Sunday, November 24, 2024

Thực trạng và giải pháp thị trường dịch vụ thu gom CTR sinh hoạt



Bài báo đánh giá thực trạng và một số giải pháp phát triển thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại TP. Hà Nội.

Nghiên cứu trong bài báo đã phân tích cơ sở lý luận thị trường dịch vụ CTRSH; phân tích và hệ thống nội dung quản lý CTRSH vào trong yếu tố hình thành thị trường dịch vụ CTRSH, hệ thống các lợi ích từ phát triển thị trường dịch vụ CTRSH.
Thực trạng và giải pháp thị trường dịch vụ thu gom CTR sinh hoạt
Hoạt đông thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên phố Giảng Võ

1. Đặt vấn đề

Thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên phạm vi toàn quốc nói chung và tại TP. Hà Nội nói riêng đã hình thành một thị trường dịch vụ (sau đây gọi tắt là thị trường dịch vụ CTRSH); hàng hoá của thị trường này là quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được pháp luật quy định là sản phẩm, dịch vụ công ích nên thị trường dịch vụ này có những đặc điểm riêng, không tuân theo các quy luật của thị trường.

Mỗi ngày, trên địa bàn TP. Hà Nội phát sinh khoảng 6.500 tấn CTRSH, 89% CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và 11% được xử lý bằng phương pháp đốt, như vậy, cơ bản mới tạo lợi ích vệ sinh môi trường, ít có lợi ích về kinh tế, xã hội. Từ thực tiễn nói trên, việc nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội là hết sức cần thiết, mục tiêu của nghiên cứu là nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng thông qua phát triển các yếu tố hình thành thị trường và nâng cao lợi ích kinh tế, xã hội.

Nghiên cứu tập trung vào thực trạng các yếu tố hình thành thị trường dịch vụ CTRSH trên TP. Hà Nội, xác định nguyên nhân làm cản trở phát triển thị trường này. Để giải pháp phát triển thị trường dịch vụ CTRSH trên TP. Hà Nội phù hợp với bối cảnh trong nước, quy định sản phẩm, dịch vụ công ích, nghiên cứu sẽ tập trung vào các giải pháp: 1) Phát triển hợp lý nhu cầu thu gom, vận chuyển CTRSH; 2) Phát triển nguồn cung, cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường dịch vụ CTRSH; 3) Phát triển các sản phẩm từ tái chế, xử lý CTRSH.

2. Tổng quan nghiên cứu

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019, chuyên đề “Quản lý CTRSH”. Báo cáo phân tích các nội dung liên quan đến CTRSH, nhận định các thách thức trong quản lý CTRSH và đề xuất các nhóm giải pháp cũng như một số giải pháp ưu tiên để xử lý các điểm nóng về quản lý CTRSH.

Báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) các năm 2016, 2017, 2018, 2019 với nội dung chính là diễn biến chất lượng môi trường, đa dạng sinh học và tổ chức thực hiện công tác BVMT trong đó CTRSH được nhắc đến là một trong những nội dung để quản lý chất thải nói chung.

Đề tài “Khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý CTR và nước thải tại các đô thị và khu Công nghiệp Việt Nam”, do Phạm Văn Đức – Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm, thực hiện năm 2012. Đề tài khái quát hiện trạng công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam, công nghệ xử lý CTRSH tại Việt Nam và trên thế giới; Đề xuất công nghệ xử lý CTRSH phù hợp điều kiện Việt Nam.

Đề tài “Đánh giá và định hướng lựa chọn công nghệ thích hợp sản xuất phân vi sinh từ CTR cho các đô thị Việt Nam” do Bộ Xây dựng thực hiện năm 2004. Đề tài đánh giá công nghệ sản xuất phân vi sinh hiện có trong nước và nước ngoài, đưa ra các hướng lựa chọn công nghệ phù hợp với đặc điểm, tính chất CTRSH đô thị Việt Nam cũng như điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam.

Luận án “Lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp CTR trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam”, thực hiện năm 2009 tại Trường Đại học kiến trúc Hà Nội, tác giả Lưu Đức Cường. Luận án đánh giá thực trạng lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp CTR ở Việt Nam, xây dựng cơ sở khoa học và đề xuất các tiêu chí, nguyên tắc, phương pháp, quy trình lựa chọn bãi chôn lấp CTR phù hợp điều kiện Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững.

Luận án “Mô hình và giải pháp quản lý CTRSH theo hướng xã hội hoá cho một số đô thị Bắc trung bộ Việt Nam (Nghiên cứu thí điểm cho thành phố Vinh)”, thực hiện năm 2015 tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tác giả Nguyễn Viết Định. Luận án tập trung vào thực trạng và chủ thể công tác quản lý CTRSH tại một số đô thị, hướng đến giải pháp xã hội hóa quản lý CTRSH.

Bài báo: “Về dịch vụ công và quản lý cung ứng dịch vụ công” của TS. Nguyễn Thị Hường, Học viện Hành chính Quốc gia đăng trên Tạp chí Quản lý nhà nước; Bài báo: “Dịch vụ công” của PGS.TS. Lê Chi Mai đăng trên Tạp chí Bảo hiểm, hai bài báo đều tập trung vào nội dung, tính chất, quản lý và các đặc điểm của dịch vụ công.

Các báo cáo, đề tài nghiên cứu, luận án, bài báo chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Một số cơ sở khoa học về quản lý CTR, CTRSH; Thực trạng và công tác quản lý CTRSH tại một số đô thị ở Việt Nam; Kinh nghiệm quản lý CTRSH ở một số đô thị trong nước và nước ngoài; Các công nghệ xử lý CTR, CTRSH ở Việt Nam và thế giới; Một số tồn tại trong các văn bản về quản lý CTRSH hiện hành; Đề xuất giải pháp quản lý CTRSH đô thị…chưa có công trình nào tập trung nghiên cứu thị trường dịch vụ CTRSH tại Hà Nội.

Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả sẽ kế thừa lý luận về yếu tố hình thành thị trường để triển khai nội dung thực trạng thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội gồm: 1) Quản lý nhà nước thị trường dịch vụ CTRSH, sẽ triển khai các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động, quy định pháp luật về Cung – Cầu; 2) Cầu trong thị trường dịch vụ CTRSH, sẽ triển khai nội dung liên quan đến phát sinh và phân loại CTRSH; 3) Cung trong thị trường dịch CTRSH, sẽ triển khai nội dung liên quan đến thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý CTRSH; 4) Quy hoạch quản lý CTR, sẽ triển khai nội dung về kết quả thực hiện quy hoạch; và 5) Sản phẩm tái chế từ xử lý CTRSH. Trên cơ sở Kết quả và Thảo luận, nghiên cứu sẽ đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Tìm hiểu, đánh giá thị trường dịch vụ CTRSH trong tổng thể phân loại thị trường dịch vụ môi trường (DVMT), phân tích đặc điểm hàng hóa, xem xét các tác động qua lại giữa các yếu tố hình thành thị trường này.

Phương pháp nghiên cứu tài liệu tài liệu tại bàn. Tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học, báo, tạp chí, giáo trình chuyên ngành, tài liệu của UBND TP. Hà Nội và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có liên quan đến chủ đề nghiên cứu, từ đó có những số liệu đối chiếu với thực trạng thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội.

Phương pháp phỏng vấn. Thực hiện trực tiếp với một số nhà quản lý, chuyên gia tại Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam xung quanh nội dung: 1) Phân loại CTRSH tại nguồn; 2) Phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH; 3) Giá dịch vụ; và 4) Công nghệ xử lý, khu xử lý CTRSH tại TP. Hà Nội.

Phương pháp quan sát. Thực hiện tại một số điểm thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn một số quận thuộc TP. Hà Nội để ghi nhận thực tế một số hình thức thu gom, vận chuyển CTRSH, chất lượng phương tiện và môi trường xung quanh điểm thu gom CTRSH, bảo hộ lao động của công nhân thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH.

Phương pháp tổng hợp, thống kê và phân tích kinh tế. Tổng hợp từ Kết quả và Thảo luận, đặc biệt là nội dung các thảo luận đánh giá nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển thị trường dịch vụ CTRSH, căn cứ vào mục tiêu phát triển thị trường dịch vụ CTRSH sẽ đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội.

4. Kết quả và thảo luận

4.1.Kết quả thực trạng thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội

Dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải là một trong tám thị trường dịch vụ được phân loại thuộc thị trường DVMT [1], chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác [2] và ở các thể rắn, lỏng, khí, như vậy, thị trường dịch vụ CTRSH thuộc phân loại thị trường DVMT. Các yếu tố hình thành thị trường dịch vụ CTRSH: 1) Hàng hoá của thị trường này là quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được pháp luật quy định là sản phẩm dịch vụ công ích [3], CTRSH là đối tượng chính để thực hiện các hoạt động từ thu gom, vận chuyển đến xử lý tạo thành một quá trình hoàn chỉnh; (2) Nguồn cung dịch vụ do UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm trước xã hội; (3) Cầu trong thị trường dịch vụ CTRSH là chủ các nguồn thải phát sinh CTRSH; (4) UBND TP. Hà Nội quyết định giá dịch vụ CTRSH, việc này khẳng định vai trò của TP. Hà Nội trong việc đảm bảo mọi đối tượng tại thành phố đều được tiếp cận bình đẳng tới dịch vụ này.

Hiện nay, UBND TP. Hà Nội là một trong tám địa phương giao cho Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giúp việc về quản lý CTRSH [4]; Sở Xây dựng tham mưu, giúp việc UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CTRSH trên địa bàn 10 Quận và 01 thị xã; Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, giúp việc UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CTRSH trên địa bàn 18 huyện còn lại. Bên cạnh các quy định pháp luật về phát triển thị trường dịch vụ CTRSH nói chung, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện và ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác BVMT và phát triển thị trường dịch vụ CTRSH trên địa bàn như: Quy hoạch xử lý CTR thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy định pháp luật về giá dịch vụ và phát triển các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH…

Hiện nay, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn TP. Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày (CTRSH đô thị khoảng 4.000 tấn/ngày, CTRSH khu vực nông thôn khoảng 2500 tấn/ngày). Chỉ số phát sinh CTRSH có xu hướng tăng, nếu như năm 2015 là 0,76 kg /người/ngày thì đến năm 2019 là 0,81 kg /người/ngày [4], dự báo tổng khối lượng CTRSH toàn TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. TP. Hà Nội là địa phương tiên phong trong công tác thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn, năm 2007, thành phố đã triển khai thí điểm mô hình này trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ, tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì [4].

Hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn TP. Hà Nội (giai đoạn 2017-2020) giao cho 20 đơn vị thực hiện thông qua gói thầu Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường [5], đến nay, đã giao về cho các địa phương tự tổ chức đấu thầu. Thu gom, vận chuyển CTRSH chủ yếu thực hiện bằng các xe gom đẩy tay (công kềnh, lạc hậu) thường xuyên hình thành các điểm tập kết xe gần mặt đường, đầu ngõ gây mất vệ sinh môi trường, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân trong khu vực [6]. Phương tiện vận chuyển CTRSH từ điểm thu gom lên khu xử lý chủ yếu là các xe ben, xe ép rác. Cơ giới hoá hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH được thực hiện chủ yếu tại các quận nội thành, nơi có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, ý thức cộng đồng [7].

Tỷ lệ thu gom CTRSH trong ngày tại các quận nội thành đạt khoảng 98-99%, tại các huyện đạt khoảng 87%-88% so với lượng CTRSH phát sinh. Tỷ lệ xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện) chiếm khoảng 11% khối lượng CTRSH được thu gom[4] .

TP. Hà Nội bù giá chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, mức thu phí vệ sinh hiện nay từ 3.000 – 6.000 đồng/người/ tháng hoặc từ 10.000 – 20.000 đồng/hộ/tháng tùy theo mỗi địa phương, 120.000 – 200.000 đồng/cơ sở/ tháng với các cơ sở sản xuất, dịch vụ tùy theo quy mô, địa phương. Theo Urenco Hà Nội, năm 2014, tổng nguồn thu từ phí vệ sinh khoảng 30 tỷ đồng, trong khi đó chỉ tính riêng chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển vào khoảng 600 tỷ đồng/năm [4].

4.2.Thảo luận thực trạng thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội

Phát triển thị trường dịch vụ CTRSH nói chung mang lại lợi ích kép về môi trường, xã hội và kinh tế: 1) Lợi ích môi trường được thể hiện qua việc giảm thiểu lượng CTRSH phát sinh; Phân loại CTRSH; cải thiện chất lượng môi trường khu dân cư và khu vực xử lý CTRSH; 2) Lợi ích xã hội được thể hiện khi tạo thêm việc làm cho người lao động; Giảm các chi phí liên quan tới chăm sóc sức khỏe con người, khi CTRSH được thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để, tạo môi trường sống trong lành; Giảm tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc hạn chế phát thải khí thải nhà kính vào môi trường; 3) Lợi ích kinh tế được thể hiện qua việc xem xét chất thải là nguồn tài nguyên và là nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất [5].

Trong thời gian qua, phát triển thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội cơ bản mới giải quyết được nhu cầu vệ sinh môi trường, chưa có nhiều lợi ích về xã hội và kinh tế bởi một số nguyên nhân như sau:

Quy hoạch xử lý CTR thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2014 nhưng sau 7 năm thực hiện, các điểm trung chuyển, khu xử lý CTRSH vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn bị thu nhỏ do khu xử lý CTRSH cũ hết công suất thực hiện, thực trạng này gây sức ép quá lớn lên hai khu xử lý CTRSH là Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây). Trong khi đó, khoảng cách từ các điểm tập kết CTRSH tới khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn đều khoảng từ 50 km- 80 km, điều này không chỉ làm tăng chi phí vận chuyển do nhà nước chi trả do quãng đường dài mà còn gián tiếp tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ xe chuyển rác và an toàn giao thông [8].

Thông tin về các chủ thể tham gia thị trường dịch vụ CTRSH trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng chưa được công khai, minh bạch; Năng lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực của các tổ chức cung ứng dịch vụ còn hạn chế [9]. Trên địa bàn Hà Nội, trong giai đoạn 2008 – 2020, có đến 22 đơn vị cùng tham gia cung ứng dịch vụ CTRSH nhưng chỉ có duy nhất công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội quản lý khu xử lý chất thải Nam Sơn và Xuân Sơn (Khu xử lý CTR Xuân Sơn có 02 nhà máy xử lý chất thải bằng phương pháp đốt không phát điện đã đi vào hoạt động: Nhà máy xử lý chất thải bằng phương pháp đốt không phát điện, công suất 700 tấn/ngày của Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long; Nhà máy xử lý chất thải bằng phương pháp đốt không phát điện, công suất 195 tấn/ngày của HTX Thành Công); và dự án xử lý CTRSH tại huyện Đan phượng do Công ty cổ phần Thành Quang dùng công nghệ đốt không phát điện, hoạt động với công suất xử lý 200 tấn/ngày [7].

Các nhà cung ứng dịch vụ còn e dè, ít đầu tư cho công nghệ – thiết bị vì giá dịch vụ thấp cùng với thời gian các gói thầu ngắn, các nhà cung ứng dịch vụ chưa quan tâm nhiều đến người lao động, và từ đây lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ cung ứng [5]. Theo quan suát của tác giả bài báo tại một số điểm tập kết CTRSH, các điểm này đa số dưới lòng đường, gần chợ, điểm xe buýt, trường học; Người lao động không sử dụng gang tay, thiếu mũ bảo hộ, trang phục chưa đồng bộ; Nhiều xe gom rác loại 240 lít đã hoen rỉ, thủng đáy, có nước rỉ rác, rác được lèn chặt và chất cao hơn rất nhiều so với miệng xe gây rơi vãi rác, mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông, giảm khả năng dịch chuyển của xe (do gia tăng khối lượng rác); Một số khung giờ, xe ép rác đến điểm tập kết để thu gom CTRSH không đúng quy định…tất cả nội dung quan sát nói trên đều trái với quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH do UBND TP. Hà Nội ban hành.

Còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể để khuyến khích việc giảm thiểu CTRSH, quy định xử phạt chủ nguồn thải CTRSH vi phạm nguyên tắc BVMT được quy định trong nhiều văn bản khác nhau dẫn đến việc lúng túng và không đủ thẩm quyền xử phạt. CTRSH chưa được phân loại tại nguồn vì thiếu sự hưởng ứng của chính quyền, đơn vị thu gom CTRSH, cộng đồng dân cư và thiếu nguồn lực thực hiện đồng bộ (từ thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý theo từng loại chất thải đã phân loại).

Chất lượng các sản phẩm tái chế từ xử lý CTRSH chưa cao, sản phẩm đơn điệu, còn ít và chưa thoả mãn nhu cầu tiêu dùng: Công nghệ tái chế phân compost ứng dụng tại khu xử lý Cầu Diễn và Kiêu Kỵ không đạt hiệu quả do hạn chế đầu ra, hiện cả hai cơ sở đều đã dừng hoạt động; Dự án đốt rác phát điện do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý xây dựng tại khu xử lý chất thải Nam Sơn, có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ nhưng cũng đang bị trậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.

5. Giải pháp

Trên cơ sở kết quả, thảo luận và hướng tới mục tiêu nghiên cứu, tác giả bài báo đề xuất 2 nhóm giải pháp phát triển thị trường dịch vụ CTRSH tại TP. Hà Nội như sau:

5.1. Nhóm các giải pháp ưu tiên

Thứ nhất, tăng cường phân loại CTRSH tại nguồn, CTRSH được phân loại tại nguồn sẽ nâng cao tỷ lệ tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế, làm giảm khối lượng chất thải cần chôn lấp. Phân loại tại nguồn theo hướng chia địa bàn TP. Hà Nội thành các vùng khác nhau để áp dụng các phương thức phân loại, thu gom cho phù hợp với công nghệ xử lý. Phân loại CTRSH tại nguồn trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa 5 thành phần tham gia: 1) Truyền thông; 2) Chính quyền các địa phương; 3) Đơn vị triển khai (thu gom, vận chuyển); 4) Tổ chức doanh nghiệp; và 5) Chủ nguồn thải.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân sống gần khu xử lý CTRSH để khuyến khích người dân ủng hộ việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải và đồng thuận giao đất.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của cộng đồng và có các quy định để dần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ tư, ban hành Đề án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại TP. Hà Nội, qua đó đề xuất lộ trình tính giá dịch vụ phù hợp với khả năng chi trả của người dân, góp phần nâng cao nguồn thu để đảm bảo dần cân đối công tác duy trì vệ sinh môi trường, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

Thứ năm, chủ đầu tư, nhà thầu kiểm tra, rà soát phương thức, các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và tiêu chuẩn phương tiện. Đào tào, tập huấn, đảm bảo quyền lợi cho công nhân trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Thứ sáu, không cho đấu thầu lại các nhà thầu không đạt chất lượng dịch vụ như đã cam kết, tăng thời gian tối thiểu của gói thầu thu gom, vận chuyển CTRSH là 5 năm, cao nhất là 7 năm để đảm bảo đủ thời gian khấu hao thiết bị, tổ chức tham gia đấu thầu yên tâm sản xuất và đầu tư các thiết bị cơ giới hiện đại. Khuyến khích, xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Thứ bảy, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; Chủ nguồn thải phát sinh CTRSH, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về BVMT.

Thứ tám, công khai, minh bạch thông tin về thị trường dịch vụ CTRSH trên cơ sở thông tin về thị trường dịch vụ CTRSH được xây dựng, cập nhật và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và của địa phương để cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng dân cư cùng theo dõi.

5.2. Nhóm các giải pháp lâu dài

Thứ nhất, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về CTRSH trên TP. Hà Nội.

Thứ hai, thực hiện xây dựng các khu xử lý CTR theo quy hoạch xử lý CTR thủ đô Hà Nội đã được chính phủ phê duyệt, trường hợp có nhiều bất cập trong quá trình triển khai thì phải xin điều chỉnh kịp thời.

Thứ ba, xây dựng, áp dụng mô hình công nghệ xử lý chất thải phù hợp, theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng từ chất thải.

Thứ tư, xây dựng lộ trình, kế hoạch và nhanh chóng triển khai cổ phần hoá các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước tham gia vào thị trường dịch vụ CTRSH; Hình thành các liên danh, liên kết để tạo nguồn lực đủ mạnh về tài chính thực hiện các dự án tái chế, xử lý CTRSH đòi hỏi vốn lớn như các dự án đốt rác phát điện.

Thứ năm, nâng cao chất lượng, nghiên cứu và mở rộng thị trường đối với sản phẩm phân compost.

Tài liệu trích dẫn:

[1] Mục a, Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 09/08/2016 của Chính phủ phê duyệt khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường.

[2] Khoản 12, Điều 3, Luật BVMT 2014.

[3] Danh mục B, Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về Sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

[4] Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019, chuyên đề “Quản lý CTRSH”.

[5] Tài liệu phỏng vấn chuyên gia tại Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam.

[6] Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Báo cáo tổng kết nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất quy định về phương tiện, thiết bị thu gom, tập kết, trung chuyển CTRSH trong đô thị”.

[7] Hà Nội, Báo cáo công tác BVMT năm 2019.

[8] Hà Nội, Báo cáo số 124/BC-UBND ngày 28/4/2019 về công tác quản lý CTR trên địa bàn.

[9] Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Đề tài “nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển ngành Công nghiệp môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế”.

Tài liệu tham khảo

– Lê Chi Mai (2008). Dịch vụ công. Tạp chí Bảo hiểm xã hội, 3, 6-10. DOI…

– Nguyễn Thị Hường (2019). Về dịch vụ công và quản lý cung ứng dịch vụ công, , xem 01/05/2020.

– Nguyễn Trung Thắng (2020). Tổng quan về quản lý chất thải rắn trên thế giới và một số giải pháp cho Việt Nam, < https://congnghiepmoitruong.vn/tong-quan-ve-quan-ly-chat-thai-ran-tren-the-gioi-va-mot-so-giai-phap-cho-viet-nam-5444.html>, xem 10/01/2021.

– Minh Hà (2019). Quản lý và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển, < http://consosukien.vn/quan-ly-va-xu-ly-chat-thai-ran-o-viet-nam-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-cac-nuoc-phat-trien.htm>, xem 12/12/2020.

– Lưu Đức Cường (2009). Lựa chọn địa điểm bãi chôn lấp CTR trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam, Luận án tiến sỹ quản lý đô thị và công trình, Trường Đại học kiến trúc Hà Nội.

– Nguyễn Thị Loan (2013). Quản lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sỹ Quản lý môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

– Nguyễn Viết Định (2015). Mô hình và giải pháp quản lý CTRSH theo hướng xã hội hoá cho một số đô thị Bắc trung bộ Việt Nam (Nghiên cứu thí điểm cho thành phố Vinh), Luận án tiến sỹ quản lý đô thị và công trình, Trường Đại học kiến trúc Hà Nội

– Nguyễn Hoài Nam (2018). Phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam, Luận án tiến sỹ Kinh tế phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

– Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (2012). Khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý CTR và nước thải tại các đô thị và khu Công nghiệp Việt Nam.

– Bộ Xây dựng (2004). Đánh giá và định hướng lựa chọn công nghệ thích hợp sản xuất phân vi sinh từ CTR cho các đô thị Việt Nam.

– Hoàng Văn Vy (2021). Một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020” 16/4/2020, Bộ Công Thương ngày, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, 5-12.

– Lê Minh Đức (2021). Luật và Nghị đinh về BAT. Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020”, Bộ Công Thương ngày 16/04/2021, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, 12-22.

– Phí Mạnh Hồng (2010). Giáo trình kinh tế vĩ mô. Trường Đại học Kinh tế. Nhà xuất bản Đại Đại học Quốc gia Hà Nội.

– Ngân hàng Thế giới (2018). Đánh giá công tác quản lý CTRSH và chất thải công nghiệp nguy hại. Các phương án và hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia. Nhà xuất bản Hồng Đức, Hội Luật gia Việt Nam.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img