Năm 2019, Hà Nội có 2.855 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5 (khoảng 35,5 ca/100.000 dân). Hoàn Kiếm, Ba Đình là hai quận có tỷ suất tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí (ONKK) cao.
Bức ảnh miêu tả tầng không khí ô nhiễm đặc quánh trong một buổi chiều mùa hè nắng nóng cao điểm, khi mà bức xạ nhiệt, khói bụi từ hàng trăm ngàn ống xả đông cơ ô tô xe máy cộng với hiệu ứng đô thị tạo nên một lớp khói bụi bao phủ thành phố Hà Nội. Ảnh tư liệu: Lê Việt Khánh |
Nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm Hà Nội vượt quy chuẩn quốc gia
Theo báo cáo nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019 do nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng và Đại học công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội thực hiện, được điều phối bởi tổ chức Live and Learn (Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng), nồng độ bụi PM 2.5 trên toàn thành phố Hà Nội trung bình năm 2019 của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 μg/m3 – 39,4μg/m3, vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia (QCVN 05:2013/BTNMT, (25 μg/m3)) và tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Được biết, đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp, bao gồm Tổng cục môi trường Việt Nam, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội…
Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng là các quận có nồng độ PM2.5 cao nhất. Đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các huyện ngoại thành như Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây có nồng độ bụi PM2.5 thấp nhất.
Thực trạng chất lượng không khí tại Hà Nội. Nguồn: Live and Learn |
Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ thành phố Hà Nội đánh giá về thực trạng ONKK tại Hà Nội (sử dụng mô hình GAINS) công bố hồi cuối tháng 6, nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình năm 2015 của Hà Nội cao hơn 50 μg/m3, gấp đôi QCVN.
ONKK thường do các chất hạt, hạt bụi lơ lửng, các hạt bụi mịn PM 2.5, các chất khí và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Ở Hà Nội, các nguồn phát thải bụi mịn chính là từ đốt rơm rạ, giao thông, bụi đường, các hoạt động đốt rác thải rắn, làng nghề…
Hà Nội có gần 2.900 người tử vong vì ô nhiễm không khí
Năm 2019, thế giới có khoảng 6,67 triệu người chết do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong đó có 4,14 triệu ca tử vong do bụi PM 2.5. ONKK từ mụi PM 2.5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Trên thế giới đã có nhiều bằng chứng khoa học về tác động sức khỏe của ONKK do bụi PM 2.5 được nghiên cứu và công bố.
Đơn cử, nghiên cứu tại châu Âu đã cho thấy khi nồng độ bụi PM 2.5 trong phơi nhiễm ngắn hạn tăng thêm 10 μg/m3, số ca tử vong tăng 2,8 lần, đối với tác động dài hạn, nồng độ bụi PM 2.5 tăng 10 μg/m3 thì nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch và hô hấp tăng lên 1,6 lần.
Nghiên cứu tại Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia có mức độ ONKK cao cũng đã chỉ ra tác động dài hạn và mạnh hơn của ONKK lên các bệnh tim mạch và hô hấp.
Tại Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu về tác động của ONKK đến sức khỏe cộng đồng được thực hiện tại Hà Nội năm 2009, TP.HCM và Hải Phòng (năm 2007).
So sánh ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 và tác động đến sức khỏe của 3 quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Nguồn Live and Learn |
PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hạnh, Giảng viên môn sức khỏe môi trường, Đại học Y tế công cộng, cho biết các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, ONKK là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm tại Việt Nam. Đơn cử, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học năm 2016 cho thấy ONKK là nguyên nhân của khoảng 7 triệu ca tử vong trên thế giới và là nguyên nhân của khoảng 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư .
Bà Hạnh phân tích, mỗi ngày, con người hít thở từ 10.000- 20.000 lít khí tùy vào hoạt động thể lực của mỗi người. Bởi vậy những người sống tại những nơi có chất lượng không khí không đảm bảo, đặc biệt tại các khu vực có mật độ dân cư cao, có nhiều chất ô nhiễm đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cấp tính và mãn tính.
TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng nhóm nghiên cứu “Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019”, cho biết năm 2019, Hà Nội có 2.855 ca tử vong sớm do phơi nhiễm bụi mịn PM 2.5, chiếm khoảng 11% số ca tử vong sớm ở nhóm người trên 25 tuổi, tương đương 35,5 ca/ 100.000 dân. Ba Đình và Hoàn Kiếm là hai quận có tỷ suất tử vong sớm cao nhất với tỷ lệ là 59,8 và 55,3 trên 100.000 dân.
Trung bình mỗi năm có thêm khoảng gần 4.000 ca nhập viện do liên quan đến ONKK, trong đó 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp (*).
Nghiên cứu của WB chỉ ra, 40% dân số của Hà Nội, tương đương 3,5 triệu người năm 2015 bị ảnh hưởng bởi nồng độ bụi mịn PM 2.5, trong đó, khoảng 5.800 người tử vong do có liên quan tới ONKK. Còn tại Bắc Ninh, Hưng Yên, con số này là 1.700 người. Sáu bệnh thường gặp do phơi nhiễm bụi PM 2.5 gồm bệnh tim do thiếu máu cục bộ, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, những bệnh về hô hấp và tiểu đường tuýp 2.
Theo bà Nguyễn Thị Lê Thu, chuyên gia môi trường cao cấp của Ngân hàng thế giới, ONKK đang là thách thức y tế toàn cầu, trong đó có nhiều thành phố lớn ở khu vực châu Á và Việt Nam. Gánh nặng bệnh tật do liên quan đến không khí là rất lớn và làm gia tăng chi phí y tế và phúc lợi xã hội.
Một số chuyên gia cho biết, hiện nay có nhiều công cụ khác nhau để đánh giá gánh nặng bệnh tật do ONKK. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu trên sẽ củng cố các bằng chứng khoa học cho thấy tác động của ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đến sức khỏe cộng đồng, giúp các nhà quản lý về môi trường và người dân nhận thấy ONKK là một vấn đề không thể xem thường và cần thiết sớm có những giải pháp để quản lý và cải thiện chất lượng không khí.
(*) Nghiên cứu sử dụng giả định giá trị nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình năm thấp nhất của Hà Nội tại một vùng lý tưởng là 22,9μg/m3
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.