Không hiệu quả
Thông tin từ Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho biết không tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 của thành phố này với lý do hình thức trực tuyến sẽ không đạt hiệu quả như mong đợi, khó đạt được chất lượng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, dù chỉ là ở mức độ căn bản nhất là đọc thông, viết thạo, tính toán cơ bản.
Do đó, nếu đến ngày 15.9, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thì Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố điều chỉnh thời gian tựu trường phù hợp cho học sinh tiểu học nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên và cán bộ nhà trường.
Dù là thành phố trực thuộc TƯ, điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi so với mặt bằng chung cả nước, nhưng Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ nhận định điều kiện nền tảng công nghệ thông tin đối với hầu hết các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học online. Nhiều giáo viên tiểu học cũng chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng dạy học trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm tiểu học lại dạy học nhiều môn khác nhau.
Hàng loạt lý do khác được Sở này đưa ra đến từ chính sự non nớt của học sinh lớp 1, như: học sinh chưa có kỹ năng cần thiết để học trực tuyến và làm chủ phương tiện công nghệ thông tin, trẻ rất bỡ ngỡ khi bước vào môi trường học tập mới; chưa tạo dựng được mối quan hệ tình cảm thân thiết giữa cô và trò. Trẻ nhỏ tiếp cận phương tiện công nghệ thông tin sớm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý,…
“Trẻ nhỏ cần lắm sự yêu thương, gần gũi, động viên, dạy dỗ từ cô giáo để có động lực học tập”, đại diện Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ chia sẻ.
Theo Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, phụ huynh cũng chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng sư phạm để dạy con học. Phụ huynh và cô giáo lớp 1 chưa có mối liên hệ, cùng hợp tác để giáo dục và dạy học cho trẻ lớp 1. Nhiều gia đình còn khó khăn trong việc mưu sinh trong mùa đại dịch (đặc biệt vùng nông thôn), không thể mua sắm thiết bị cho con học trực tuyến. Mặt khác, nếu các cháu học trực tuyến thì phụ huynh cũng không có nhiều thời gian để hỗ trợ việc học cho con…
Ngày 29.8, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng chỉ đạo bao giờ tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát an toàn mới cho học sinh đi học, riêng cấp mầm non, tiểu học không tổ chức học trực tuyến.
Đối với các trường tiểu học, tận dụng thời gian an toàn để dạy học trực tiếp các kiến thức cốt lõi. Có giải pháp cụ thể để phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các em học tập và rèn luyện kỹ năng cơ bản tại nhà.
Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng yêu cầu ngành GD-ĐT và các địa phương tính toán lùi thời gian đến trường để đảm bảo an toàn cho học sinh. Riêng các cháu lớp nhỏ như mầm non, tiểu học không tổ chức học trực tuyến. Đồng thời, các địa phương phải rà soát, thành lập các khu cách ly tập trung và trả trường học lại cho học sinh.
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng khẳng định không xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến với lớp 1 vì theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT, học sinh lớp 1 còn chưa biết chữ nên không thể học trực tuyến được.
Tuy nhiên, do chưa dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến ra sao nên ngành GD-ĐT tỉnh quyết định dạy qua truyền hình trong điều kiện không thể đến trường vì dịch, nhằm thuận lợi cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Trong khi đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ hướng dẫn dạy học trực tuyến với lớp 1 trên địa bàn theo đúng hướng dẫn mà Bộ GD-ĐT đã ban hành.
Học sinh lớp 1 rất cần học trực tiếp vì đặc thù của lứa tuổi này
|
Chỉ dạy trực tuyến khi không còn “đường lùi”
Một số địa phương xây dựng nhiều phương án dạy học khác nhau ứng phó với dịch bệnh và việc dạy học trực tuyến, đặc biệt với lớp 1, chỉ thực hiện khi không còn quỹ thời gian năm học để lùi.
Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang có văn bản gửi các phòng GD-ĐT về việc hướng dẫn cấp tiểu học tổ chức dạy học ứng phó dịch Covid-19 rất bài bản và thận trọng với 3 phương án dạy học trong điều kiện dịch bệnh.
Cụ thể, phương án 1, học sinh toàn trường đi học trở lại sau khi nghỉ học theo chỉ đạo phòng dịch của địa phương, các trường lùi thời gian kết thúc năm học theo hướng dẫn của phòng GD-ĐT; trường hợp không còn quỹ thời gian để lùi cho năm học thì sử dụng chương trình rút gọn theo văn bản Sở GD-ĐT đã ban hành.
Phương án 2, tổ chức cho học sinh học trực tiếp kết hợp với trực tuyến đối với các khối lớp có học sinh nghỉ học để thực hiện cách ly dịch Covid-19.
Phương án cuối cùng, nếu học sinh toàn trường tạm dừng đến trường theo chỉ đạo phòng dịch của địa phương và không còn quỹ thời gian đẩy lùi kết thúc năm học, các trường chuyển sang dạy học trực tuyến kết hợp với giao bài cho học sinh tự học.
Riêng đối với học sinh lớp 1, Sở GD-ĐT tỉnh này chỉ đạo rõ: “Nếu học sinh phải nghỉ học khi chưa có thể tự đọc, nhà trường linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến với các nội dung ôn tập kiến thức đã học của môn tiếng Việt và toán; tập trung chủ yếu dạy học các môn nghệ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm”.
Bắc Giang cũng chỉ đạo ưu tiên bố trí thời gian dạy học môn tiếng Việt, toán và các môn chưa được học trực tuyến khi học sinh trở lại trường. Tất cả học sinh sau quá trình học trực tuyến phải được kiểm tra để bổ sung kiến thức khi trở lại trường học theo chương trình giáo dục hiện hành và được đánh giá kết quả học tập theo quy định.
Đối với học sinh thuộc diện cách ly y tế tập trung không có điều kiện học trực tuyến hoặc giao bài tập, các trường chủ động tổ chức dạy học để bổ sung, củng cố các kiến thức, kỹ năng cơ bản đảm bảo chương trình và tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh xong trước khi vào năm học mới.
Một số địa phương khác cũng tỏ ra rất thận trọng với việc dạy học trực tuyến nói chung. Sở GD-ĐT Kiên Giang mới đây đã chỉ đạo chưa tổ chức dạy học qua môi trường internet, với lý do trước tình hình dịch bệnh phức tạp, để bảo đảm an toàn cho học sinh và chất lượng giảng dạy, ngành giáo dục tỉnh này quyết định sử dụng trước 2 tuần dự phòng để lùi lịch dạy và học chính thức vào ngày 20.9 tại trường.
Nếu sau 20.9, tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, Sở GD-ĐT đề nghị các trường triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh với các giải pháp phù hợp, có hỗ trợ riêng với khoảng 20% học sinh vùng khó khăn, thiếu thiết bị.