Giảm lời, chưa chốt lỗ
Theo nhận định của ông Nguyễn Tấn Tâm, quản lý trang Review Bất Động Sản, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 này đã làm ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế. Các nhà đầu tư dùng đòn bẩy ngân hàng để đầu tư bất động sản hiện đang có tâm lý sợ hãi. Nhưng đối với nhà đầu tư có tiền mặt nhàn rỗi họ thì bất động sản luôn là kênh đầu tư hàng đầu.
Đa số các dự báo đều cho rằng thị trường bất động sản khó giảm giá, thậm chí còn tăng sau khi dịch bệnh được khống chế
|
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng lúc này có nhiều người khó khăn nhưng cũng có nhiều người vẫn còn tiền mặt. Trong kinh doanh, khó khăn của người này lại là cơ hội của người kia và bất động sản luôn luôn là kênh mà hầu hết người dân đều mong muốn hướng đến. Người Việt Nam có văn hoá sở hữu nên bất động sản là kênh được ưu tiên nhiều nhất. Hiện thị trường không phải khủng hoảng đóng băng như những năm trước mà do dịch bệnh nên tạm dừng, chủ đầu tư không triển khai bán hàng, xây dựng; các chính sách phong toả cũng khiến nhà đầu tư, khách hàng không thể đi xem nhà đất để xuống tiền được. Do đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát, việc đi lại thuận tiện hơn, thị trường sẽ trở lại bình thường, thậm chí còn tăng hơn rất nhiều bởi vì yếu tố lạm phát.
“Hiện chưa xuất hiện tình trạng bán tháo cắt lỗ mà chỉ có bán giảm lời. Nghĩa là trước dịch họ kỳ vọng đầu tư vào bất động sản lời 20% thì nay họ bán với mức lợi nhuận kỳ vọng 10% và họ sẽ chọn một trong nhiều bất động sản họ đang có để bán chứ không phải bán ồ ạt”, ông Phúc nói.
Một chuyên gia bất động sản nói rằng, dựa trên các số liệu gần đây về các dự án của Hưng Thịnh, Masterise… mở bán online với tỉ lệ mở bán thành công đạt 98-100%, hay như Công ty Thắng Lợi mở bán dự án The Sol City ở Long An bằng hình thức online đã thu về được 140 tỉ đồng…. có thể thấy tiền trong dân vẫn còn nhiều. Ông này phân tích giá bất động sản khó giảm khi giá một dự án được hình thành bởi 5 yếu tố gồm: tiền đất, tiền xây dựng, chi phí vốn, chi phí quản lý, lợi nhuận kỳ vọng. Cả 5 yếu tố này không những không giảm còn tăng, chỉ có yếu tố lợi nhuận kỳ vọng chủ đầu tư có thể giảm, nhưng không nhiều. Thời điểm hiện tại họ không giảm giá trực tiếp mà giảm gián tiếp bằng hình thức khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu…
Xu hướng “bỏ phố” về quê
Theo bà Phạm Minh Nguyệt, Giám đốc Marketing Công ty Pzopzy, thị trường bất động sản tại TP.HCM luôn có một nhu cầu rất lớn và là những nhu cầu chính đáng từ phía người dân. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng đã xuống thấp từ khoảng quý 4/2020 đến nay khiến bất động sản trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm. Thời gian gần đây, các số liệu của công ty cho thấy tỷ lệ khá cao những người có sổ tiết kiệm trong khoảng 3 –7 tỉ đầu tư vào bất động sản vì lãi suất tiết kiệm cũng đã xuống khá thấp. Ngoài ra, lãi suất vay có xu hướng giảm cũng kích thích các nhà đầu tư vay tiền mua bất động sản. Thực tế trong chu kỳ 18 tháng từ tháng 1.2020 – 6.2021 giá giao dịch bất động sản tại các khu vực tại TP.HCM tuy có bị tác động qua các đợt dịch nhưng nhìn chung trong xu thế tăng giá. “Về góc nhìn dài hạn, mặc dù dịch Covid có những tác động đến cuộc sống, việc kinh doanh buôn bán, sinh hoạt… của người dân, nhưng chúng tôi cho rằng những vấn đề này là những yếu tố tạm thời chứ không tác động đến nhu cầu bất động sản tại TP.HCM và nhu cầu này sẽ tiếp tục mạnh mẽ theo đà phục hồi kinh tế của TP.HCM và Việt Nam trong những năm sắp tới.
Dự báo sau khi dịch được kiểm soát sẽ có làn sóng “bỏ phố về quê” mua nhà đất
|
Ông Đặng Trung Hiếu, lãnh đạo Công ty Cổ phần Bất động sản Gia Minh, nhận định, hiện nay các chủ đầu tư, nhà đầu tư vẫn đang cầm cự, chưa có chuyện giảm giá, cắt lỗ. Các nhà đầu tư đang thích nghi dần với dịch, cộng với các chính sách vĩ mô đang tốt lên sẽ là cơ hội để tìm một bất động sản nhằm bảo toàn dòng tiền. Dịch bệnh kéo nhiều người về quê để gần gũi tự nhiên, khí hậu tốt, mật độ dân cư thưa nhưng hạ tầng vẫn kết nối tốt để trốn dịch nên sau dịch sẽ có một làn sóng các nhà đầu tư về các tỉnh có khí hậu, cảnh quan tốt mua nhà đất làm căn nhà thứ hai. Từ đó làm cho thị trường bất động sản vùng ven bùng nổ, thậm chí tăng giá.
Mặc dù vậy, một chuyên gia bất động sản cũng cảnh báo, trong ngắn hạn, nếu tình hình dịch bệnh tại TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp đến cuối quý 3 sẽ khiến doanh số của một số doanh nghiệp bất động sản sẽ bị ảnh hưởng do việc bán hàng bị hạn chế. Về dài hạn thì đây là cơ hội cho thị trường bất động sản. Bởi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ đẩy mạnh và quyết liệt hơn trong nửa cuối 2021. Các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của nó trong tương lai. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, cùng với lãi suất vay thế chấp thấp lịch sử, cũng như nút thắt pháp lý đang dần được nới lỏng, thị trường bất động sản sẽ bật lên mạnh mẽ ngay khi dịch được kiểm soát.