Đầu năm 1858, tấm bia đá của vua Tự Đức được đưa xuống thuyền từ Huế vào Nam để dựng tại khu mộ ông Phạm Đăng Hưng ở Gò Công (Tiền Giang). Tuy nhiên, thật trớ trêu là phải mất đến… 140 năm, nó mới được đặt ở đúng vị trí mà người ta định đặt từ ngày đầu.
Từ cái chết của viên sĩ quan Pháp…
Sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha hạ thành Gia Định (17.2.1859), họ đã lập nên “phòng tuyến chùa” nổi tiếng gồm hệ thống 4 ngôi chùa: chùa Cây Mai, chùa Kiểng Phước, chùa Ao, chùa Khải Tường nằm dọc theo kênh Tàu Hủ, trên trục đường Sài Gòn đi Mỹ Tho.
Tập san Sử Địa số 3, năm 1966 – số đặc khảo về Trương Công Định, cho biết rằng ngay sau khi Gia Định thất thủ, các cánh quân Việt đã tổ chức kháng chiến. Theo đó: “Từ tháng 3.1859 (Kỷ Mùi) trở đi, quân Việt treo giá các đầu của các võ quan Pháp. Thế nên 5 tháng sau trận đánh chùa Kiểng Phước (diễn ra vào đêm 3.7 – rạng sáng 4.7.1860, và quân Việt thất bại – NV) có xảy ra vụ hành thích viên đại úy Barbé.”
Nicolas Barbé là đại úy thủy quân lục chiến Pháp, đóng đồn tại chùa Khải Tường, bị quân Việt ám sát vào tối 7.12.1860. Theo lời thuật của Tân Việt Điểu (học giả Thái Văn Kiểm, 1922 – 2015), Barbé bị quân kháng chiến của Trương Định lấy đầu. (tập san Sử Địa số 3, 1966).
Bìa tập san Sử Địa số 3, năm 1966
|
… và tấm ngự bia của vua Tự Đức lưu lạc 140 năm
Như trên đã nói, đầu năm 1858, tấm bia đá ghi công đức của ông Phạm Đăng Hưng được đưa xuống thuyền từ Huế vào Nam. Tuy nhiên khi đến khu vực cửa Cần Giờ, chẳng may thuyền chở tấm bia bị toán quân Pháp – do Nicolas Barbé chỉ huy, chặn lại và bia đá bị quân Pháp thu giữ. Barbé mang theo tấm bia đá lớn đó về chùa Khải Tường, nơi y đóng đồn sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha hạ được thành Gia Định.
Ngay từ năm 1859, khi chiếm được Gia Định, người Pháp đã xây dựng một nghĩa trang làm nơi chôn cất binh lính, sĩ quan Pháp tử trận trong cuộc xâm lược. Nghĩa trang ban đầu mang tên Cimetière Européen, rộng 7,5 ha nằm tại vị trí mà ngày nay được giới hạn bởi 4 con đường Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Phan Liêm, Điện Biên Phủ – chính là công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) hiện tại.
Nicolas Barbé chính là một trong số những sĩ quan Pháp đầu tiên được chôn tại nghĩa trang này. Sau khi Barbé bị ám sát ngày 7.12.1860, bạn hữu của y đã dùng chính tấm bia đá lớn thu được của người Việt từ 2 năm trước, để làm bia mộ cho y. Dòng chữ Pháp được khắc đè lên những chữ Hán cũ của tấm bia: “Ci-git Barbé, Capitaine d’Infanterie de Marine, tué dans une embuscade, le 7 Décembre 1860. Souvenir de ses camarades” (Đây là nơi yên nghỉ của Barbé, đại úy thủy quân lục chiến, bị phục kích đêm 7.12.1860. Kỷ niệm của các bằng hữu) – theo bài Từ Trần tộc từ đến Khải Tường tự được in trong cuốn Đất Việt trời Nam của học giả Thái Văn Kiểm (NXB Nguồn Sống, 1960)
Tấm bia đá kỳ lạ khắc chồng hai thứ chữ nói về hai người khác thế hệ, chưa hề quen biết nhau
|
Nghĩa trang sau đó được thay đổi tên gọi một vài lần, nhưng người Việt thì quen gọi là Đất Thánh Tây. Đến năm 1912, sau một số thay đổi về quy định, nghĩa trang này trở thành nơi chôn cất cho tầng lớp thượng lưu thuộc địa, và số lượng những ngôi mộ của giới thượng lưu Sài Gòn ở đây càng ngày càng tăng. Những ngôi mộ của lớp chiến binh Pháp từ cuối thế kỷ 18 dần dần bị rơi vào lãng quên và chìm trong cỏ dại. Mộ của Nicolas Barbé là một trong số đó.
Mãi đến năm 1983, chính quyền TP.HCM quyết định giải tỏa nghĩa trang xưa (đã được đổi tên thành nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi từ tháng 3.1955) để xây dựng công viên Lê Văn Tám, người ta lại vô tình tìm lại được tấm bia đá lớn gần như còn nguyên trong cỏ dại. Sau đó, tấm bia được đưa về nghiên cứu và bảo quản tại Bảo tàng TP.HCM.
Năm 1998, Bảo tàng TP.HCM tặng lại tấm bia cho khu di tích Lăng Hoàng gia – nơi đặt lăng mộ cụ Phạm Đăng Hưng tại Gò Công (Tiền Giang). Như vậy sau 140 năm, tấm bia đá của vua Tự Đức ban tặng cho ông ngoại của mình mới được trở về đúng chỗ ban đầu của nó.