Ẩn sâu trong sự vắng lặng trên đường phố, người dân thủ đô Kabul đang đấu tranh để kiếm sống trong một nền kinh tế quay cuồng khi các ngân hàng và văn phòng chính phủ đóng cửa, cùng với sự bất ổn luôn ngự trị.
Nỗi sợ hãi bao trùm Kabul
Tính đến ngày 24/8, 9 ngày sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan, nhiều văn phòng chính phủ vẫn chưa hoạt động trở lại. Người dân đang phải vật lộn để trang trải cuộc sống hàng ngày trong một nền kinh tế, phần lớn dựa vào viện trợ nước ngoài, giờ đây đột nhiên “rơi tự do”.
Các ngân hàng đều đóng cửa và tiền mặt ngày càng khan hiếm. Giá lương thực tăng và khí đốt cũng thiếu hụt.
Taliban tiếp tục siết chặt vòng vây trên các khu phố và con đường của thủ đô Kabul. Nhiều người dân Afghanistan đã trốn trong nhà và thận trọng xem cuộc sống của họ sẽ thay đổi như thế nào dưới sự cai trị của lực lượng Taliban.
Một người dân tên là Mohib cho biết, trong khu vực của anh, đường phố vắng tanh, nhiều người ngồi co ro trong nhà vì sợ hãi. “Mọi người cảm thấy Taliban có thể đến bất cứ lúc nào và lấy đi mọi thứ của họ”, Mohib nói.
“Tại những khu vực trung tâm có nhiều tay súng Taliban tuần tra, đường phố vắng bóng phụ nữ và chỉ có một vài người mặc burqa (trang phục trùm kín mặt và thân người, che cả mắt, chỉ khoét những lỗ nhỏ để mắt nhìn thấy xung quanh)”, Sayed – một công chức cho biết.
Tuy nhiên, ở những nơi khác trong thành phố, nơi có ít sự xuất hiện của lực lượng Taliban, phụ nữ vẫn đi ra ngoài “với trang phục bình thường như trước khi Taliban giành quyền kiểm soát”, Shabaka nói, đồng thời cho biết cô đã đi ra ngoài và gặp các chiến binh Taliban mà không xảy ra sự cố dù cô mặc “quần áo bình thường”.
Shabaka nói rằng, mặc dù có một nỗi sợ hãi tiềm ẩn trong khu phố cô sinh sống, nhưng tình hình vẫn đang được kiểm soát.
Trong khi đó, một số người khác lại có những điều tích cực khi nói về sự kiểm soát của Taliban.
Tại khu vực ở rìa phía Tây của Kabul, mặc dù khí đốt đang trở nên khan hiếm, giao thông đường bộ và hoạt động kinh doanh gần như đã trở lại bình thường.
Những tài xế xe tải và xe buýt nói rằng các đường cao tốc của Afghanistan trở nên an toàn hơn sau khi Taliban kiểm soát đất nước. Các tài xế đồng tình với việc dỡ bỏ hàng chục trạm kiểm soát, nơi lực lượng an ninh và dân quân trước đây nhận tiền hối lộ, thay thế bằng một khoản thanh toán phí duy nhất cho Taliban.
Với khoảng trống quyền lực xuất hiện sau sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan, các thủ lĩnh của Taliban đã tìm đến Nga và cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, khi họ đang cân nhắc về mô hình của một chính phủ mới.
Nhưng cho đến nay, ở Kabul, có rất ít bằng chứng cho thấy về một cơ quan quyền lực mới trong các văn phòng chính phủ.
Khalid cho biết, tại văn phòng điện tử của chính phủ, không có một công chức nào. “Các công chức đã không đi làm vì lo sợ bị Taliban trừng phạt”, Khalid nói.
Một số người dân khác cho biết, những thay đổi nhân sự đang diễn ra ở các văn phòng khác của chính phủ.
“Những người từng làm việc trong chính phủ Afghanistan hiện tại đã mất việc làm và Taliban đang bổ nhiệm nhân viên mới”, Raziq, một nhân viên đại lý du lịch cho biết.
Kabul đối mặt với cuộc khủng hoảng nghèo đói sâu sắc
Sự tiếp quản nhanh chóng Afghanistan của Taliban đã làm suy yếu một nền kinh tế mong manh vốn phụ thuộc phần lớn vào viện trợ nước ngoài. Khi Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đóng băng dòng tiền viện trợ đến Afghanistan, Taliban đã bị cô lập và đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính.
Ngoài việc các ngân hàng bị đóng cửa, hệ thống chuyển tiền không chính thức hawala cũng ngừng hoạt động. Người dân đang tích trữ USD khi đồng nội tệ afghani giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Nhà báo Rahmatullah cho biết, mọi người đang cạn kiệt tiền mặt vì họ không thể sử dụng tài khoản ngân hàng. “Mọi người cũng không thể vay tiền vì không ai có tiền mặt”, Rahmatullah nói.
Lạm phát đã khiến cuộc sống hàng ngày của người dân Afghanistan trở nên khó khăn. Giá của 5 lít dầu ăn đã tăng từ 500 afghanis lên 1.200 afghanis. Nhiều người dân nói rằng thực phẩm tổng thể đã tăng giá.
Tuy nhiên, một số loại trái cây và rau củ sản xuất trong nước đã rẻ hơn trước do biên giới bị đóng cửa và các thương nhân không thể xuất khẩu hàng hóa, Hassan, nhân viên tại một tổ chức phi chính phủ cho biết. “Giá của 7kg táo đã giảm từ 500 afghanis xuống 100 afghanis”, Hassan nói.
Khi nguồn tiền cạn kiệt, tình trạng thất nghiệp đã tăng vọt trên toàn thành phố Kabul.
“Hàng trăm công nhân làm thuê và công nhân xây dựng đi trên phố mỗi ngày và không có người sử dụng lao động nào thuê họ. Kabul đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghèo đói sâu sắc”, Sayed nói.
Người dân cho biết, với việc nhiên liệu ngày càng đắt đỏ, lực lượng Taliban cũng đang bị ảnh hưởng.
Theo Raziq, một số tay súng Taliban đã không còn lái những chiếc xe bán tải Ford Ranger mà họ đã lấy từ cảnh sát Afghanistan, nếu có, thì có tới 16 người Taliban ngồi trên một chiếc xe bán tải.
Những người Afghanistan ở thủ đô Kabul dường như rất lo lắng về trật tự mới khi Taliban giành quyền kiểm soát.
“Người dân đang lo lắng về mạng sống của mình. Họ không thực sự quan tâm đến việc mở cửa lại doanh nghiệp. Các trường học, trung tâm giáo dục đã đóng cửa, nhiều học sinh đang tìm cách chạy trốn khỏi đất nước. Họ không quan tâm đến việc trở lại trường học”, Saifullah, người điều hành một doanh nghiệp chuyển tiền không chính thức, cho biết.
Những người Afghanistan trẻ tuổi đang cố gắng rời khỏi Kabul để sang các nước láng giềng. “Các chuyến xe buýt rời Kabul đến các tỉnh biên giới đã chật cứng, nhưng khi quay trở về thì trống trơn”, Mohammed, một cựu quan chức chính phủ nói và cho biết thêm, giá vé xe buýt đến biên giới đắt gấp đôi giá vé khứ hồi thường lệ.
Đối với những người đã từng làm việc cùng với người Mỹ và những người phương Tây khác, sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan và sự hỗn loạn sau đó là sự phản bội sâu sắc đối với cuộc sống của họ.
Anisa, người từng làm việc cho một số tổ chức phi chính phủ ở Kunduz, một thành phố ở miền Bắc Afghanistan, đã đốt tất cả tài liệu của cô khi Taliban tràn qua thành phố và lục soát nhà của những người bị nghi ngờ là làm việc với người nước ngoài.
Hiện tại, Anisa đang bị giam giữ trong một trại ở Kabul. “Tôi cảm thấy rất tồi tệ. Khi nhìn thấy Taliban, nỗi sợ hãi bao trùm toàn bộ con người tôi”, Anisa nói.
Senin, một sinh viên đại học 22 tuổi, cho biết, các chiến binh Taliban đã ngăn cô đến trường vào đầu tuần này. Hai người anh trai của cô, những người từng làm việc với lực lượng Mỹ, đã được sơ tán. Nhưng Senin bị bỏ lại phía sau với cha mẹ và em gái. Khi lực lượng Taliban biết mối quan hệ của gia đình Senin với người Mỹ, họ đã đe dọa gia đình cô.
“Tôi không thể chịu đựng nổi. Tất cả những giấc mơ của tôi đều đã tan vỡ”, Senin nói./.
Nguồn: vov.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.