Ăn mì gói, tranh thủ chạy về nhà ăn cơm
Vẫn rất tất bật với công việc hằng ngày, anh Vũ Duy Tân (27 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) vừa soạn hàng vừa kể lại hôm nay chưa kịp chuẩn bị nên anh vào cửa hàng tiện lợi mua mì gói rồi tấp vào lề đường ăn qua loa cho xong bữa vì hàng quán đóng cửa.
Anh Tân là shipper cho một công ty giao hàng trên đường Nguyễn Kiệm (P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), anh cho biết thường bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng đến tối mới về nhà. Khi hàng quán vẫn còn mở cửa, anh thường xuyên ăn cơm trưa tại các quán ăn. Khi hàng quán chỉ được phép bán mang về, anh Tân mua cơm rồi ghé chỗ vắng người ngồi ăn. Nay hàng quán đóng cửa, anh chỉ còn cách mua đồ ăn nhanh ở cửa hàng tiện lợi.
Shipper vẫn được đi làm nhưng đau đầu suy nghĩ trưa ăn gì
|
Anh cho biết vì còn độc thân lại không biết nấu ăn nên cơm nước ở nhà anh được mẹ lo. “Nay không kịp chuẩn bị chứ từ mai chắc nhờ mẹ nấu cơm để mang theo chứ ăn mì gói mãi chắc chết”, anh chia sẻ.
Đồng nghiệp của anh Tân, bà Nguyễn Thị Thủy (51 tuổi, ngụ Q.12) cũng bận rộn sắp xếp các kiện hàng vào túi để chuẩn bị đi giao hàng. Bà tâm sự vì thành phố giãn cách nhiều công ty đóng cửa nên đơn hàng giao cho khách cũng ít hơn.
Bà Thủy tranh thủ chạy về nhà ăn cơm khi có ít đơn hàng
|
Bà chia sẻ trước đây bà cũng thường xuyên nấu cơm đi làm nên cũng không lo lắng lắm. Lần này đóng cửa hàng quán hẳn, vì đã biết tin từ hôm qua nên sáng nay bà Thủy chủ động mang theo cơm. Nhưng là cơm nguội từ tối qua vì sáng không kịp nấu cơm.
“Hôm nay ít đơn hàng phải giao, giao xong hết nên tranh thủ về ăn cơm vì có con ở nhà nấu, từ mai chắc nấu cơm đem theo. Người ta thất nghiệp mình vẫn còn đi làm được cũng là may mắn rồi”, bà tâm sự.
“Cai”… trà sữa
Trà sữa là một món đồ uống được đặt với số lượng rất lớn thông qua các ứng dụng giao hàng trong khoảng thời gian hàng quán tại TP.HCM được phép bán mang về để phòng dịch Covid-19. Khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều người dân vẫn được đi làm tại công ty ngoài tự chuẩn bị cơm mang theo thì còn bất đắc dĩ phải “cai” trà sữa trong 15 ngày.
Anh N.T (nhân viên một ngân hàng tại Q.3) cho biết từ khi TP.HCM bùng phát dịch mạnh, ngân hàng của anh đã có thông báo nhân viên phải nấu cơm mang theo chứ không được đặt đồ ăn bên ngoài từ trước khi hàng quán phải đóng cửa. Anh giải thích, quy định của ngân hàng là để phòng dịch Covid-19 trong khi trước đó anh và đồng nghiệp vẫn có thể đặt đồ ăn gọi món tùy ý.
Nhiều người bắt đầu dậy sớm để nấu ăn mang đi làm
|
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Yến Thi (23 tuổi) cho biết đặc thù công việc của chị là phải làm việc tại văn phòng, mỗi ngày đều phải đi đi về về. Khi biết thành phố sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cũng như nhiều người khác chị khá lo lắng về chuyện đi lại. Chị Thi được cơ quan cấp cho giấy giới thiệu, trong giấy cũng ghi khá rõ về công việc để lực lượng chức năng hiểu.
Không những không đặt được đồ ăn ngoài, nhiều người còn phải “cai” trà sữa
|
Chị chia sẻ dù bình thường vẫn thường xuyên nấu ăn nhưng thỉnh thoảng thì vẫn hay đặt đồ ăn trong những ngày mà công việc gấp không có thời gian nấu nướng. Thêm nữa, chị rất thích uống trà sữa, hầu như mỗi ngày đều uống, nhưng quán trà sữa đều phải đóng cửa để phòng dịch nên chị phải tập quen dần hoặc thay đổi thói quen. Chị hài hước nói: “Biết đâu, sau thời gian giãn cách, mình “cai” được món này”.
“Bây giờ khi hàng quán đóng cửa thì mỗi ngày mình đều sẽ nấu ăn. Mình khá là thích nấu ăn và chăm chút cho những món ăn mình nấu. Khi ăn những món ăn mình nấu thì lúc nào cũng cảm giác ngon, an tâm hơn vì vừa vị và cũng an toàn, đảm bảo vệ sinh. Và mình dự định là trong thời gian hàng quán đóng cửa này mình sẽ học làm thêm một vài món mới, một vài món bánh, đồ ăn vặt hay đồ uống chẳng hạn, để có thế vượt qua những lúc không có trà sữa”, chị bày tỏ.