Hiệu trưởng Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế
Nhắc đến đại tá Phan Tử Lăng, TS Sử học Nguyễn Văn Khoan chia sẻ: “Một người vì mọi người, vì mình, vì anh em binh lính và đồng bào, vì nhân dân, vì cách mạng… Một con người như Phan Tử Lăng, không dễ gì nhân dân Huế quên, mà như họ vẫn nhớ”.
Đại tá Phan Tử Lăng (1913 – 1993), quê gốc ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh là cụ Phan Tử Phong, trước 1945, làm quan đến hàm tam phẩm Nam triều.
Tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, vì thời đó ở Huế chưa mở các lớp cấp III, Phan Tử Lăng phải ra Hà Nội học tiếp tú tài. Sau đó, ông vào học trường Võ bị mở ở Tông (Sơn Tây – Hà Nội ngày nay) đào tạo sĩ quan người Việt trong quân đội Pháp. Cùng khóa với ông, có ông Dương Văn Minh, sau này là Đại tướng, Tổng thống VNCH.
Còn ông Phan Tử Lăng, theo hồi ký của Phó thủ tướng Hoàng Anh, khi Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, ông Phan Tử Lăng được giao làm “Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang”. Ngoài việc Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang gồm toàn người Việt được tổ chức trên cơ sở các đội lính khố xanh, khố đỏ, ông còn trực tiếp chỉ huy lực lượng Bảo an binh Trung bộ.
Trong Chính phủ Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng, mà chỉ có Bộ Thanh niên. Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh cùng ông Tạ Quang Bửu và ông Phan Tử Lăng bàn bạc, thống nhất thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, do ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng. Ngôi trường này sau đó đã đóng góp cho đất nước 2 vị bộ trưởng và 8 vị tướng. Đó là Bộ trưởng Phan Anh và Bộ trưởng Tạ Quang Bửu; Trung tướng Cao Văn Khánh, Thiếu tướng Đào Hữu Liêu, Thiếu tướng Đoàn Huyên, Thiếu tướng Mai Xuân Tần, Thiếu tướng Võ Quang Hồ, Thiếu tướng Phan Hàm, Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm và Thiếu tướng Cao Pha (Nguyễn Thế Lương).
Biết ông Phan Tử Lăng là một người có tinh thần yêu nước, trung thực, sống giản dị, ông Hoàng Anh cùng những người lãnh đạo Việt Minh ở Huế nghĩ rằng, trước tình hình mới, cần vận động thuyết phục ông Lăng góp phần cứu nước. Hai ông Lê Khánh Khang và Nguyễn Thế Lâm là học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế đã bố trí để ông Hoàng Anh gặp ông Phan Tử Lăng tại nhà riêng.
Học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế bên bàn thờ thầy Hiệu trưởng Phan Tử Lăng
|
Khi Huế tổng khởi nghĩa (23.8.1945), ông Phan Tử Lăng đã đứng về phía cách mạng, để cán bộ Việt Minh xuống các đồn và đơn vị để tuyên truyền giải thích chính sách chủ trương của Việt Minh. Trung tướng Lê Tự Đồng đánh giá: “Chính lực lượng Bảo an binh của anh Phan Tử Lăng và anh em sinh viên Trường Thanh niên Tiền tuyến dưới quyền chỉ huy của anh Phan Tử Lăng đã đóng góp đáng kể vào việc giành chính quyền ở Huế”.
Người không nói về mình
Cách mạng tháng Tám thành công, ông Phan Tử Lăng được cử làm Phó tư lệnh Quốc phòng Trung bộ (Tư lệnh là ông Nguyễn Chánh), Khu trưởng Khu 6 rồi sau đó ra Hà Nội.
Tháng 3.1946, ông Phan Tử Lăng được điều động ra Trung ương, giữ chức Cục trưởng Cục Quân chính. Ông chính là người đã soạn Quy tắc Quân đội Quốc gia Việt Nam. Ông viết trong hồi ký: “Tôi được giao chức Cục trưởng Cục Quân chính, với nhiệm vụ trước hết là soạn ra Quy tắc Quân đội Quốc gia Việt Nam, được Bác tự tay duyệt và ban hành bằng Sắc lệnh 71/SL ngày 22.5.1946, rồi Bộ Quốc phòng xuất bản (một cuốn sách nhỏ bỏ túi) kịp cho phái đoàn Chính phủ ta đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Mục đích cho bên ấy biết đã có quân đội, quy mô, có kỷ cương nền tảng”.
Có một điểm trong bản quy tắc mà đại tá Phan Tử Lăng rất thích, đó là quy định: “Về cách ăn uống thì trong quân đội ta không chung đụng qua chén, bát, thìa, đũa…”. Ông tự đánh giá, đây là một sự đổi mới sâu sắc về phong hóa. Để thực hiện nghiêm túc quy định này trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo và đang thời kỳ kháng chiến, sinh hoạt ở núi rừng, các đơn vị đã có sáng kiến áp dụng nếp ăn trở đầu đũa khi gắp thức ăn chung, và cắt một đoạn nứa có mắt làm cốc riêng để làm ca uống nước.
Hội nghị Fontainebleau tan vỡ. Thời gian hòa bình giữa Việt Nam và Pháp chấm dứt. Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Chính phủ rời Hà Nội lên Việt Bắc trường kỳ kháng chiến. Lên chiến khu Việt Bắc, ông Phan Tử Lăng được Chính phủ phong quân hàm đại tá ngay từ đợt đầu (1948). Làm việc tại Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh, đại tá Phan Tử Lăng lần lượt giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân nhu; Chánh án Tòa án binh Trung ương; Cục trưởng Cục Quân khí… chuẩn bị cơ sở vật chất cho Điện Biên Phủ.
Năm 1959, sau gần 15 năm tham gia quân đội, đại tá Phan Tử Lăng được chuyển ra nhận công tác ở các cơ quan dân chính. Ông làm Chỉ huy phó công trình Khu gang thép Thái Nguyên. Tiếp đó là Phó ban Thanh tra Bộ Cơ khí luyện kim, Trưởng ban Thanh tra UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Bình Trị Thiên… Ông nghỉ hưu năm 1978 ở tuổi 65.
Trong cuốn sách Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 – Một hiện tượng lịch sử, ông Mai Duy Hồ đã bình luận về đại tá Phan Tử Lăng như sau: “Ở Việt Bắc thủ đô kháng chiến ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen là một cán bộ liêm khiết, ở Cố đô Huế ông là một Trưởng ban Thanh tra mẫu mực của tỉnh Bình Trị Thiên. Cuộc đời hoạt động của ông có rất nhiều mặt tốt mà ít ai biết vì ông không bao giờ nói về mình”… (còn tiếp)
Không giữ quà tặng của Bác làm của riêng
“Khoảng năm 1948-1949, ở chiến khu Việt Bắc tôi bỗng nhận được một gói quà của Bác: Một áo lụa trắng kèm theo một thư viết tay ngắn gọn của Bác. Tôi còn nhớ đại ý là: “Đồng bào biếu Bác, Bác gửi biếu anh”. (…) Trong hoàn cảnh thiếu thốn chung, tôi nghĩ đến anh chị em trên chiến trường, không nỡ nhận riêng cho mình, sau đó đã chuyển gửi nhờ Bộ Tư lệnh Quân khu IV xét tặng cho một đồng chí thương binh…”. (Đại tá Phan Tử Lăng)
|