Saturday, November 23, 2024

Dâng trào cảm xúc “Tự hào hai tiếng Việt Nam” qua ca khúc của nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh



Ca khúc “Tự hào hai tiếng Việt Nam” là câu chuyện về người Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng vẫn giữ được những tố chất rất kiên cường, quật khởi và luôn hiên ngang hướng về phía trước.

 

Nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh sinh năm 1984 tại Thái Bình, hiện là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Tuy đến với sáng tác chưa lâu nhưng anh đã có những bài hát ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa và ca ngợi lực lượng vũ trang rất đáng chú ý như: “Hà Nội Sài Gòn và em”, “Hoài niệm”, “Thái Bình quê hương tôi”, “Lên đường”, “Tình ca lính biên phòng”…

Mới đây, nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh đã gửi ca khúc mới sáng tác mang tên “Tự hào hai tiếng Việt Nam” đến Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Viet Nam” do VOV tổ chức. 

Chia sẻ về ca khúc này, nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh cho biết: “Từ lâu rồi tôi đã muốn viết cho mình một ca khúc in đậm từ quá khứ đến hiện tại và tương lai về con người, đất nước Việt Nam. Tôi muốn kể câu chuyện về người Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng vẫn giữ được những tố chất rất kiên cường, quật khởi và luôn hiên ngang hướng về phía trước. Để đến bây giờ, chúng ta được sống ở một đất nước tươi đẹp, hòa bình và đang ngày càng phát triển. Đó chính là tinh thần lạc quan tôi muốn mở đầu cho ca khúc này”.

Chỉ trong một ngày, nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh đã chắt lọc được cảm xúc để lên giai điệu và âm hoàn chỉnh cho ca khúc.

Bài hát có cấu trúc rất gọn gàng gồm 3 đoạn đơn và sau đó là phần điệp khúc. Đoạn đầu tiên nói về quá khứ với nhiều khó khăn nhưng luôn hiên ngang nhìn về phía trước. Đoạn tiếp theo nói về những cuộc chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua. Đoạn thứ 3 là đất nước Việt Nam tươi đẹp với cái nhìn lạc quan.

Đoạn điệp khúc, tác giả đã dẫn dắt khán giả đi từ Nam ra Bắc, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau để cùng cảm nhận vẻ đẹp của Việt Nam, về sức lao động của con người Việt Nam để đất nước ngày càng trở nên rực rỡ, vinh quang.

 

 

Những câu hát “Người Việt Nam tôi bao đời vẫn thế – Bốn nghìn năm với những bể dâu – Bốn nghìn năm với những khổ đau – Vẫn hiên ngang vượt trùng dương ra biển lớn”… tóm gọn lại toàn bộ thông điệp mà nhạc sĩ muốn truyền tải.

Phần phối khí ca khúc cũng được tác giả chăm chút. “Tự hào hai tiếng Việt Nam” thuộc thể loại chính ca, trữ tình lãng mạn nhưng cũng rất mạnh mẽ. Vào đoạn hai của phần điệp khúc, nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh và nhạc sĩ phối khí là Phạm Tuấn Anh đã thêm vào giai điệu sáo để cho bài hát thêm mềm mại và có một chút màu sắc dân gian.

Sau khi hoàn thành ca khúc, nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh đã nhờ đồng hương là Sao Mai Lê Xuân Hảo thể hiện. Trước đó, Xuân Hảo cũng đã từng thể hiện 2 ca khúc của Bùi Hoàng Uyên Minh là “Thái Bình quê hương tôi” và “Cô giao liên ngày ấy”. 

Nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh chia sẻ: “Mỗi một người viết nhạc sau khi thu xong 1 bài hát thì đều có một cảm xúc rất xúc động và tự hào. Đây là ca khúc tôi đã mong đợi từ lâu. Tôi cũng rất hài lòng vì được kết hợp với nhạc sĩ phối khí tôi rất ưng ý, ca sĩ mà tôi rất trân trọng. Thành quả thu xong cũng khiến mọi người hài lòng”.

Là một nhạc sĩ trẻ, Bùi Hoàng Uyên Minh vẫn đang vừa viết, vừa quan sát, lắng nghe những sáng tác của các nhạc sĩ đi trước và các sáng tác đương thời để học hỏi, phát triển khả năng. Sau “Tự hào hai tiếng Việt Nam”, Bùi Hoàng Uyên Minh hy vọng có thể viết tiếp thêm một vài tác phẩm để ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam. 

“Ở thời đại 4.0, việc sáng tác cũng rất rộng mở với các nhạc sĩ. Theo như tôi thấy, những sân chơi như Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Viet Nam” rất bổ ích và nó làm cho mọi người gắn kết với nhau hơn, học hỏi với nhau hơn và chắc chắn là từ những đó thì sẽ có những tác phẩm có giá trị hơn nữa trong thời gian tới” – nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh cho biết./.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Viet Nam” do VOV tổ chức để chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Toàn Quốc lần thứ 13 của Đảng CSVN, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước năm 2021. Đây là cuộc vận động sáng tác rộng rãi nhất, toàn diện nhất dành cho các tác giả chuyên, không chuyên nghiệp trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, những tác giả nước ngoài muốn chia sẻ tình yêu đối với Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi kéo dài đến hết 29/8/2021. Mỗi tác giả được gửi tối đa 2 tác phẩm (tác phẩm mới sáng tác, chưa được giải thưởng ở bất kỳ cuộc vận động hoặc cuộc thi sáng tác nào). Các tác phẩm gửi về tham dự phải có nhạc bản. Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả gửi kèm theo CD hoặc DVD, file âm thanh, hình ảnh (tự thu hoặc dàn dựng).

Địa chỉ nhận bài thi: Ban Âm nhạc VOV3, Đài TNVN, Tầng 6, Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Hoặc gửi qua hòm thư điện tử: vov3@vov.vn.

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng. 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng. 2 giải nhì, mỗi giải trị giá 25 triệu đồng. 3 giải ba, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng. 8 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. 2 giải phụ: Giải triển vọng – Giải bình chọn của khán thính giả, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng.

Các tác phẩm đoạt giải sẽ được dàn dựng, thu thanh, giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình và nền tảng số của Đài TNVN. Lễ công bố và trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12/2021./.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img