Dạy học trực tuyến là nội dung trọng tâm trong Chỉ thị của Bộ GD-ĐT ngày 24.8 về “Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu toàn ngành giáo dục thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là chủ động xây dựng kế hoạch năm học 2021 – 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành y tế chủ động, xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tuỳ tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
Bộ GD-ĐT yêu cầu ngành giáo dục tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT chỉ đạo không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo học sinh mầm non trên cả nước không học trực tuyến
|
Các cơ sở giáo dục cũng cần quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa. Các cơ sở giáo dục cũng cần xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hoá, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng, trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020 – 2021. Cũng cần có chính sách hỗ trợ, miễn giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo toàn ngành giáo dục thực hiện các nhiệm vụ khác như chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS…
Tại TP.HCM, học sinh sẽ bắt đầu học trực tuyến từ trong tháng 9. Học sinh bậc THCS, THPT bắt đầu năm học từ ngày 1.9 với hoạt động tổ chức lớp và củng cố kiến thức, thực học chương trình học kỳ 1 từ ngày 6.9, kết thúc năm học từ ngày 29 – 31.5. Bậc tiểu học bắt đầu năm học từ ngày 8.9 với hoạt động tổ chức lớp, củng cố kiến thức và thực học chương trình học kỳ 1 từ ngày 20.9, kết thúc năm học từ ngày 29 – 31.5…