Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đánh giá sơ bộ về mùa giải 2021 như sau: Ngày 5, 6.5, tình hình dịch bệnh Covid-19 tái diễn trở lại ở nhiều địa phương, Ban điều hành giải phải ra thông báo tạm hoãn các giải gồm V-League 2021 từ lượt 13 giai đoạn 1, giải hạng nhất từ lượt 8 giai đoạn 1 (vòng 7 hoãn 1 trận), Cúp quốc gia từ các trận đấu vòng 1/8.
Tính đến ngày 6.5.2021, các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021 đã diễn ra tổng cộng 137 trận đấu, gồm: Trận Siêu cúp quốc gia 2020; 84/134 trận đấu V-League; 41/114 trận hạng nhất; 11/26 trận Cúp quốc gia.
Các ảnh hưởng của việc hủy giải đấu đã được VPF phân tích như sau: VPF sẽ phải xây dựng các phương án xử lý những khủng hoảng thiệt hại từ các ràng buộc trong các hợp đồng kinh tế với 5 nhà tài trợ và 3 đối tác.
Với mục tiêu đảm bảo tối thiểu thiệt hại cho các giải, VPF sẽ đàm phán với các nhà tài trợ, đối tác để thỏa thuận về giá trị tài trợ khi giải đấu bị hủy, không thể tiếp tục triển khai đầy đủ các quyền lợi như đã cam kết tại hợp đồng. Khó khăn nhất sẽ là việc đàm phán với đối tác LS đến từ Hàn Quốc.
Cả CLB V-League và hạng nhất đều không muốn mùa giải 2021 hoãn đến tháng 2 năm sau
|
Những thiệt hại về doanh thu của VPF năm 2021 chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng và còn có thể kéo dài trong những năm tiếp theo. Điều VPF quan ngại nhất là giải đấu mất đi sự tài trợ của các thương hiệu nước ngoài, có uy tín trên thế giới, giúp hình ảnh giải đấu nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung được lan tỏa rộng hơn.
Việc hủy giải vì lý do bất khả kháng, nhưng cũng đã phần nào gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, kế hoạch truyền thông, quảng cáo của các đối tác tài trợ bị ảnh hưởng, có thể tạo thành lý do để các nhà tài trợ, đối tác giảm giá trị của giải đấu trong tiến trình đàm phán, tìm kiếm các đối tác tài trợ cho mùa giải kế tiếp.
Có thể mùa giải 2022 sẽ khởi tranh vào ngày 17.2
|
Rất nhiều các vấn đề về chuyên môn của 3 giải đấu sẽ được Công ty VPF và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thảo luận, bàn bạc để đi đến các quyết định cuối cùng, như các suất lên – xuống hạng tại giải hạng nhất, thứ hạng của các CLB tham dự V-League; đặc biệt là các suất đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự các giải đấu của châu Á khi phải đáp ứng các yêu cầu Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
Suất tham dự trận play-off AFC Champion League của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khi từ năm 2023, Việt Nam được thêm 1 suất (là những ghi nhận xứng đáng của AFC đối với các CLB Việt Nam và đặc biệt là thứ hạng của V-League đã được cải thiện trên bảng xếp hạng các giải League trong khu vực châu Á).
Vấn đề cũng đáng được quan tâm là VFF sẽ rất khó khăn khi đánh giá, cấp phép các CLB tham dự các giải cấp CLB châu Á trong năm 2022 khi các giải đấu chuyên nghiệp năm 2021 của Việt Nam bị hủy.
VPF đã biểu quyết tại cuộc họp và 27/27 CLB (14 đội V-League, 13 đội hạng nhất) đã đồng ý hủy giải. Tại mùa giải 2021 có 27 CLB tham dự, tuy nhiên, chỉ có 22 CLB là cổ đông của VPF, đang sở hữu các đội bóng. Do đó, sau cuộc họp hôm nay, VPF sẽ tổng hợp ý kiến các cổ đông cùng kết quả tổng hợp biểu quyết ý kiến của 27 CLB, sau đó VPF sẽ có văn bản kiến nghị đến VFF và chờ VFF ra nghị quyết thực hiện.
Căn cứ vào kế hoạch thi đấu của FIFA, AFC, AFF mùa giải 2022, VPF dự kiến kế hoạch các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2022 sẽ bắt đầu từ ngày 17.2.2022 và kết thúc vào ngày 4.9.2022.