Ngày 21.8, dầu thô WTI của Mỹ tiếp tục giảm, mất 39 cent, đóng phiên cuối tuần ở mức 61,68 USD/thùng. Dầu Brent cùng lùi 18 cent về đúng mốc 65 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này giảm mạnh kết thúc phiên khuya 20.8. Dầu WTI mất 1,37 USD (tương đương 2,2%) xuống 62,32 USD/thùng. Dầu Brent lùi 1,27 USD (tương đương 1,9%) xuống 65,18 USD/thùng.
Như vậy, trong tuần này, sau 7 phiên giảm liên tiếp, dầu thô Mỹ WTI đã lao dốc kỷ lục hơn 9%, dầu Brent chuẩn toàn cầu cũng mất hơn 8%.
Biến thể Delta được coi là “thủ phạm” gây biến động trên thị trường dầu thô thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới đang ứng phó với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 bằng cách áp thêm các lệnh hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan khiến giá dầu tụt giảm liên tiếp. Đến nay, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm nghiêm ngặt hơn tại các cảng biển, khiến hàng hóa tại cảng lại đối diện nguy cơ ùn ứ như năm ngoái. Úc cũng tăng siết bằng các lệnh hạn chế đi lại.
Trên MarketWatch, thông tin cho thấy, biến thể Delta đã khiến một số quốc gia áp đặt những hạn chế mới đối với việc di chuyển, các công ty trì hoãn việc đưa người lao động trở lại văn phòng. Hãng Apple Inc và Charles Schwab tại Mỹ là 2 trong số những công ty đã lùi làm việc tại văn phòng. Bloomberg đưa tin Apple dự kiến có thể đưa công nhân trở lại làm việc đầu năm sau 2022.
Trong khi đó, các dự báo tiếp tục cho rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu đang giảm và sẽ giảm tiếp trong thời gian tới. Tồn kho dầu tại các quốc gia phát triển đang ở mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua và các nhận định cho rằng, khó để tìm sự sự hỗ trợ nào cho giá dầu trong tình hình “không chắc chắn” này.
Trong nước, ngày 21.8, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON92 giá 20.498 đồng/lít, xăng RON 95 21.681 đồng/lít, dầu diesel 16.173 đồng/lít, dầu hỏa 15.179 đồng/lít và dầu mazut 15.405 đồng/kg.