Ngày 23.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trực tiếp đến một số điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) để hướng dẫn người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) Covid-19 tại nhà.
Hướng dẫn cho dân tự làm
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành những quyết định, chỉ thị, công điện đối với tình hình mới, TP.HCM cũng đã xác lập trạng thái mới trong vòng 1 tháng từ 15.8 đến 15.9. Như vậy, việc sử dụng xét nghiệm để phát hiện bằng được F0 là hết sức quan trọng.
Để làm được điều này, phải tổ chức một lượng xét nghiệm rất lớn, bên cạnh đó cần chuẩn bị các bộ sinh phẩm test kit, hệ thống để chạy xét nghiệm RT-PCR.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (phải) hướng dẫn cho công nhân một công ty lấy mẫu xét nghiệm
|
Việc tổ chức cho người dân lấy mẫu tại nhà hoặc tự lấy mẫu ở nhà là rất quan trọng. Trước hết, điều này sẽ giúp giảm nguồn lực y tế, chỉ cần đội ngũ giám sát và tình nguyện viên để hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian trước, việc lây lan F0 trong khi lấy mẫu đã xảy ra ở một số nơi do chưa đảm bảo điều kiện sát khuẩn. Do đó, việc người dân tự lấy mẫu cũng sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện test diện rộng.
Mặt khác, quan trọng là việc để người dân lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà sẽ giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để bóc tách, khoanh vùng và dập dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế hy vọng với sự tham gia tự nguyện của người dân cùng với sự theo dõi, giám sát hỗ trợ của ngành y tế, sẽ đảm bảo tiêu chí về mặt kỹ thuật cũng như số lượng lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây.
Lấy mẫu tại nhà ở Q.Phú Nhuận vào ngày 23.8
|
Trước đó, chiều 22.8, Viện Pasteur và Sở Y tế TP.HCM đã xuống một số phường của Q.3 để hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh.
Anh Phan Đình Hoàng Phương, một người dân tại P.14, Q.3, cho biết dù chưa tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh lần nào, nhưng sau khi được hướng dẫn anh thấy rất đơn giản và đã thực hành lấy mẫu cho người nhà ngay tại chỗ. Theo anh Phương, bên cạnh việc lẫu mẫu đúng, còn phải thực hiện vệ sinh, khử khuẩn tốt.
Phát hiện F0 để quản lý tại nhà hoặc khu cách ly tập trung
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết TP.Thủ Đức đang thực hiện công tác xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 còn trong cộng đồng, kịp thời đưa đi thu dung điều trị hoặc cách ly tại nhà và có hướng dẫn y tế phù hợp tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.
“Với nguồn lực nhân viên y tế có hạn, chúng tôi rất cần sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người dân tự làm xét nghiệm, nhân viên y tế có vai trò giám sát, hướng dẫn sau đó đọc kết quả. Trong trường hợp phát hiện ca dương tính sẽ kịp thời xử lý. Chúng tôi sẽ làm theo hướng, trước hết xét nghiệm nhanh, đối với ca dương tính sẽ tiếp tục làm PCR để khẳng định, dựa vào kết quả sẽ có hướng giải quyết phù hợp”, ông Hoàng Tùng cho biết thêm.
Lấy mẫu nhằm phát hiện F0 để có biện pháp cách ly phù hợp, hoặc ở nhà hoặc tập trung, giảm thiểu lây lan
|
“Chúng tôi hy vọng với chiến dịch lần này sẽ bóc tách một lần nữa các F0 tại cộng đồng và qua đó hạn chế được lây lan. Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM, TP.Thủ Đức đã kịp thời nhận thêm được vật tư y tế rất quan trọng đó là bộ xét nghiệm nhanh”, ông Hoàng Tùng bày tỏ.
Bà Phạm Thị Bích Hạnh, Trưởng khoa Xét nghiệm, Trung tâm y tế Q.3 thông tin, việc hướng dẫn người dân “vùng đỏ”, “vùng cam” tự làm xét nghiệm nhanh là nhằm phát hiện sớm F0, bóc tách F0 sớm để đưa vào quản lý, điều trị kịp thời để TP.HCM sớm đi vào ổn định. Bà khuyến cáo người dân, sắp tới sau khi được cấp phát test và xét nghiệm nhanh thì phải báo cho trạm y tế để quản lý.
Người dân bớt lo lắng bị lây nhiễm khi được lấy mẫu tại nhà
|
Ngày 23.8, nhiều quận trên địa bàn TP.HCM đồng loạt thực hiện đến nhà dân lấy mẫu và hướng dẫn cho người dân thực hiện test nhanh.
Theo lãnh đạo Phòng Y tế Q.Tân Bình, để hạn chế lây nhiễm, các đội lẫy mẫu của quận thực hiện đúng quy định là thay găng tay sau khi lấy mẫu xong từng người (hoặc khử khuẩn găng tay).
Để tránh tập trung đông, quận thực hiện đến từng hộ mời từng người ra lấy mẫu, cứ vài hộ lại dời bàn…
Xe xét nghiệm lưu động của Bộ Y tế được tăng cường đến tận các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nguy cơ cao để làm xét nghiệm tại chỗ
|
Ngày 23.8, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã điều 2 xe xét nghiệm lưu động đến Q.Bình Tân và H.Nhà Bè để thực hiện xét nghiệm RT-PCR tại chỗ nhằm đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm nhằm phát hiện F0 để quản lý, điều trị.
Chiến lược xét nghiệm của TP.HCM như thế nào?
Theo chỉ đạo mới nhất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, TP sẽ xét nghiệm nhanh kháng mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao “vùng cam” và vùng nguy cơ rất cao “vùng đỏ” của thành phố trong 14 ngày tới. Riêng các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng sẽ thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5 hoặc 10 tùy theo vùng) theo đại diện hộ gia đình. Tần suất xét nghiệm là 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Lấy mẫu trên diện rộng nhưng không tập trung cũng là chiến lược mới của TP.HCM trong vấn đề phòng chống lây nhiễm Covid-19
|
Với xét nghiệm nhanh, các đội xét nghiệm của từng địa phương, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh đến cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp…
Đối với người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm nhanh, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình. Sau 30 – 60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách và xử lý những trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế về xử lý ca khẳng định.
|