Tối 8.9, người dân TP.HCM cảm thấy phấn chấn khi đón nhận thông tin chính quyền cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được mở cửa từ 6 – 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán mang về. Quyết định mở cửa quán ăn được TP.HCM đưa ra sau 2 tháng tạm dừng hoạt động này để thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn thành phố, áp dụng từ ngày 9.7.
Tuy nhiên, khái niệm “bán mang đi” và “bán mang về” đang được nhiều người dân hiểu theo các cách khác nhau, chủ yếu rơi vào cách diễn giải câu hỏi “Người dân được đi ra ngoài để mua hàng hay chỉ được đặt hàng qua mạng, nhận hàng từ shipper?”.
Ở khu vực trung tâm TP.HCM, lãnh đạo UBND Q.3 cho biết quận đã chủ động xây dựng phương án mở cửa một số loại hình cho giai đoạn sau ngày 15.9, nên khi thành phố có hướng dẫn triển khai sớm hơn thì quận cũng đã có sự chuẩn bị.
Trong hôm nay, quận sẽ có hướng dẫn về các phường để rà soát, đánh giá cơ sở đủ điều kiện hoạt động. Cụ thể, cơ sở được phép kinh doanh trong thời điểm này thì chủ cơ sở và người lao động phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin; trước khi quay lại làm việc thì phải test Covid-19 và có kết quả âm tính; cơ sở phải thực hiện 3 tại chỗ, quá trình hoạt động phải gắn với nguyên tắc 5K.
Một điều kiện quan trọng nữa là khi giao nhận hàng phải đảm bảo giãn cách, người đến lấy hàng mà không đảm bảo giãn cách thì cũng không được hoạt động.
Chỉ những cơ sở kinh doanh ăn uống đủ điều kiện mới được phép hoạt động
|
Lãnh đạo UBND Q.3 nhấn mạnh các cơ sở kinh doanh chỉ được hoạt động theo thức mua bán trực tuyến, không phục vụ trực tiếp. Do đó, các cở kinh doanh phải liên kết với hệ thống giao nhận hàng thông qua shipper, đồng thời khuyến khích thanh toán trực tuyến. Như vậy, người dân muốn mua đồ ăn, thức uống thì phải đặt hàng trực tuyến.
Các tổ công tác của phường sẽ kiểm tra, đánh giá cơ sở nào đủ điều kiện theo bộ tiêu chí và gắn bảng điểm kinh doanh an toàn; không phải cơ sở kinh doanh ăn uống nào cũng được phép hoạt động.
Người ra đường có được mua trực tiếp?
Trên thực tế, hiện nay nhiều người được phép lưu thông trên đường như: công nhân vệ sinh môi trường, dịch vụ bưu chính, viễn thông, phóng viên, lực lượng phòng chống dịch, tình nguyện viên… Vậy những người này có được phép dừng trước cơ sở kinh doanh ăn uống để mua đồ ăn thay vì đặt hàng trực tuyến hay không?
Giải đáp câu hỏi trên, lãnh đạo một số quận trung tâm cho biết theo hướng dẫn tại văn bản 2994 thì chỉ bán trực tuyến, không bán trực tiếp. Các quận, huyện lo ngại khi số lượng người có giấy ra đường nhiều, nếu bán trực tiếp thì sẽ không đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến
Theo văn bản 2994 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký ngày 7.9, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về.
Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper).
Điều kiện kèm theo để các hàng quán mở cửa bán mang về trong thời điểm này là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 cứ 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người. Các cơ sở nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21.8 của UBND TP.HCM.
|