“Tấm lòng nhân hậu. Nhờ có bác mà phụ huynh chúng tôi yên tâm hơn khi các con qua đường đến trường”; “Thật là tuyệt vời! Mỗi lần đi học về là cháu nhà em lại khoe hôm nay có bác đưa qua đường mẹ ạ!”; “Từ ngày biết buôn bán ở chợ đến giờ mới có Trưởng ban quản lý chợ đợt này nói đi đôi với làm, công việc nặng nhọc mà nhìn bác cười thật tươi”… Đó là những lời khen, lời cảm ơn của các bậc phụ huynh, của những người dân ở thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên dành cho chú Vũ Anh Tuấn (sống tại tổ dân phố Lê Hồng Phong, thị trấn Đu).
Sáng nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, dù mùa đông rét mướt hay những ngày hè nắng nóng, khi tôi đến trường là đã thấy chú Tuấn trong bộ quần áo giản dị, tay cầm chiếc gậy phản quang (chiếc gậy báo tín hiệu giao thông) đứng ở đoạn đường quốc lộ 3, nơi có lối rẽ vào trường tiểu học và THCS để đưa các cháu học sinh sang đường. Đây là đoạn đường dễ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là buổi sáng sớm và giờ tan tầm vì mật độ người tham gia giao thông đông, bao gồm cả học sinh, người dân và rất đông công nhân công ty may…
Chú Vũ Anh Tuấn (mặc bộ quần áo màu trắng sữa) đưa các cháu học sinh qua đường
|
Chú Tuấn chia sẻ: “Xe cộ ngược xuôi vun vút, nhìn thấy các cháu học sinh ngập ngừng sang đường mà thót tim”. Từ những lo lắng, trăn trở đó, chú đã không quản ngại khó khăn, vất vả, mỗi sáng dậy sớm hơn để làm công việc không ai trả lương mà đầy ý nghĩa nhân văn này. Các em học sinh không phải chờ quá lâu để sang đường nữa và cũng yên tâm hơn vì đã có chú Tuấn giúp đỡ. Chứng kiến cảnh chú xin đường và đưa từng nhóm học sinh qua đường an toàn, chắc hẳn ai cũng cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm, bởi việc làm ấm áp tình yêu thương của chú đã góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Tận tâm làm những việc không tên, không được trả lương
Là công nhân mỏ đã nghỉ hưu nhưng về địa phương, tôi thấy chú không lúc nào nghỉ ngơi. Thời gian đầu, chú xin vào làm bảo vệ ở trường tôi. Trong tâm khảm của các thầy cô giáo cũng như các em học sinh thì chú không chỉ là một bảo vệ làm công việc bảo vệ mà chú như một người anh, người chú, người bác thân thiết trong mái nhà đại gia đình THCS thị trấn Đu. Gần gũi, thân thiện, làm việc trách nhiệm và luôn quan tâm đến mọi người là điều mà tôi cảm nhận được từ chú.
Từ cái bóng điện hỏng, chiếc quạt trên lớp học không quay đến vệ sinh, đốt rác, chú đều nhiệt tình, xông xáo. Những giờ tan học, chú gọi điện cho bố mẹ các cháu được gia đình đưa đi học buổi sớm đến đón. Chú bơm xe, sửa xe cho những cháu học sinh chẳng may xe đạp bị xịt lốp, tuột xích hay rão phanh… Chú nhắc nhở các cháu học sinh ra về theo hàng, theo lối. Chú quan tâm đến học sinh như con cháu của mình vậy.
Chú Vũ Anh Tuấn chở vữa xây sửa đường vào chợ
|
Đặc biệt, những giải đấu bóng đá học sinh ở trường thì không thể thiếu chú với vai trò bình luận viên. Các trận đấu trở nên vô cùng hào hứng, sôi nổi đầy khí thế nhờ sự cổ vũ, bình luận rôm rả của chú. Hôm nào bận việc không lên được là cả cô và trò, ai cũng nhắc tới chú.
Hiện tại, UBND thị trấn Đu giao cho chú trọng trách Trưởng ban quản lý chợ. Chú không còn làm việc ở trường tôi nữa nhưng tôi vẫn thường xuyên được gặp chú. Thi thoảng, chú lại lên trường chơi, nói chuyện với chúng tôi thật đầm ấm, vui vẻ.
Với cương vị Trưởng ban quản lý chợ nhưng chú không nề hà việc gì, từ dọn dẹp, xây sửa…, chú đều xắn tay vào làm. Trên khuôn mặt của người đàn ông trung niên ấy luôn ánh lên niềm vui với nụ cười thân thiện. Bà con buôn bán ngoài chợ, ai cũng khen ngợi tác phong làm việc và tinh thần trách nhiệm của chú.
Là người tận tâm, nhiệt tình hết lòng vì công việc nên chú luôn được sự tín nhiệm của tổ chức, sự yêu quý của nhân dân. Ngoài trách nhiệm Trưởng ban quản lý chợ, chú còn là Bí thư chi bộ, Ủy viên Ban kiểm tra Đảng thị trấn Đu, Trưởng ban khuyến học Trường THPT Phú Lương.
Rất nhiều những việc không tên, những việc làm không ai trả lương cho chú, song chú đều làm bằng tình yêu thương, lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm muốn được cống hiến, làm đẹp cho đời. Tôi chợt nhớ đến lời bài hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Để gió cuốn đi) của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thiết nghĩ, tấm lòng đó chính là tình cảm, là sự quan tâm, chia sẻ yêu thương với mọi người xung quanh. Và có như vậy thì cuộc sống mới trở nên đáng yêu, đáng quý, tươi đẹp và giàu ý nghĩa.
“Nếu là con chim chiếc lá/Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. (Một khúc ca xuân, Tố Hữu). Đúng vậy, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Chú Vũ Anh Tuấn là một con người, một tấm gương như thế. Một con người bình dị, bình thường như bao người khác với những việc làm giản dị mà chứa đựng cả tấm lòng, mang niềm vui, hạnh phúc, bình an cho mọi người.
Trong vòng quay của xã hội với bao tất bật, lo toan cơm áo gạo tiền, chú Vũ Anh Tuấn chính là một đóa hoa đời thầm lặng tỏa hương, điểm tô cho cuộc sống những gam màu tươi mới.