“Mắt xích” kết nối chính quyền với doanh nghiệp

Ông Bùi Đức Giang,
Chủ tịch HHDN tỉnh Điện Biên

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, DĐDN có cuộc phỏng vấn ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Điện Biên xung quanh vấn đề này.

-Thưa ông, đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Theo thống kê của Hiệp hội, riêng trong quý II/2021, có tới 90% các doanh nghiệp trong toàn tỉnh phải giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có 52% doanh nghiệp bị giảm doanh thu trên 70%. Giảm sâu nhất thuộc nhóm lĩnh vực ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, vận tải: 90% doanh nghiệp giảm doanh thu trên 70%, cắt giảm đến 80% nhân công lao động; xây dựng tới 50% doanh nghiệp giảm doanh thu từ 30-50%, cắt giảm từ 30-50% lao động.

Nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh kéo dài, thì sẽ có khoảng 30% số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi phí lương cho người lao động, chi phí trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cùng các loại chi phí khác… Nhìn chung các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, mức độ tùy theo quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều lo ngại nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sẽ bị ngưng trệ khó hồi phục trong năm.

– Trước những khó khăn trên Hiệp hội đã khẳng định vai trò ngôi nhà chung giúp doanh nghiệp như thế nào thưa ông? 

Với phương trâm “Vừa phòng chống dịch bệnh Covid -19, vừa phát triển kinh tế”, Hiệp hội thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp hội viên về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến TTHC, cơ chế chính sách, sản xuất, kinh doanh… Từ đó, Hiệp hội đưa ra những kiến nghị chính quyền, ý kiến doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp hội viên, đảm bảo việc làm, đời sống cho CBCNV, an toàn trong lao động sản xuất, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid -19.

“Mắt xích” kết nối chính quyền với doanh nghiệp

Hiệp hội gặp mặt, đối thoại với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở ngành, UBND một số huyện Quý II/2021

Minh chứng, trong năm qua, Hiệp hội đã gặp mặt, trao đổi, đối thoại với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở ngành, UBND một số huyện, thị với 53 kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp hội viên, thuộc lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch và dịch vụ. Trong đó, có 34 kiến nghị đã được trả lời, giải quyết (chiếm tỷ lệ  64%) và 19 kiến nghị đã được trả lời nhưng chưa được giải quyết dứt điểm (chiếm tỷ lệ 36%). Phần lớn nội dung kiến nghị liên quan đến các TTHC…Sau những lần đối thoại, nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp hội viên đã được Tỉnh Uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo, sát sao kịp thời, tạo ra bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt trong công tác TTHC, giải ngân vốn đầu tư công và một số lĩnh vực liên quan.

Cùng với đó, Hiệp hội thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tạo thành chuỗi liên kết giữa các hội viên, các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Tạo sân chơi lành mạnh, thu hút các hội viên tham gia. Hiệp hội còn tổ chức cho các hội viên đi tham quan, học hỏi các doanh nghiệp khác ở tỉnh bạn, là địa chỉ tin cậy để một số Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh bạn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm như: Hiệp Hội Sơn La, Lai Châu.

Ngoài ra, Hiệp hội còn tuyên truyền đến các doanh nghiệp hội viên về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Củng cố hoàn chỉnh trang website thông tin của hiệp hội  (hiephoidoanhnghiepdb.vn). Tổ chức các hoạt động liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các hội viên; vận động hội viên hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước.

Cụ thể, Hiệp hội phối hợp với Công ty TNHH Giáo dục và TMDV Hoa Ba tỉnh Điện Biên (Siêu thị Hoa Ba) thành lập gian hàng Hiệp hội đã thu hút được nhiều doanh nghiệp hội viên tham gia trưng bày các mặt hàng đặc trưng của doanh nghiệp hội viên như: Rượu men lá, cà phê mường ảng, chè phan nhất, gạo Điện Biên, bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ… Phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Điện Biên triển khai chương trình ưu đãi tín dụng đối với các doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội với các chính sách hỗ trợ giảm 1% lãi suất/năm so với mặt bằng lãi suất thị trường, kỳ hạn, tài sản đảm bảo, thời gian xử lý hồ sơ linh hoạt và gồm nhiều ưu đãi khác…

– Còn với chính quyền tỉnh, chắc hẳn đã có những giải pháp góp phần giúp doanh nghiệp trụ vững trước ảnh hưởng dịch Covid-19 thưa ông?

Đúng vậy, cùng với những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp; các chính sách thuế, mặt bằng sản xuất, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Đồng thời, tỉnh đã có những biện pháp, xử lý tình huống kịp thời cùng các huyện, thị thực hiện một số biện pháp vừa ngăn chặn dịch, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân nhằm thực hiện mục tiêu kép, theo tinh thần Nghị quyết 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

“Mắt xích” kết nối chính quyền với doanh nghiệp

Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị đối thoại

Những nỗ lực của chính quyền tỉnh đã tạo “luồng gió mới” đưa nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến định cư làm ăn lâu dài tại mảnh đất Điện Biên. Riêng từ đầu năm đến nay, mặc dù ảnh hưởng đại dịch Covid -19 nhưng toàn tỉnh đã có thêm 43 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng, có thêm 19 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 1.470 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 26.875 tỷ đồng và 224 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp. Có 210 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 31.700 tỷ đồng.

– Để môi trường đầu tư kinh doanh Điện Biên ngày càng thông thoáng, bình đẳng, minh bạch. Với vai trò Chủ tịch HHDN tỉnh Điện Biên, điều gì khiến các doanh nghiệp còn băn khoăn?

Thực tế, các doanh nghiệp mong muốn tỉnh xây dựng hoàn chỉnh quy trình từng bước thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) một cách đầy đủ, chi tiết, quy định rõ ràng về thời gian, cơ quan đơn vị cụ thể để xử lý công việc một cách triệt để và đúng theo quy định Luật Đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh sớm ban hành Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia ý kiến điều chỉnh quy hoạch chi tiết, cụ thể theo từng hạng mục, sát với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng thời kỳ.

“Mắt xích” kết nối chính quyền với doanh nghiệp

Với 53 kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp hội viên, có 34 kiến nghị đã được trả lời, giải quyết (chiếm tỷ lệ 64%) và 19 kiến nghị đã được trả lời nhưng chưa được giải quyết dứt điểm (chiếm tỷ lệ 36%).

Điều đáng nói, tỉnh rất quan tâm chú trọng đến việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp ngoài tỉnh thì được tỉnh quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ. Trong khi, một số nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa thực sự được chú trọng, quan tâm. Vì vậy, Hiệp hội mong muốn tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát huy nguồn nội lực, tạo động lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Điện Biên.

Đồng thời, cho phép Hiệp hội được cử thành viên có năng lực, trình độ (là Đảng viên, Đại biểu HĐND các cấp…), tham gia cùng các đoàn thanh, kiểm tra liên quan đến các kiến nghị, khiếu kiện, những vụ việc gây bức xúc dư luận của HHDN tỉnh và các doanh nghiệp hội viên…

– Xin cảm ơn ông!