ trình
Từ giữa tháng 8 này, nhiều trường đại học (ĐH) chính thức khởi động năm học mới 2021 – 2022. Sinh viên (SV) các khóa tuyển sinh năm 2020 trở về trước sẽ bắt đầu việc học theo hình thức trực tuyến cho đến khi dịch được kiểm soát. Trước diễn biến phức tạp kéo dài của dịch bệnh, các trường ĐH đã công bố mức học phí (HP) chia sẻ với người học.
Trong đó, theo văn bản của Bộ GD-ĐT, những trường ĐH chưa thực hiện tự chủ HP chương trình đại trà, năm học mới 2021 – 2022 được thu bằng mức HP năm học 2020 – 2021 được quy định trong Nghị định 86/2015 của Chính phủ, dao động từ 9,8 – 14,3 triệu đồng/năm học. Như vậy, đây là năm học mà HP dừng tăng theo lộ trình thông thường 10% mỗi năm.
Trước thực tế khó khăn của nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch, nhiều trường ĐH công lập tự chủ và trường tư thục cũng quyết định chính sách HP theo hướng hỗ trợ người học.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing, HP chương trình đại trà năm nay 18,5 triệu đồng/năm học, thấp hơn mức trần áp dụng cho khối ngành kinh tế 20,5 triệu đồng năm học 2020 – 2021.
Một số trường ĐH công lập tự chủ khác cũng đã có quyết định giảm HP trong năm học mới.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM giảm 5% HP cho học kỳ giữa và học kỳ cuối năm 2021. Tổng tiền HP giảm dự kiến 20 tỉ đồng. Tương tự, Trường ĐH Ngoại thương không tăng HP, mà còn giảm số tiền tương đương 7% HP phải nộp học kỳ 1 năm học 2021 – 2022 cho SV không thuộc diện miễn giảm HP. Với nhóm SV có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn do dịch bệnh, trường hỗ trợ tương đương 30 – 100% HP căn cứ vào hồ sơ và minh chứng.
Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Dựa trên tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đời sống vật chất nhiều gia đình gặp khó khăn, nhà trường đã thống nhất giảm 5% trên tổng HP học kỳ 1 năm học 2021 – 2022 cho toàn bộ SV đang theo học (kể cả chương trình liên thông). Ngoài ra, trường giữ nguyên mức HP năm học 2020 cho SV trúng tuyển khóa mới thay vì tăng 5% theo lộ trình”. Bên cạnh 10 tỉ đồng hỗ trợ giảm HP, trường còn dành hơn 30 tỉ đồng hỗ trợ và cấp học bổng cho SV khó khăn.
Trong đề án tuyển sinh được công bố đầu năm nay, nhiều trường dự kiến tăng từ 5 – 10% HP so với năm học trước, nhưng trong thông báo mới đây, các trường lại dừng việc này trong năm tới đây.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết ban đầu HP dự kiến của trường năm học 2021 – 2022 sẽ tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 trường giữ nguyên mức HP hiện tại. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang cũng có quyết định không tăng HP. Trường ĐH Công nghệ miền Đông còn thông báo giảm 10% HP học kỳ 1 năm học mới…
Dạy trực tuyến trong mùa dịch
|
Sinh viên bị ảnh hưởng covid-19 được hỗ trợ gì ?
Trong khi đó, một số trường đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính dành riêng cho SV có gia cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mỗi trường có những cách hỗ trợ khác nhau như suất hỗ trợ trừ vào HP, sinh hoạt phí hoặc gia hạn thời gian đóng HP để san sẻ khó khăn với người học.
Bên cạnh việc giữ nguyên HP như năm 2020, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dành riêng 25 tỉ đồng hỗ trợ SV khó khăn. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường này, chính sách hỗ trợ áp dụng cho các SV có bố, mẹ bị mất việc, không có thu nhập hoặc giảm thu nhập và khó khăn kinh tế do dịch cũng như các trường hợp đặc biệt khó khăn khác do dịch. Trên tổng số tiền phân bổ, tùy số lượng SV nộp hồ sơ, trường sẽ quyết định mức hỗ trợ cụ thể từ 50 – 100% HP của một học kỳ.
Ngoài giảm HP, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng hỗ trợ 1.000 SV có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Trường còn ưu tiên hỗ trợ người học có cha mẹ là lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết trường vẫn giữ nguyên mức thu HP của năm học 2020 – 2021. Đồng thời để san sẻ phần nào khó khăn của người học, trường cho phép SV có thể đóng HP vào cuối học kỳ, trước khi thi môn đầu tiên khoảng 2 tuần. Ngoài ra, gần 400 SV bị kẹt lại TP.HCM do dịch, trường hỗ trợ sinh hoạt phí 1,5 triệu đồng/người.
Bên cạnh quyết định không tăng HP, Trường ĐH Nha Trang hỗ trợ mỗi SV 100.000 đồng tiền học trực tuyến. Ngoài ra, theo TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường này: “Thời điểm dịch bệnh, trường sẽ gia hạn để SV có thể thi xong mới đóng HP”.