Kiểm soát dịch 7 quận, huyện vào cuối tháng 8
Giai đoạn 1 (từ ngày 15 – 31.8), TP.HCM đặt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; đồng thời tập trung mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh ở 4 quận: 5, 7, 11, Phú Nhuận; và 3 huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi.
Giai đoạn 2 (từ ngày 1 – 15.9), phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh toàn địa bàn với các chỉ tiêu cụ thể: giảm 20% số ca tử vong và ca trở nặng, mỗi ngày không quá 2.000 ca nhập viện, số ca nhập viện điều trị không vượt quá số ca xuất viện mỗi ngày, hơn 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.
Về giãn cách trong tháng cao điểm, ông Phong nói: “TP sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng được phép ra khỏi nhà”.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, TP tiếp tục tập trung toàn lực để thực hiện có hiệu quả các biện pháp đề ra.
Mở rộng trường hợp được hoạt động trong 1 tháng giãn cách xã hội
Tối 15.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16 từ ngày 16.8 đến hết ngày 15.9 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Cụ thể, trong khung giờ 6 – 18 giờ hằng ngày, các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…); các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân được hoạt động.
Nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP.Thủ Đức và giao nhận thanh toán không tiếp xúc; người đi giao – nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm. Tất cả đối tượng nêu trên phải có dấu hiệu nhận diện khi lưu thông trên đường theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí không quá 1/4 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (trước đây là 1/3) làm việc trực tiếp tại trụ sở; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế đảm bảo 100% quân số.
Về hoạt động sản xuất trong thời gian 1 tháng tới và nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, TP.HCM thống nhất mở ra 4 phương án để doanh nghiệp lựa chọn. Cụ thể, 4 phương án gồm: “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất); “1 cung đường – 2 địa điểm” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung); cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm”; hoạt động theo phương châm “4 xanh”: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
|
Từ 18 giờ – 6 giờ sáng hôm sau, UBND TP.HCM yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh tiếp tục tạm ngưng hoạt động. Các trường hợp được phép lưu thông gồm: đi tiêm vắc xin, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; nhân viên siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi; tổ bay và nhân viên phục vụ chuyến bay chở hàng, trang thiết bị, vắc xin; nhân viên doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ thiết yếu (lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế); nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế; nhân viên đơn vị cung cấp suất ăn cho bếp ăn từ thiện, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị và các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; báo chí, bưu chính; vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật…
Ra mắt trung tâm an sinh
Ngày 15.8, TP.HCM chính thức ra mắt Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (Trung tâm an sinh).
Trung tâm này sẽ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ; phối hợp rà soát nhu cầu, tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ đến những người dân nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch…; đồng thời kiểm tra, giám sát việc phân phối theo nguyên tắc “đúng đối tượng, đúng nhu cầu”. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM kiêm Giám đốc Trung tâm an sinh, cho biết trung tâm sẽ cố gắng hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, không để người lao động mất việc làm, lâm vào khó khăn cùng cực, trường hợp đặc biệt khó khăn như những người bán vé số, xe ôm, buôn gánh bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố, những người yếu thế trong xã hội…
Tại buổi lễ ra mắt Trung tâm an sinh, đại diện các doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 220 tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch của TP.HCM.
Hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm cho hoàn cảnh khó khăn
Chiều 15.8, sau khi thông tin về việc TP.HCM sẽ giãn cách xã hội thêm 1 tháng (đến ngày 15.9), Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm. Chủ trương của Thành ủy TP.HCM là không để ai thiếu đói và sẽ hỗ trợ gói an sinh xã hội bằng tiền mặt. Thời gian hỗ trợ là tháng 8 và 9.2021. Đồng thời, các địa phương tổ chức để bà con tiêm vắc xin. Kế hoạch hỗ trợ sẽ được các quận, huyện và TP.Thủ Đức thông báo sớm đến người dân.
|