Không mua máy tính thì con lấy gì học!
Chị Ngô Thị Huynh (ngụ 58 Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM) đưa 2 con trai của mình (lớp 7 và lớp 4) về quê ở Quảng Ngãi tránh dịch Covid-19 từ đầu tháng 5. Nay sắp vào năm học mới với kế hoạch học trực tuyến, nhưng dịch chưa hết, 2 con vẫn ở quê với bà ngoại, chị Huynh đau đầu tính chuyện học hành của con.
“Nếu như các con ở trong này thì tôi chỉ phải mua một chiếc máy tính nữa thôi vì nhà có một chiếc rồi, nhưng con ở quê, nhà có mỗi bà ngoại không xài máy tính. Học bằng điện thoại thì con bị nhức mắt, hại mắt lắm. Suy nghĩ nát óc tôi đành phải quyết định mua 2 chiếc máy tính xách tay, vì chúng không thể dùng chung do cùng học một khung giờ. Thôi thì bấm bụng đầu tư luôn, vì dự đoán dịch bệnh còn kéo dài, trước sau gì các con cũng phải có phương tiện này để học tập”, chị Huynh kể.
Vậy là chị Huynh phải nhờ một người bạn ở quê liên hệ chỗ bán máy tính để mua giùm. Sau khi chuyển 28 triệu đồng cho bạn mua máy, chị Huynh vẫn còn băn khoăn: “Có máy rồi, không biết các con có tự vào học được không khi không có mẹ ở bên cạnh hỗ trợ. Bà ngoại thì lớn tuổi không rành về công nghệ”.
Phụ huynh lo không đủ máy tính để con học trực tuyến
|
Trong khi đó, gia đình Hồ Minh Quang (ngụ chung cư Screc, Q.3) có tới 3 con đang theo học lần lượt các lớp 1, 5, 7. Anh Quang đang “đau đầu” vì sắp tới nếu cả 3 cùng học trực tuyến. “Hiện nhà có một một máy tính xách tay và 2 chiếc điện thoại thông minh. Nếu để các con phải học bằng điện thoại thì về lâu dài không ổn, rất đau mắt và khó chịu vì màn hình nhỏ. Không mua máy tính thì con lấy gì học, mà mua thêm máy tính thì tiền đâu. Mấy tháng nay vì dịch nên thu nhập của chúng tôi hầu như rất ít ỏi, hiện cả nhà đang phải rất tiết kiệm”, anh Quang cho biết.
Anh Quang còn lo ngại gia đình có tới 7 người, nhà lại chỉ 70 mét vuông nên sắp tới để đảm bảo các con có không gian yên tĩnh tập trung cho việc học, anh Quang phải chia ra: con lớn nhất ở phòng khách, 2 con nhỏ hơn cho sở hữu 2 phòng ngủ. “Còn ông bà, cha mẹ lúc đó chắc phải tập trung ngồi yên ở bếp không đi lung tung để cho các con học quá”, anh Quang hài hước nói.
Lo con không có ai kèm
Chị Bùi Thị Lệ Quyên, ngụ tại lô A, Chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM cũng cho con (năm nay vào lớp 1) về Bà Rịa – Vũng Tàu tránh dịch từ tháng 5. Đến nay do đang thời gian giãn cách xã hội không thể đón con về lại TP.HCM, nên tạm thời tiếp tục để con ở nhà ngoại. Chị Quyên bày tỏ: “Con mới vào lớp một thì bỡ ngỡ đâu biết gì đâu. Ông bà ở quê cũng không hiểu biết gì nhiều về máy tính, điện thoại hay internet. Ông bà chỉ lo được việc ăn uống, ngủ nghỉ cho con thôi. Tôi cũng có em gái ơ gần đó nhưng em cũng phải chăm sóc gia đình, hướng dẫn con cái học, đâu thể giúp con mình được. Hiện vợ chồng tôi đang suy tính xem nên như thế nào. Trước mắt có lẽ sẽ mượn máy tính của người thân để cho cháu học. Nhưng cũng chưa hình dung được là làm sao để cháu có thể học được đây khi còn quá nhỏ lại không có người hướng dẫn. Bình thường có ba mẹ mà con còn không tập trung được”.
Học sinh những lớp đầu cấp tiểu học cần có phụ huynh hướng dẫn khi học trực tuyến
|
Vì thế, chị Quyên đang tìm hiểu quy trình đăng ký về quê theo chủ trương của tỉnh, chấp nhận cách ly tập trung 21 ngày rồi về nhà cùng con. “Cách ly vậy lại thêm nỗi lo là có khả năng sẽ vô tình tiếp xúc phải F0, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Quá nhiều nỗi lo lắng lúc này”, chị Quyên chia sẻ.
Chị Đỗ Thị Chí Ái, ngụ lô A, Chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, có con thứ 2 năm nay lên lớp 4 cũng đang ở với ông bà ngoại ở huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông tránh dịch Covid-19. Chị Ái cho hay: “Bé có mang theo ipad nên nếu học trực tuyến thì sẽ học bằng ipad. Tuy nhiên, ông bà lớn tuổi lại không có nhiều thời gian, bác của bé thì bận buôn bán và chăm con nhỏ. Tôi lo bé còn nhỏ, chưa ý thức tự giác được nên việc học trực tuyến sẽ rất khó khăn vì không có ai hỗ trợ kèm cặp”.
Tuy nhiên, chị Ái cho rằng chị cũng sẽ vẫn động viên con học “cho vui” chứ không kỳ vọng nhiều vào kết quả của việc học trực tuyến. “Nếu kiến thức ổn lên lớp được thì lên lớp, không thì hết năm tôi cũng xin cho con học lại lớp 4. Vì tôi vẫn không tin học trực tuyến sẽ tiếp thu được đầy đủ kiến thức. Kiến thức không vững mà lên lớp thì khổ con lắm”, chị Ái bày tỏ.