Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 19.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:
Ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao chưa từng thấy
Bản tin Bộ Y tế tối 19.8 cho biết tính từ 18h30 ngày 18.8 đến 19h ngày 19.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.654 ca nhiễm mới. Đây là ngày ghi nhận nhiều ca bệnh nhất tại Việt Nam kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.
Có 5.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 19.8.
Ngày 19.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 380 ca tử vong tại 8 tỉnh, thành phố, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 7.150 ca.
Thông tin về 10.654 ca nhiễm Covid-19 mới được công bố ngày 19.8 gồm:
– 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
– 10.639 ca ghi nhận trong nước (trong đó có 6.407 ca trong cộng đồng), gồm: TP.HCM (4.425), Bình Dương (3.255), Đồng Nai (657), Long An (545), Tiền Giang (478), Đồng Tháp (185), Đà Nẵng (164), Khánh Hòa (151), Cần Thơ (134), Tây Ninh (102), An Giang (70), Vĩnh Long (60), Hà Nội (53), Trà Vinh (51), Nghệ An (45), Phú Yên (44), Bình Thuận (43), Sơn La (26), Quảng Nam (24), Bình Định (24), Kiên Giang (17), Quảng Ngãi (16), Quảng Trị (9), Bình Phước (8 ), Bắc Giang (7), Ninh Thuận (7), Hà Tĩnh (7), Hậu Giang (6), Thanh Hóa (6), Bắc Ninh (4), Nam Định (4), Quảng Bình (4), Hải Dương (2), Ninh Bình (2), Bạc Liêu (2), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1).
– Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. Tại TP.HCM tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca.
– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 312.611 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).
– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 308.559 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (164.542), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Bắc Giang (5.802).
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 120.059 ca.
– Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 660 ca.
– Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.
Ngày 19.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 380 ca tử vong tại 8 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (307), Bình Dương (45), Long An (17), Cần Thơ (3), Bến Tre (2), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Vĩnh Long (2).
– Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 19.8 là 7.150 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
– Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.878.290 mẫu cho 25.762.113 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 15.922.537 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.359.868 liều, tiêm mũi 2 là 1.562.669 liều.
Thủ tướng: “Tiếp tục chi viện cho TP.HCM và các tỉnh miền Nam”
Sáng 19.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch, nhưng ông đã tranh thủ dành ít phút đầu để phát biểu về công tác phòng chống dịch Covid-19 trước sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các địa phương.
Thủ tướng cho rằng, hiện các địa phương đang triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 86 của Chính phủ, Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn.
Thủ tướng lưu ý, phải thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly giữa người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh, “ai ở đâu ở đó” thì mới có thể cách ly được nguồn lây, kiểm soát lây nhiễm. Để làm tốt việc giãn cách, cần lo cho dân, bảo đảm không ai bị thiếu ăn thiếu mặc, bảo đảm nhu cầu y tế của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Đồng thời, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch.
“Việc giãn cách xã hội còn kéo dài trong khi nguồn lực con người, vật chất đều có hạn, nhất là các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã làm việc hết sức mình trong thời gian dài, phải quá tải. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh ở địa phương mình, tiếp tục chi viện, ủng hộ, giúp đỡ TP.HCM và các tỉnh miền Nam cả về con người và cơ sở vật chất theo tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì TP.HCM”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải thể hiện tình đoàn kết, thống nhất, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Nhắc lại việc trước đây, cả nước đã vì Bắc Ninh, Bắc Giang để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh thì bây giờ cả nước vì TP.HCM và các tỉnh phía nam.
“Tôi đề nghị chuẩn bị sẵn sàng để khi nào cần là có thể điều ngay, nhất là về lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng viên; cần nâng cao trình độ tay nghề về hồi sức cấp cứu mà các tỉnh, thành phố phía nam đang có nhu cầu rất lớn. Kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở miền Nam thì chúng ta mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước”, Thủ tướng nhắc lại.
Hơn 1 triệu người lao động đã tiêm vắc xin phòng Covid-19
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27.4 đến nay), có hơn 1,3 triệu NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; có 1.013 doanh nghiệp với 84.034 NLĐ vừa cách ly, phong tỏa vừa sản xuất. 29.910 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) mắc Covid-19 tại 50 tỉnh, thành, chiếm 11,44% tổng số ca nhiễm trên cả nước.
Ngoài ra, 99.884 CNVCLĐ là F1 và 390.328 CNVCLĐ trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Đáng chú ý, đã có 1,06 triệu đoàn viên, NLĐ tại 7.941 đơn vị, doanh nghiệp đã được tiêm vắc xin, trong đó 437.433 người là công nhân lao động thuộc 921 doanh nghiệp.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho hay nhiều địa phương đã ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân. Một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh có tỷ lệ tiêm cho công nhân cao. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ bao phủ vẫn ở mức thấp. Tổng LĐLĐ Việt Nam rất mong các địa phương, nhất là những địa phương đang bùng phát dịch Covid-19 ưu tiên vắc xin cho công nhân để họ yên tâm ở lại sản xuất.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định từ nay đến cuối năm, nếu dịch bệnh vẫn phức tạp, số NLĐ mất việc làm sẽ tiếp tục gia tăng, đời sống của NLĐ khó khăn hơn. Vì vậy, ngoài các gói hỗ trợ chung của Chính phủ, hỗ trợ riêng của các địa phương và tổ chức đoàn thể, rất cần sự chung tay của cả xã hội để hỗ trợ NLĐ.
Đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói cho hơn 8,6 triệu người trong dịch Covid-19
Ngày 19.8, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân và người lao động, đặc biệt đối với những người bị giãn, hoàn, ngừng việc, bị mất việc, mất thu nhập… không đảm bảo được đời sống có nguy cơ bị thiếu đói.
Bộ LĐ-TB-XH đã nhận được công văn của 24 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội đề nghị Bộ đề xuất Thủ tướng hỗ trợ tổng số hơn 216.618 tấn gạo cứu đói cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu có nguy cơ bị thiếu đói do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 năm 2021.
Trong đó, Đắk Lắk đề xuất hỗ trợ 534,3 tấn gạo; Đắk Nông 577,1 tấn; Đồng Tháp 5.883,4 tấn; Tây Ninh 336,2 tấn; Cà Mau 2.862,3 tấn; Vĩnh Long 2.103,1 tấn; Long An 807 tấn; TP.HCM 71.104,9 tấn…
Để không ai bị thiếu đói, Bộ LĐ-TB-XH đã xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hơn 130.175 tấn gạo cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu thuộc 24 tỉnh, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Mức hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu là 15 kg gạo trong thời gian 1 tháng.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, sau khi thực hiện hỗ trợ 1 tháng mà vẫn còn khó khăn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có văn bản gửi Bộ cũng như Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục hỗ trợ.
Trước đó, ngày 16.8, Thủ tướng đã quyết định xuất cấp hơn 4.117 tấn gạo hỗ trợ cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 cho 3 tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Tủ thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà cần có gì?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khi có triệu chứng sốt, đau đầu, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau như Paracetamol hoặc Ibuprofen. Có thể uống xen kẽ 2 loại thuốc này. Tuy nhiên, Ibuprofen có tác dụng giảm đau tốt hơn.
Bác sĩ Khanh lưu ý người bệnh không được uống cùng lúc 2 viên Paracetamol biệt dược khác nhau. Chỉ dùng tối đa 500 mg/lần, và uống trở lại sau 4 – 6 tiếng nếu còn sốt. Người có cân nặng trên 60 kg có thể uống 600 mg/lần.
F0 cũng thể có thể trang bị một số loại thuốc ho có thành phần thảo dược, thuốc ho dành cho trẻ em hoặc các loại thuốc ho dạng siro như Prospan, Theralene để dùng khi có dấu hiệu đau họng, ho.
Một trong những biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân Covid-19 là tiêu chảy. Một số loại thuốc dùng để hỗ trợ tiêu hóa được bác sĩ Trương Hữu Khanh gợi ý là Smecta và Hidrasec. Ngoài ra, có thể sử dụng Spasmaverine để giảm đau bụng, đau thắt ở vùng bụng dưới. Người bệnh cũng có thể uống trà gừng để cải thiện quá trình trao đổi chất, hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, tăng cường miễn dịch.
Bệnh nhân mất ngủ do lo lắng, mệt mỏi có thể sử dụng các loại thuốc an thần có nguồn gốc thảo dược như Mimosa, Rotunda để có giấc ngủ tốt hơn. Người bệnh cần lưu ý sử dụng thuốc theo chỉ định có trên bao bì hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Đối với thuốc kháng viêm, kháng đông dạng uống, cần phải có chỉ định từ bác sĩ. Theo cập nhật mới nhất từ Sở Y tế về hướng dẫn chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà, 2 loại thuốc này được dùng cho bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp, khi chỉ số SpO2 dưới 95% và có các dấu hiệu khó thở, nhịp thở nhanh.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế, thuốc kháng viêm Dexamethasone liều dùng cho người lớn là 6 mg/lần/ngày, với trẻ em là 0,15 mg/lần/ngày sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng). Trong trường hợp không có, có thể thay thế bằng Prednisolone hoặc Methylprednisolone. Prednisolone liều dùng cho người lớn là 40 mg/lần/ngày, trẻ em 1 mg/lần/ngày sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng). Methylprednisolone liều dùng 2 lần/ngày cách nhau 12 tiếng, đối với người lớn là 16 mg/lần, với trẻ em là 0,8 mg/lần sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối). Người bệnh dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày khi dùng kháng viêm.
Kháng đông dạng uống Rivaroxaban chỉ dùng cho người trên 18 tuổi và sử dụng thận trọng nếu bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên, liều 10 mg, uống 1 lần/ngày. Có thể thay thế bằng Apixaban liều 2,5 mg, uống 2 lần/ngày. Hoặc Dabigatran liều 220 mg, uống 1 lần/ngày. Phụ nữ có thai và cho con bú, người có tiền sử suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu hoặc có các bệnh lý dễ chảy máu không được sử dụng thuốc.
Lưu ý, thời gian tối đa sử dụng kháng viêm và kháng đông dạng uống là 7 ngày.
Nỗi nhớ gia đình của CSGT TP.HCM chống dịch 2 tháng không về
19 năm vào ngành, nhưng có lẽ 19.8 năm nay là ngày kỷ niệm lực lượng đặc biệt nhất với thiếu tá Lê Hoàng, cán bộ đội CSGT – TT Công an Q.Tân Bình và đồng nghiệp. Hơn 2 tháng TP.HCM căng mình chống dịch Covid-19 là ngần đó thời gian anh chưa được về nhà, chưa được gặp gia đình.
Để tăng cường lực lượng và đảm bảo an toàn phòng dịch, CSGT – Trật tự Công an Q.Tân Bình được huy động trực 100%. Sau giờ trực ở chốt kiểm soát hay tuần tra trên đường, cán bộ chiến sĩ về nghỉ tại nhà tập thể của đơn vị, luôn trong tâm thế sẵn sàng được điều động.
Thiếu tá Lê Hoàng cho biết, gần 20 năm vào ngành, đây là thời gian anh phải xa gia đình lâu nhất. Những ngày dịch bệnh phức tạp, anh căng mình tuần tra kiểm soát trên đường dưới nắng gắt, kiểm tra giấy tờ người đi đường. Hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người, ngoài mang khẩu trang, bao tay, anh cũng liên tục xịt khuẩn cho mình và đồng nghiệp vì chẳng biết ai là F0.
Cũng vì dịch, các chốt kiểm soát được lập nên để kiểm soát người dân ra đường không lý do nên công việc của thiếu tá Lê Hoàng lại bận rộn hơn.
2 tháng trời, anh chỉ gặp 2 con của mình qua màn hình điện thoại
Những ngày này, nỗi lo toan của thiếu tá Hoàng càng thêm chất chồng khi ba anh ở nhà cũng vừa nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Nhận tin, anh chỉ có thể vội chạy đi mua một số loại thuốc, nước súc miệng, mang về tới đầu ngõ gọi em trai ra lấy chứ không vào nhà được.
19 năm vào ngành, và 19.8 năm nay là ngày kỷ niệm đặc biệt nhất với anh…
Ngày nào cũng bị cuốn vào công việc, vào các ca tuần tra trên đường, anh Hoàng cho hay, lúc này, đường phố đã dần đông đúc hơn, anh và đồng đội chỉ mong sớm hết dịch để cuộc sống trở về bình thường và những người làm nhiệm vụ được về với gia đình.
Đám cưới online thời Covid của cặp đôi Việt ở Hàn Quốc
Vào ngày 7.8.2021 vừa qua, cặp đôi Phương Thảo (24 tuổi, quê ở Nghệ An) và Đăng Khoa (28 tuổi, quê ở Đà Lạt) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc tổ chức một lễ cưới đầm ấm đặc biệt.
Bố mẹ hai bên gia đình và bạn bè ở Việt Nam đều tham dự đám cưới qua ứng dụng gọi video Zoom.
Đám cưới diễn vào lúc 7 giờ 30 phút sáng theo giờ Hàn Quốc và khoảng 5 giờ 30 phút tại Việt Nam. Thầy giáo người Hàn Quốc của Đăng Khoa làm chủ hôn. Do dịch Covid-19 nên cả hai đã không thể trở về Việt Nam làm đám cưới truyền thống, do vậy, hai bạn trẻ đã xin ý kiến bố mẹ để tổ chức một đám cưới nhỏ ngay tại nhà.
Bố mẹ ở Việt Nam và bạn bè tham dự đám cưới qua ứng dụng gọi điện Zoom
|
Có tất cả 30 khách mời là bạn bè của hai vợ chồng tham dự lễ cưới qua mạng. Cả hai vợ chồng cảm thấy may mắn vì mặc dù thời gian diễn ra khá sớm so với giờ Việt Nam những vẫn nhận được nhiều lời chúc ý nghĩa từ bạn bè.
Cặp đôi được bạn bè yêu mến và dành nhiều lời khen vì sự dễ thương. Tối 17.8, phóng viên Thanh Niên đã kết nối được với cặp đôi này để tìm hiểu về đám cưới đặc biệt thời Covid-19 và chuyện tình đáng yêu của hai bạn trẻ.
|
“Có cái giờ làm đám cưới của tụi mình rất sớm, ở bên Hàn tầm 7 giờ 30 thì Việt Nam tầm 5 giờ 30 phút. Rất may mắn, bạn bè cũng thương ngồi coi chụp hình lại và bình luận dễ thương quá”, chú rể Đăng Khoa chia sẻ.
Tổ chức đám cưới tại nơi đất khách với điều kiện thiếu thốn, tuy nhiên cặp đôi Việt vẫn cố gắng chuẩn bị tươm tất nhất có thể cho ngày trọng đại.
Đăng Khoa kể: “Cái ngày mình làm đám cưới thì mình qua nhà bạn ngủ. Sáng hôm đấy xuất phát từ nhà bạn, đi đón chủ hôn về, xong chở chủ hôn lên nhà, mới nhờ bạn bưng mâm quả để sẵn bên ngoài nhà bưng vào. Có 3 người bưng vào xong đưa cho nữ bên này, rồi lại chạy ra bưng 3 mâm quả khác bưng vào”.
Cả hai quen nhau được 3 năm, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc
|
Đăng Khoa vừa là con út, vừa là con trai duy nhất trong một gia đình ở Đà Lạt. Vì vậy, khi hay tin con muốn tổ chức đám cưới qua mạng, bố mẹ ban đầu không thật sự đồng tình mà muốn hai con tổ chức tại Việt Nam để có thể đến góp mặt, chúc phúc.
“Sau bố mẹ cũng cảm thấy tình hình dịch bệnh rất căng. Dạo gần đây dịch bệnh bắt đầu tăng lên rồi. Tụi mình nhắm nhắm nếu có đỡ phải 1-2 năm nữa mới có thể tiến hành lễ được, nên ba mẹ mới nhắn thôi tiến hành luôn đi. Cưới vợ phải cưới liền tay, thế là cưới luôn”, chú rể hạnh phúc nói.
Phương Thảo (24 tuổi, quê Nghệ An) còn Đăng Khoa (28 tuổi, quê ở Đà Lạt – Lâm Đồng)
|
Cô dâu Phương Thảo, 24 tuổi theo học phiên dịch biên và phiên dịch tiếng Anh, tiếng Hàn và vừa tốt nghiệp đại học. Cô có khoảng thời gian 5 năm ở Hàn Quốc trong khi Đăng Khoa cũng có 4 năm học tập và làm việc tại đây. Nói về cảm xúc trong lễ cưới đặc biệt, Phương Thảo vẫn không khỏi xúc động.
Thảo và Khoa quen nhau cách đây gần 3 năm tại Hàn Quốc. Chú rể mất đến 2 tuần để gây ấn tượng với cô dâu trên mạng xã hội. Trong buổi gặp đầu tiên, cặp đôi đã gặp gỡ và đi bộ đến 4 giờ sáng. Theo Đăng Khoa chia sẻ, anh chàng chưa bao giờ được trò chuyện vui vẻ và thoải mái như vậy. Từ đó, cả hai bắt đầu giữ liên hệ và có những chuyến đi thân thiết với nhau nhiều hơn. Sau thời gian tìm hiểu, Khoa dẫn Thảo về ra mắt bố mẹ, sau đó cả hai cùng qua Hàn Quốc sinh sống và làm việc chung.
Cặp đôi cũng mong muốn sẽ sớm được quay về Việt Nam khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát để có thể tổ chức một đám cưới trọn vẹn, với sự tham gia đầy đủ của hai bên gia đình, bạn bè.
Đăng Khoa cho biết: “Mình rất thích đồ truyền thống của Việt Nam, mình thích mặc áo dài ngũ thân nên rất muốn được tổ chức tại Việt Nam và mặc áo dài truyền thống và được có gia đình, bạn bè bên cạnh”.
Trong khi đó, Phương Thảo cho biết: “Khi đợt dịch này qua đi, hai đứa về Việt Nam và tổ chức lại lễ cưới truyền thống, có đầy đủ bố mẹ, bạn bè vì bạn bè hai đứa đều ở Việt Nam. Còn việc tụi mình đám cưới bên này giống như một sự gắn kết với nhau, tạm thời như vậy đã…”.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 19.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.