Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với đề xuất của 14 Hiệp hội về miễn đóng phí công đoàn hết năm, song phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề xuất miễn đóng phí Công đoàn của 14 Hiệp hội doanh nghiệp phải trình Quốc hội

Ngày 30/8, 14 Hiệp hội doanh nghiệp đã gửi kiến nghị tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.

Trao đổi với báo chí về đề xuất của 14 Hiệp hội, Hội doanh nghiệp ngành hàng đề xuất miễn đóng phí công đoàn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, theo Luật Công đoàn, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Cụ thể, việc các hiệp hội kiến nghị miễn đóng kinh phí Công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8/2021 đến ngày 31/12/2021 cho các doanh nghiệp và người lao động nằm trong khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, ông Phan Văn Anh cho biết, việc đóng kinh phí Công đoàn đã được quy định trong Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Do vậy, nội dung miễn đóng kinh phí Công đoàn không thuộc thẩm quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.  ông Phan Văn Anh cho biết.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, Tổng Liên đoàn đã có Công văn số 2497/TLĐ gửi Bộ KH&ĐT góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó có nội dung tham mưu việc nghiên cứu, xem xét việc miễn nộp đoàn phí Công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022.

Đồng thời, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được giảm đóng kinh phí Công đoàn trong năm 2021 và 2022. 

Song mức giảm bao nhiêu, thực hiện thế nào thì phải chờ Quốc hội thông qua. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ cùng với bộ ngành thống nhất những nhóm doanh nghiệp nào được miễn giảm.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động đã có chủ trương lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đến ngày 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 quy định tại Công văn số 2059/TLĐ ngày 28/5/2021.

Điều đáng nói, tại Công văn 2059/TLĐ quy định về việc lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến ngày 31/12/2021 chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho rằng điều kiện này khiến doanh nghiệp khó “với tới” chính sách hỗ trợ nói trên.

Đề xuất miễn đóng phí Công đoàn của 14 Hiệp hội doanh nghiệp phải trình Quốc hội

 Quy định áp dụng lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19  tại Công văn 2059/TLĐ vẫn được cho là “ngoài tầm tay” với doanh nghiệp.

Tới ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP trong đó có quy định về đối tượng thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4 năm 2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương).

Do đó, để phù hợp với Nghị quyết số 68/NQ-CP, Tổng Liên đoàn Lao động cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc lùi đóng kinh phí Công đoàn đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương.

Trước đó, ngày 30/8, 14 Hiệp hội, Hội doanh nghiệp ngành nghề gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đã gửi kiến nghị tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh việc đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn, các Hiệp hội doanh nghiệp còn đề xuất mở rộng nhóm thụ hưởng hỗ trợ một triệu đồng tiền ăn cho doanh nghiệp “ba tại chỗ”. Trả lời về vấn đề này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết đã chỉ đạo công đoàn cơ sở rà soát thêm doanh nghiệp thực hiện “một cung đường, hai điểm đến”; doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ” tại địa phương áp dụng Chỉ thị 16 theo khu vực. Trên cơ sở thống kê, cơ quan này sẽ có hỗ trợ phù hợp, vừa “chia lửa” với doanh nghiệp, vừa hỗ trợ người lao động và nằm trong khả năng tài chính công đoàn.

Về kiến nghị cho doanh nghiệp được dùng quỹ công đoàn kết dư tại doanh nghiệp để trả chi phí xét nghiệm, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói việc này công đoàn cơ sở chủ động, cơ quan đã có hướng dẫn cho các cấp.