Các chuyên gia uy tín chia sẻ nhiều giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tọa đàm trực tuyến “Giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp”
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia gồm ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường; Ông Trịnh Văn Tuyên – Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN-MT.
Rác thải công nghiệp nguy hiểm thế nào?
Chuyên gia môi trường, GS Trịnh Văn Tuyên chia sẻ chất thải rắn công nghiệp bao gồm chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn công nghiệp nguy hại.
Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ tất cả các hoạt động kể từ khi bắt đầu thi công, xây dựng đến khi vận hành của các nhà máy, xí nghiệp, các cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp…
Các ngành công nghiệp phát sinh khối lượng lớn chất thải rắn công nghiệp như: nhiệt điện đốt than, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp luyện kim, công nghệ chế biến thực phẩm…
“Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt những trường hợp gây ô nhiễm môi trường do chất thải rắn công nghiệp như chất thải rắn của công nghiệp luyện gang thép, công nghiệp khoáng sản như chất thải của nhà DAP, vỡ hồ chứa chất thải tuyển gặng, mưa gây sạt lở đất đá khai thác than, khoáng sản, gây ô nhiễm bụi và nước ngầm của các bãi chứa tro xỉ nhiệt điện…”, GS Tuyên nêu dẫn chứng.
Xử lý rác thải là vấn đề nóng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. |
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích rác thải công nghiệp bao gồm 2 loại là chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trong đó, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.
Hiện nay, các quy định về quản lý chất thải nói chung, trong đó có chất thải rắn công nghiệp nói riêng được thể hiện rất rõ trong Luật bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 38 và Nghị định 40 của Chính phủ.
Theo đó, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải có trách nhiệm phân định, phân loại, lưu giữ, tự xử lý hoặc chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý theo quy định. Các chất thải công nghiệp thông thường được phép tận dụng để tái sử dụng, tái chế làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành khác.
“Cụ thể như làm tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện hoặc nếu hợp chuẩn, hợp quy để làm vật liệu xây dựng thì có thể làm các vật liệu xây dựng. Ngoài ra, nếu chúng ta quản lý tốt những loại chất thải này thì có thể tận dụng để làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành sản xuất”, ông Hiền nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Cũng có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT cho rằng có nhiều bài học nào trong thực tiễn minh chứng mạnh mẽ nhất cho sự cần thiết phải kiểm soát tình trạng ô nhiễm từ rác thải công nghiệp.
Các sự cố môi trường ở nước ta thời gian qua như sự cố Formosa năm 2016 ; nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2015 kể từ khi các nhà máy thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động. Người dân sinh sống tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân luôn đặt trong trạng thái báo động về ô nhiễm môi trường.
“Bởi lẽ trong quá trình vận hành, các nhà máy điện than này đã thải ra số lượng khổng lồ tro, xỉ nhưng vẫn loay hoay, chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Tình trạng phát tán tro, xỉ, nhất là khi mùa gió chướng thổi mạnh, khiến người dân phải sống chung với bụi than rất khó chịu, cuộc sống bị đảo lộn nên vô cùng lo lắng. Chính vì vậy, một yêu cầu được đặt ra là phải làm tốt việc xử lý chất thải tro xỉ, vấn đề được xã hội rất quan tâm; các vụ xả thải gây chết cá trên sông Bưởi, sông La Ngà…
Ngoài những thiệt hại lớn về kinh tế, các sự cố môi trường cũng tạo cớ để gây những vụ chống đối, mất trật tự an toàn xã hội, những phần tử quá khích chống lại chính quyền và các cơ quan chức năng”, ông Thắng nêu.
GS Trịnh Văn Tuyên – Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam |
Bình luận thêm, GS Trịnh Văn Tuyên cho biết chất thải rắn công nghiệp được xử lý bằng nhiều công nghệ khác nhau tùy theo mục đích, khối lượng và thành phần chất thải. Chất thải rắn công nghiệp có đặc điểm là có khối lượng lớn, thành phần tính chất tương đối là ổn định.
Một đặc điểm nữa là thường được thu gom và quản lý, phân loại thành Chất thải rắn công nghiệpthông thường và Chất thải rắn công nghiệp nguy hại. Hầu hết các giải pháp công nghệ đều được sử dụng: chôn lấp, đóng rắn, thiêu đốt, ủ sinh học và gần đây, được tái chế nhiều hơn.
“Lấy ví dụ về chôn lấp hay lưu giữ ở các hồ chứa tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, tuyển gặng hoặc chôn lấp chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ.
Chất thải được xử lý bằng thiêu đốt như chất thải nguy hại nhiễm dầu, Chất thải rắn công nghiệp da giầy, bùn thải của các nhà máy XLNT công nghiệp, ủ sinh học những thành phần hữu cơ như của các nhà máy chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, chế biến nông lâm sản…
Chất thải rắn công nghiệp thường được tái chế nhiều hơn do thành phần, tính chất ổn đinh, chỉ những thành phần không thể tái chế được mới đem xử lý bằng chôn lấp, hoặc thiêu đốt”, GS Trịnh Văn Tuyên nêu.
Chuyên gia Trịnh Văn Tuyên cũng cho rằng có thể nói nhiều về các mặt tích cực của các làng nghề này như làm giảm lượng chất thải, giảm chôn lấp, thu được tài nguyên từ chất thải, giảm chi phí xử lý chất thải, tăng hiệu quản kinh tế và tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động…
Tuy nhiên, do công tác quản lý và các yếu tố về kỹ thuật còn hạn chế nên “những cỗ máy” tái chế chất thải này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, một số trường hợp rất nghiêm trọng.
Giải pháp nào?
Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN-MT thông tin hiện nay Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu phế liệu để tái chế do nguồn cung trong nước chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN-MT. |
Hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hay nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường.
Mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 quy định máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường bị cấm nhập khẩu, song hàng năm, vẫn có lượng lớn hàng hóa các loại nhập khẩu vào Việt Nam, biến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp của thế giới nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
“Như vậy, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này cần có trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đảm bảo điều kiện về Bảo vệ Môi trường theo quy định pháp luật (Thông tư 41/2015/TT-BTNMT). Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng (TCMT, cơ quan hải quan, Sở TNMT) để theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, qua đó kiểm soát chặt chẽ việc phá dỡ, thu hồi phế liệu, xử lý và tiêu hủy chất thải theo đúng quy định; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm; tập trung xử lý dứt điểm các container phế liệu, rác thải không đáp ứng yêu cầu về vảo vệ môi trường đang tồn đọng tại các cảng biển.
Về vấn đề đặt ra là kiểm soát nhập khẩu, hiện nay thực hiện việc cấp phép và ký quỹ nhập khẩu phế liệu”, ông Thắng nêu.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết hiện có rất nhiều những công cụ pháp lý để quản lý rác thải công nghiệp. Nhưng trên thực tế thời gian qua, vẫn liên tiếp có những vụ xả trộm rác thải, chất thải công nghiệp được người dân phản ánh, thậm chí gây những hệ lụy không nhỏ ra môi trường.
Lý giải vấn đề này, ông Thắng cho rằng những vụ việc xả trộm rác thải, chất thải công nghiệp cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp còn hạn chế; chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe để ngăn chặn các hành động như vậy.
“Cần nâng mức xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm”, ông Thắng đề xuất.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Việt Nam đang là mảnh đất hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư đang khiến chúng ta phải lo ngại trước nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ. GS Trịnh Văn Tuyên cho rằng đó là thực tế đã và đang xảy ra.
“Có những công nghệ đã quá lạc hậu. Thậm chí, thiết bị hoạt động đã cũ, được tháo dỡ từ quy trình sản xuất cũ, mang sang Việt Nam nhưng vẫn được nâng giá cao hơn thực tế. Nâng chi phí đầu tư, nâng chi phí khấu hao, bảo dưỡng thiết bị.
Đặc biệt nguy hại hơn là không đảm bảo các tiêu chuẩn xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, việc thẩm định công nghệ phải được làm tốt, các chuyên gia, thành viên hội đồng thẩm định phải giỏi, tinh thần làm việc phải công tâm, khách quan.”, GS Tuyên nêu quan điểm.
Vì vậy, giảm thiểu rác thải công nghiệp không chỉ là câu chuyện của riêng cơ quan quản lý mà còn có cả nhiệm của doanh nghiệp.
Xử lý chất thải công nghiệp, tái chế chất thải công nghiệp hiện nay được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vì họ được trả phí xử lý chất thải, họ lại được thu tiền từ các sản phẩm tái chế.
“Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nghiêm chỉnh chấp hành các thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải có trách nhiệm với môi trường của người sản xuất, môi trường xung quanh và các tiêu chuẩn xả thải theo quy định của các cơ quan quản lý môi trường Trung ương và địa phương”, GS Tuyên bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT cho biết theo Luật BVMT 2020, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải.
Với chất thải rắn thông thường, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sử dụng, xử lý
Ngoài các trách nhiệm về phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định về trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân trong việc thu gom, tái chế, xử lý chất thải.
Tọa đàm trực tuyến “Giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp” nhận được sự đồng hành của đơn vị quảng cáo bạc: Tổng Công ty CP Rượu – Bia – NGK – Hà Nội; cùng các đơn vị quảng cáo truyền thông khác: Công ty Vạn Lợi, Công ty CP phát triển và đầu tư công nghệ cao Việt Nam… |
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.